Toàn lực đưa lao động Việt Nam tại Libya về nước

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, tuy không có quy mô lớn như chiến dịch di dời hơn 10.000 lao động khỏi Libya vào đầu năm 2011, song đợt sơ tán lần này lại được tiến hành với sự vào cuộc chủ động, tích cực, trách nhiệm của các công ty và chủ sử dụng lao động, cùng sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ Ngoại giao, Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Đại sứ quán Việt Nam tại các nước khu vực Trung Đông - Bắc Phi.

Nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đón nhóm 33 lao động Việt Nam tại Libya về đến sân bay quốc tế Kuala Lumpur (Malaysia) ngày 16/8. Ảnh: Kim Dung - Chí Giáp/ Phóng viên TTXVN tại Malaysia


Bộ LĐ-TB&XH đã cử các đoàn công tác tới Libya, Ai Cập và Tunisia nhằm phối hợp với các công ty, chủ sử dụng lao động và các cơ quan đại diện Việt Nam thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và đưa lao động về nước. Tính đến thời điểm này, toàn bộ lao động Việt Nam làm việc tại hai khu vực có chiến sự gồm thủ đô Tripoli và thành phố miền Đông Benghazi đã nhanh chóng được sơ tán tới các nơi ẩn náu an toàn trước khi hồi hương. Ngoài ra, 3 trong số 11 công ty phái cử đã phối hợp với các nhà thầu nước ngoài hoàn thành việc đưa toàn bộ công nhân của mình tại Libya về nước.

Đi đầu trong các nỗ lực này là Công ty Vinamex thuộc Tập đoàn xây dựng Vinaconex. Theo ông Đỗ Văn Chiến, Phó Giám đốc Vinamex, Công ty hoàn toàn không bị động trong việc sơ tán các lao động. Vào thời điểm bạo lực bùng phát, Vinamex đã lên kế hoạch và lập ban chỉ đạo sơ tán lao động tại Libya, đồng thời thường xuyên liên lạc chặt chẽ với nhà thầu Hàn Quốc Huyndai E&C để thực hiện kế hoạch này.

Trong những ngày đầu tháng 8, Vinamex đã cử một nhóm công tác tới Cairo để trực tiếp phối hợp với Huyndai E&C tổ chức sơ tán lao động bằng đường không. Sau rất nhiều nỗ lực dàn xếp, Vinamex và Huyndai E&C đã đưa toàn bộ 726 lao động của mình về tới Việt Nam trên các chuyến bay thuê riêng và chuyên cơ trong bối cảnh việc vận chuyển bằng đường không tại Libya hầu như bị tê liệt hoàn toàn.

Trong khi đó, các chủ sử dụng lao động có tiềm lực khác như nhà thầu Hàn Quốc Doosan Heavy Industries & Construction và TML của Thổ Nhĩ Kỳ cũng chủ động sơ tán các lao động Việt Nam tại Libya bằng các chuyến bay thương mại ngay khi tình hình có diễn biến xấu.

Chiến dịch sơ tán lao động lần này cũng in đậm dấu ấn của các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam trong khu vực. Với vị trí tiếp giáp với Libya, Ai Cập đã đóng vai trò là điểm trung chuyển chính cho các lao động Việt Nam trên đường hồi hương về nước. Cho tới nay, khoảng 750 lao động đã được sơ tán qua ngả Cairo bằng cả đường không và đường bộ.

Từ đầu tháng 8, toàn bộ nhân lực của Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập đã được huy động cho nhiệm vụ cấp bách này. Một nửa cán bộ thường xuyên túc trực để hỗ trợ các công ty và chủ sử dụng lao động làm các thủ tục quá cảnh và tiếp tế thực phẩm cho nhiều nhóm lao động tại sân bay. Nửa còn lại chạy đua với thời gian để hoàn tất các thủ tục pháp lý, hành chính và trực tiếp tiếp nhận các lao động sơ tán qua cửa khẩu đường bộ Salloum.

Nếu so với việc di chuyển bằng đường không, việc sơ tán bằng đường bộ khó khăn và phức tạp hơn nhiều do cửa khẩu Salloum hiện chỉ mở cửa một chiều cho các công dân của Ai Cập và Libya. Sau rất nhiều nỗ lực vận động của Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập qua nhiều kênh cấp cao như Văn phòng Phủ tổng thống, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ... chính quyền Ai Cập đã chấp thuận mở cửa khẩu đường bộ và cử cảnh sát đi theo để bảo vệ các lao động cho tới khi họ lên máy bay về nước. Nhờ vậy, hai nhóm lao động với tổng cộng 58 người đã được đặc cách nhập cảnh và được chuyên chở về Cairo an toàn để từ đó bắt các chuyến bay về nước.

Cho tới nay, chiến dịch sơ tán khoảng 1.750 lao động Việt Nam tại Libya về nước đang chuẩn bị hoàn tất trong bối cảnh tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp tại quốc gia Bắc Phi này. Bên cạnh sự cần thiết xem xét lại chính sách đưa lao động đi làm việc tại các khu vực bất ổn, có những kinh nghiệm quý được rút ra từ việc gắn kết trách nhiệm của các công ty và nhà thầu trong việc bảo đảm an toàn và hỗ trợ người lao động.

Ngoài ra, sau những tiền lệ tại Iraq trước đây, cũng như tại Libya vào năm 2011 và hiện nay, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần nghiên cứu xây dựng một mô hình bảo hiểm cho lao động xuất khẩu nhằm giúp họ giảm bớt thiệt hại trong các trường hợp bất khả kháng.


TTXVN/Tin tức

Thêm 33 lao động Việt Nam sơ tán khỏi Libya bằng đường bộ
Thêm 33 lao động Việt Nam sơ tán khỏi Libya bằng đường bộ

Nhóm lao động Việt Nam tại Libya thứ hai gồm 33 người đã được sơ tán an toàn sang Ai Cập bằng đường bộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN