Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã đọc Lời điếu tại Lễ truy điệu. TTXVN trân trọng giới thiệu toàn văn Lời điếu.
"Thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
Thưa đồng bào, đồng chí,
Thưa gia quyến đồng chí Lê Khả Phiêu,
Hôm nay, trong niềm tiếc thương vô hạn, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng đồng bào, đồng chí cả nước và gia đình tổ chức trọng thể Lễ truy điệu và tiễn đưa đồng chí Lê Khả Phiêu - Nhà lãnh đạo xuất sắc, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; người đảng viên cộng sản trung kiên, suốt đời cống hiến, hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thống nhất đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân và thực hiện nghĩa vụ quốc tế về nơi an nghỉ cuối cùng. Đồng chí Lê Khả Phiêu mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước, quân đội, nhân dân ta và đồng chí, đồng đội, đối với gia quyến đồng chí Lê Khả Phiêu, để lại niềm tiếc thương đối với bạn bè quốc tế.
Đồng chí Lê Khả Phiêu sinh ngày 27/12/1931, tại xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, trong một gia đình nông dân nghèo. Đồng chí sớm giác ngộ cách mạng; khi mới 16 tuổi (năm 1947), Đồng chí đã tích cực tham gia dạy bình dân học vụ và làm công tác tuyên truyền ở xã. Tháng 6/1949, Đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, được giao phụ trách công tác tuyên truyền và làm Chánh Văn phòng Chi bộ xã.
Tháng 5/1950, Đồng chí tham gia Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, đồng chí Lê Khả Phiêu luôn có mặt ở những địa bàn khó khăn, ác liệt. Là cán bộ trưởng thành từ cơ sở, Đồng chí đã kinh qua các chức vụ từ cấp đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn; Trưởng Phòng Tổ chức Quân khu Trị Thiên Huế; Phó Chủ nhiệm Chính trị, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu Trị Thiên Huế; Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 2; Phó Tư lệnh về Chính trị kiêm Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9; Phó Tư lệnh về Chính trị kiêm Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Mặt trận 719, Phó Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Tư lệnh Mặt trận 719 quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia; Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong mọi hoàn cảnh, dù ở bất cứ cương vị công tác nào, chiến trường nào, Đồng chí luôn vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chiến đấu và chỉ huy chiến đấu, xây dựng lực lượng quân đội đoàn kết nội bộ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, thể hiện phẩm chất cao quý của Bộ đội Cụ Hồ.
Trên cương vị là Phó Tư lệnh về Chính trị Mặt trận 719, làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, Đồng chí là người lãnh đạo, chỉ huy từ những trận đánh đầu tiên, phối hợp chặt chẽ với lực lượng cách mạng và nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ Khmer Đỏ diệt chủng, đóng góp công sức giúp đất nước Chùa Tháp hồi sinh.
Tháng 6/1991, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, Đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng; được phân công làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Uỷ viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương). Tại Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa VII, Đồng chí được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 01/1994), Đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị.
Trên cương vị là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Đồng chí đã cùng tập thể Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chăm lo xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh, thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối quân sự, quốc phòng; lãnh đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị, xây dựng quân đội ta vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội; giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đồng chí được thăng quân hàm Thiếu tướng (tháng 4/1984), Trung tướng (tháng 6/1988), Thượng tướng (tháng 6/1992).
Đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa VII, VIII; Bí thư Trung ương Đảng khoá VII; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa VII, VIII; Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị khóa VIII; đại biểu Quốc hội các khóa IX, X.
Tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII (tháng 12/1997), Đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; được phân công làm Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương). Trên cương vị Tổng Bí thư, với những kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đồng chí Lê Khả Phiêu đã thường xuyên quan tâm chăm lo công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Là một trong những nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, ở mỗi giai đoạn khó khăn, thử thách, Đồng chí luôn nêu cao tính tiền phong, gương mẫu và giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, thương yêu đồng bào, đồng chí, luôn đặt lợi ích của Đảng, đất nước và nhân dân lên trên hết, trước hết; gần gũi, giản dị, luôn gắn bó với nhân dân, sâu sát địa phương và cơ sở; được đồng chí, đồng bào quý mến, bạn bè quốc tế trân trọng.
Là cán bộ được tôi luyện, trưởng thành qua trận mạc, khó khăn, gian khổ, trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, làm nhiệm vụ quốc tế cao cả cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc trọng trách trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Trong những điều kiện cụ thể, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu luôn có nhiều đóng góp tâm huyết, thẳng thắn, thể hiện chính kiến và dám chịu trách nhiệm.
Những năm gần đây, mặc dù tuổi đã cao, sức khoẻ giảm sút, đồng chí Lê Khả Phiêu vẫn tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến cho Đảng, Nhà nước và quân đội; Đồng chí là nhà lãnh đạo đầy nhiệt huyết, hết mình cống hiến, có trách nhiệm cao với Đảng, với dân, với nước, với quân đội. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đồng chí là tấm gương sáng để đồng bào, đồng chí, cán bộ, chiến sĩ cả nước học tập và noi theo.
Trong gia đình, đồng chí là người chồng, người cha, người ông sống giản dị, mẫu mực, giàu đức hy sinh và lòng nhân ái.
Với gần 90 tuổi đời, hơn 70 năm hoạt động cách mạng và hơn 70 năm tuổi Đảng, dù ở cương vị công tác nào, đồng chí Lê Khả Phiêu luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Trọn cả cuộc đời của Đồng chí gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Đồng chí luôn giữ vững chí khí, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản, luôn tận tâm, hết lòng vì nước, vì dân, vì bạn bè quốc tế; không ngừng rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao tri thức, tìm tòi, sáng tạo, sắc sảo, quyết đoán trong công việc.
Với những cống hiến to lớn của Đồng chí cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và nhân dân ta, Đảng, Nhà nước đã trao tặng Đồng chí nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao vàng, Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, Huân chương Chiến sĩ giải phóng, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.
Đồng chí đã được Nhà nước Lào tặng Huân chương ITSALA, Nhà nước Campuchia tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, Nhà nước Cuba tặng Huân chương Jose Marti và nhiều phần thưởng cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
Kính thưa đồng chí Lê Khả Phiêu,
Hôm nay, chúng ta có mặt tại đây để đưa tiễn Đồng chí về nơi an nghỉ cuối cùng. Vĩnh biệt Đồng chí, chúng ta nguyện đoàn kết một lòng, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức phấn đấu tiếp tục đi theo con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Trong giờ phút tiếc thương và xúc động này, chúng tôi xin trân trọng gửi đến toàn thể gia quyến đồng chí Lê Khả Phiêu lời chia buồn sâu sắc nhất trước nỗi đau thương, mất mát không gì bù đắp được.
Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt đồng chí Lê Khả Phiêu kính mến của chúng ta".