1 triệu tỷ đồng “cục máu đông” của nền kinh tế
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói, 1 triệu tỷ đồng Kho bạc Nhà nước đang gửi ngân hàng là “hoàn toàn đúng”.
Theo người đứng đầu ngành Tài chính, khó khăn nhất trong nền kinh tế hiện nay là hạn chế tổng cầu, vốn được hình thành từ các yếu tố như tiêu dùng xã hội, đầu tư tư nhân, tiêu dùng Chính phủ, xuất nhập khẩu… Để kinh tế phát triển thì phải làm cho đầu tư tư nhân, tiêu dùng xã hội tăng lên, tức là phải có cơ chế chính sách, môi trường đất đai…
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, đầu tư công sẽ dẫn dắt cho đầu tư tư nhân phát triển. Tuy nhiên, do giải ngân vốn đầu tư công “nghẽn”, nên Bộ Tài chính phải gửi số tiền trên vào Ngân hàng Nhà nước, lãi suất 0,8%/năm.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt gần 14,7% kế hoạch năm. Mức này mới đạt gần 15,7% kế hoạch Thủ tướng giao và thấp hơn cùng kỳ 2022 (18,48%).
Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Trị (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị) cho rằng: “Tồn dư ngân quỹ Nhà nước đang gửi ở hệ thống ngân hàng đã đứng ở mức khá cao kể từ năm 2019 và gia tăng đáng kể từ năm 2022, tới giữa tháng 5 này đã vượt mốc 1 triệu tỷ đồng”.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng nhận định, đây là một vấn đề nhức nhối với nước ta - một quốc gia còn nghèo, luôn thiếu vốn cho đầu tư phát triển, nhưng lại phải đối mặt với một nghịch lý “tiền sẵn trong túi mà không sao tiêu được”.
Còn Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH Hà Nội) cho rằng: “Thị trường thế giới bị thu hẹp, tăng trưởng không thể trông chờ vào khu vực xuất khẩu như những năm trước đây thì phải đẩy mạnh tổng cầu trong nước, trong đó cầu thông qua đầu tư công là một trong những trụ cột quyết định. Do vậy, giải ngân đầu tư công chậm sẽ đáng lo ngại, khó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.
Hơn 1 triệu tỷ đồng còn nằm trong Ngân hàng Nhà nước, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, do không triển khai được thủ tục giải ngân vốn đầu tư công. “Tiền giải ngân vốn đầu tư công năm nay đã tăng lên gần 200.000 tỷ so với năm trước. Nhiệm vụ đặt ra rất cao, tiền luôn sẵn có, nhưng các thủ tục để tiến hành giải ngân đang bị ách lại, đó là vấn đề đáng lo ngại”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói.
Tồn 1 triệu tỷ đồng không khác gì “cục máu đông” gây tắc nghẽn dòng tiền trong nền kinh tế, khi mà tiền thuế, phí của doanh nghiệp và người dân nộp về Kho bạc Nhà nước nằm “đắp chiếu” chủ yếu ở Ngân hàng Nhà nước và đã không quay trở lại được nền kinh tế do sự tắc nghẽn ở kênh giải ngân đầu tư công.
Một sự lãng phí không nhỏ
Vậy làm thế nào để phá được “cục máu đông” này? Đại biểu Trần Văn Lâm, Uỷ viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho biết: Xót xa vì tồn đến 1 triệu tỷ đồng không tiêu được thì đương nhiên ai cũng xót. Một triệu tỷ đồng chậm đưa vào giải ngân coi như chậm phát huy nguồn lực, trong khi chúng ta vẫn phải đi vay, chịu lãi vay hơn 3 triệu tỷ đồng.
Theo Đại biểu Trần Văn Lâm, bội chi mỗi năm làm chúng ta phải đi vay 200.000 - 300.000 tỷ đồng, trong khi đó có tiền trong két mà không tiêu được. Đấy là sự lãng phí.
Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Trần Văn Lâm phân tích: Tuy nhiên, không phải cứ muốn đẩy nhanh nguồn tiền lưu thông là cứ thế đưa tiền ra bằng mọi giá, mà cần phải sử dụng hiệu quả. “Nếu đưa tiền ra mà làm thất thoát, lãng phí lớn hơn thì còn xót xa hơn”, đại biểu Trần Văn Lâm cho hay.
Cho nên không thể nóng vội mà đưa ra những giải pháp cực đoan. Trong chi tiêu ngân sách cũng cần thận trọng, tuân thủ luật, quy trình thủ tục, không thể cắt giảm hết quy trình thủ tục, làm nảy sinh thất thoát, tiêu cực, lãng phí và hệ quả còn lâu dài hơn.
Video Đại biểu Trần Văn Lâm - Ủy viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội lý giải 1 triệu tỷ đồng tồn trong Kho bạc Nhà nước:
“Tắc nghẽn” trong giải ngân vốn đầu tư công đã được nhận diện khá lâu. Các nguyên nhân được chỉ ra mỗi năm một dài thêm, nhưng đại biểu Quốc hội thấy điểm mấu chốt của vấn đề tới nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Nhìn nhận việc giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, nguyên nhân là do chuẩn bị dự án. “Theo quy định của Luật Đầu tư công, có tiền mới được lập dự án, có dự án mới được bố trí tiền, vốn phải chờ công trình thì làm sao giải ngân được”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay.
Vướng mắc trong khâu chuẩn bị đầu tư, rồi phê duyệt dự án mới giải phóng mặt bằng… cho nên giải ngân, quyết toán chậm dẫn tới tồn dư tiền ngân sách trong kho bạc đã thành “cục máu đông”. Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị cần phải sửa luật, dùng 1 luật để sửa nhiều luật, trong đó có Luật Đầu tư công.