Tới dự hội thảo có các Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài và một số Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, ông Nguyễn Đình Thi là một trong những tên tuổi lớn của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam – Nhà hoạt động văn hóa xuất sắc, nghệ sĩ tài hoa, với những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa, nghệ thuật nước nhà.
"Với tài năng sáng tạo xuất sắc, với lòng yêu nước thiết tha và tư tưởng cách mạng vững vàng, ông Nguyễn Đình Thi đã để lại cho chúng ta một di sản văn hóa, văn nghệ to lớn, phong phú, có sức sống lâu bền. Cuộc đời hoạt động cách mạng và sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Đình Thi là tấm gương cao đẹp cho các thế hệ văn nghệ sĩ hôm nay và mai sau. Đó là tấm gương của một nghệ sĩ xông xáo, lăn lộn trong hiện thực đấu tranh cách mạng, nguyện tận hiến tài năng, tâm huyết của mình, phụng sự Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp vẻ vang của Đảng", Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị thông qua hội thảo, đội ngũ văn nghệ sĩ sẽ không ngừng học hỏi, đúc rút những bài học quý báu từ các thế hệ đi trước để tiếp tục dấn thân, vững vàng và không ngừng phát triển trên hành trình sáng tạo.
Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, từ cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Thi có thể rút ra bài học lớn đối với hoạt động sáng tạo nghệ thuật, đó là: Chỉ khi nào nghệ sĩ gắn bó máu thịt với quê hương, đất nước; sáng tạo dưới ánh sáng của lý tưởng cao đẹp; hướng tới mục tiêu cao cả là phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc thì tác phẩm của họ mới thực sự có giá trị cao, có sức lan tỏa sâu rộng và bền vững trong công chúng.
Mục đích cuối cùng của nghệ sĩ chân chính là có được những tác phẩm hay, những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, phản ánh tâm hồn và tính cách dân tộc, những điều lớn lao, mạnh mẽ của con người và dự báo cho cả tương lai. Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương bày tỏ mong muốn các văn nghệ sĩ sẽ nhận thức và thể hiện rõ điều này để xứng đáng với niềm tin yêu và hy vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Nhân dịp này, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các nhà khoa học, văn nghệ sĩ và các cơ quan liên quan tiếp tục tập trung nghiên cứu, khẳng định, tôn vinh những đóng góp quan trọng của Nguyễn Đình Thi đối với nền văn học, nghệ thuật cách mạng nước nhà; đẩy mạnh công tác lưu giữ và quảng bá, tuyên truyền rộng rãi những tác phẩm của Nguyễn Đình Thi đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước.
Trong phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nêu rõ, Nguyễn Đình Thi là một trong những tên tuổi lớn của văn hóa, văn nghệ Việt Nam hiện đại, thông tuệ, đa tài, xuất sắc ở nhiều lĩnh vực. Các tác phẩm văn xuôi như "Xung kích", "Thu Đông năm nay", "Bên bờ sông Lô", "Vào lửa", "Mặt trận trên cao"… thực sự là những dẫn chứng tiêu biểu cho quan niệm sáng tác và ý thức công dân của người nghệ sĩ. Đặc biệt, bộ tiểu thuyết hai tập "Vỡ bờ" đã đưa Nguyễn Đình Thi lên vị thế tiên phong của dòng tiểu thuyết sử thi hào hùng và lãng mạn của nền văn học nước ta giai đoạn 1946 - 1985.
Ở thể loại thơ, những tác phẩm bất hủ của ông như "Đất nước", "Nhớ", "Bài thơ Hắc Hải", "Lá đỏ"... là minh chứng sinh động cho tình yêu thương, gắn bó tha thiết với đất nước, con người Việt Nam "vất vả, đau thương tươi thắm vô ngần", "rũ bùn đứng dậy sáng lòa"... Cho đến nay, thế hệ các nhà thơ trẻ Việt Nam đã, đang kế thừa và phát huy những thành tựu và hướng tìm tòi của nhà thơ Nguyễn Đình Thi.
Về sân khấu, sự xuất hiện bất ngờ của các kịch bản "Con nai đen" (1961), "Hoa và Ngần" (1974), "Giấc mơ" (1977), "Rừng trúc" (1978), "Nguyễn Trãi ở Đông Quan" (1979), "Người đàn bà hóa đá" (1980), "Tiếng sóng" (1980), "Cái bóng trên tường" (1982), "Trương Chi" (1983), "Hòn cuội" (1986)... đều toát lên bản lĩnh nghệ thuật, tài năng và sự sáng tạo nghệ thuật, luôn tìm lối mới, cách đi riêng của Nguyễn Đình Thi.
Trong lĩnh vực âm nhạc, dù "dừng chân" không lâu và chỉ có 6 ca khúc trong sự nghiệp sáng tác: "Căm hờn", "Diệt phát xít", "Du kích quân" (1945), "Người Hà Nội" (1947), "Con voi" (1948), "Đất nước yêu thương" (1977)) nhưng Nguyễn Đình Thi vẫn để lại dấu ấn sáng tạo đậm nét, tâm hồn đẹp đẽ, nhân văn của người nghệ sĩ - chiến sĩ.
"Nguyễn Đình Thi đã để lại một di sản văn hóa đồ sộ với những tác phẩm có giá trị nhiều mặt, sống mãi với thời gian", ông Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Thế Kỷ, cùng với sự nghiệp sáng tác văn nghệ, sáng tạo văn hóa, Nguyễn Đình Thi còn là một nhà lãnh đạo văn hóa, văn nghệ tài ba, xuất sắc. Ông tham gia cùng các cơ quan, đơn vị giúp Đảng, Nhà nước xây dựng, bổ sung, hoàn thiện đường lối văn hóa, văn nghệ kháng chiến, kiến quốc.
Nhất là trên các cương vị Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc, Tổng thư ký Hội Văn nghệ, Tổng thư ký Hội Nhà văn, Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, ông đã thể hiện tầm tư duy, trí tuệ, tầm nhìn chiến lược và khả năng nắm bắt hơi thở đời sống. Nguyễn Đình Thi còn là nhà trí thức tiên phong trong nghiên cứu, vận dụng tư tưởng triết học và lý luận văn nghệ Marxist vào đời sống văn nghệ Việt Nam.
Do tài năng và cống hiến xuất sắc cho nền văn hóa, văn nghệ nước nhà trên cả lĩnh vực sáng tác và lãnh đạo, quản lý, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về văn học - nghệ thuật và nhiều huân chương, huy chương, danh hiệu cao quý khác.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ cùng thảo luận về cách tiếp nhận và ứng dụng những giá trị di sản của ông Nguyễn Đình Thi để làm giàu thêm cho nền văn hóa Việt Nam hiện đại.