Chủ trì Hội thảo có Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy; Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Duy Bắc. Dự hội thảo còn có thân nhân gia đình đồng chí Nguyễn Văn Cừ.
Cuộc đời hoạt động cách mạng vẻ vang, cao đẹp
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng cho biết, đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9/7/1912 trong một gia đình nhà Nho yêu nước ở làng Phù Khê, tổng Nghĩa Lập, phủ Từ Sơn (nay là thôn Phù Khê, phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Năm 1928, đồng chí được kết nạp và tham gia hoạt động cách mạng trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và năm 1929 được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng, một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đầu năm 1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được cử là đại diện Xứ ủy giúp việc liên lạc và chỉ đạo Đặc khu ủy vùng mỏ. Tháng 2/1931, trên đường đi công tác từ Cẩm Phả về Hòn Gai, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, bị kết án “phát lưu chung thân” và đày ra Côn Đảo từ năm 1931 đến năm 1936. Cuối năm 1936, sau khi được trả tự do, đồng chí Nguyễn Văn Cừ tham gia thành lập “Ủy ban sáng kiến” - cơ quan có vai trò như Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ; sau đó tham gia tái lập Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ (3/1937) và được cử là Ủy viên Thường vụ Xứ ủy. Tại Hội nghị Trung ương Đảng (mở rộng) năm 1937, đồng chí được bầu là Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng và đến Hội nghị Trung ương tháng 3/19, được bầu là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khi mới chưa đầy 26 tuổi.
Ngày 18/1/1940, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ bị mật thám Pháp bắt tại Sài Gòn. Sau khi Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra (23/11/1940), đồng chí bị thực dân Pháp buộc tội chịu trách nhiệm tinh thần của cuộc khởi nghĩa và ngày 28/8/1941, đồng chí đã anh dũng hy sinh trước mũi súng quân thù tại trường bắn Ngã Ba Giồng, Hóc Môn, Gia Định.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: Cuộc đời đồng chí Nguyễn Văn Cừ tuy ngắn ngủi nhưng vô cùng trong sáng và cao đẹp. Những cống hiến to lớn và sự hy sinh oanh liệt của đồng chí đã góp phần làm rạng danh Tổ quốc ta, dân tộc ta; tô thắm thêm lịch sử, truyền thống vẻ vang của Đảng ta.
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là dịp tưởng nhớ cuộc đời cách mạng vẻ vang, cao đẹp, tri ân những cống hiến xuất sắc của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đặc biệt, những cống hiến về tư tưởng và lý luận của đồng chí, nhất là trong tác phẩm “Tự chỉ trích” mãi còn nguyên giá trị, là tài liệu vô cùng quý giá để triển khai thắng lợi Kết luận 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.
"Học tập và noi gương đồng chí Nguyễn Văn Cừ, chúng ta càng có thêm ý chí, nghị lực, quyết tâm, kế thừa xứng đáng sự nghiệp cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ cách mạng tiền bối trao truyền lại, đoàn kết chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định đường lối đổi mới và các nguyên tắc xây dựng Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh toàn diện, thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng, xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc", đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Người cộng sản kiên trung, nhà lý luận xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam
Tham luận về vai trò của đồng chí Nguyễn Văn Cừ trong việc xây dựng tổ chức Đảng ở vùng mỏ Quảng Ninh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Thùy Dương nhấn mạnh, những ý kiến bổ khuyết, uốn nắn của đồng chí Nguyễn Văn Cừ xuất phát từ đặc điểm của phong trào công nhân nước ta và tình hình cụ thể của khu mỏ Quảng Ninh, xuất phát từ chủ trương, đường lối của Đảng. Những ý kiến đó là đúng đắn, chính xác, sáng tạo, có tầm quan trọng về mặt lý luận và thực tiễn, đã tác động tích cực đến phong trào cộng sản và công nhân khu mỏ Quảng Ninh phát triển theo đường lối chung của Đảng. Các chi bộ cộng sản ở khu mỏ Quảng Ninh trong thời kỳ này đã lấy ý kiến của đồng chí Nguyễn Văn Cừ bổ sung vào phương châm hoạt động thực tế từ đó trở đi, phong trào công nhân khu mỏ Quảng Ninh căn bản tránh được những sai lầm trước đó mắc phải.
“Học tập và noi gương đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ninh đẩy mạnh việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tệ quan liêu, tham nhũng, bè phái, cục bộ, những thói hư tật xấu; xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân, lãnh đạo nhân dân toàn tỉnh ra sức thi đua đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, xây dựng đất nước nói chung và vùng mỏ Quảng Ninh ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước trên con đường xã hội chủ nghĩa” bà Phạm Thùy Dương nêu rõ.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Minh Trưởng, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, trong số những nhà cách mạng đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, tên tuổi, sự nghiệp, những cống hiến to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - nhà lý luận xuất sắc, một lãnh tụ tài năng của Đảng, mãi là niềm tự hào của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là một trong số các lãnh tụ của Đảng không được đào tạo ở nước ngoài nhưng với tinh thần tự nghiên cứu, (học hỏi lý luận chủ yếu trong thời gian bị giam cầm ở các nhà tù đế quốc), thông qua hoạt động thực tiễn đấu tranh cách mạng, đồng chí đã thể hiện tài năng sáng tạo về tư duy lý luận, gắn lý luận với thực tiễn, trở thành nhà lý luận xuất sắc của Đảng ta.
“Những vấn đề lý luận cách mạng được thể hiện trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (11/1939) cho thấy, sự nhận thức và xử lý hết sức đúng đắn mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp trong cách mạng dân tộc dân chủ, thể hiện sự thống nhất với tư tưởng của Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc. Nghị quyết hội nghị Trung ương 6 là một văn kiện lý luận cực kỳ quan trọng, đánh dấu bước trưởng thành về tư duy lý luận của Đảng ta, đồng thời khẳng định sự đóng góp to lớn và tài năng xuất chúng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ.” Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Minh Trưởng nhấn mạnh.
Xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố hiện đại, công nghệ cao
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan khẳng định, phát huy truyền thống của quê hương, đất nước, học tập, noi gương Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, trong các giai đoạn cách mạng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Bắc Ninh luôn phát huy truyền thống văn hiến, cách mạng, đoàn kết, sáng tạo, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trên các lĩnh vực.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan, từ một tỉnh nông nghiệp, xuất phát điểm thấp, qua 25 năm tái lập tỉnh, với sự đoàn kết và nỗ lực, quyết tâm cao, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã tạo ra những bước phát triển vượt bậc, toàn diện trên các lĩnh vực. Đến nay, tỉnh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Kinh tế của tỉnh Bắc Ninh liên tục tăng trưởng cao, đạt tốc độ bình quân 13,9%/năm (6 tháng đầu năm 2022 đạt 14,7%); sản xuất công nghiệp được xác định là khâu đột phá, trở thành động lực phát triển kinh tế của tỉnh; giá trị sản xuất đứng thứ nhất toàn quốc. Thu ngân sách Nhà nước tăng nhanh, là tỉnh tự cân đối thu - chi ngân sách và có điều tiết về Trung ương, đứng thứ 8 toàn quốc…
Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỉnh tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Công tác chính trị tư tưởng; tổ chức, cán bộ; kiểm tra, giám sát; dân vận; phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được tập trung triển khai nghiêm túc, đạt kết quả. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp có sự chuyển biến tích cực. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng được nâng lên. Đảng bộ tỉnh nhiều năm được công nhận Đảng bộ trong sạch vững mạnh...
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, đến năm 2030, tỉnh Bắc Ninh phấn đấu xây dựng thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu của thành phố trực thuộc Trung ương; là động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước; tầm nhìn đến năm 2045, trở thành thành phố công nghiệp công nghệ cao, thông minh.
Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Bắc Ninh tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, tỉnh tập trung xây dựng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quan liêu, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, đủ phẩm chất, năng lực, khát vọng cống hiến đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới...
Tỉnh Bắc Ninh tiếp tục học tập, vận dụng tinh thần, tư tưởng tự phê bình và phê bình nêu trong tác phẩm “Tự chỉ trích” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tổ chức và cán bộ.
Cùng đó, tỉnh đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, phát huy lợi thế so sánh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình trọng điểm có tính lan tỏa cao, tăng liên kết vùng; quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, giải quyết ô nhiễm môi trường...