Trong không khí ấm áp của những ngày đầu xuân mới, kỷ niệm 84 năm ngày thành lập Đảng, ngày 3/2 (tức mùng 4 Tết), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã về thăm, chúc Tết Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Ba Vì; dự lễ kỷ niệm 45 năm Bác Hồ trồng cây đa tại thôn Yên Bồ, xã Vật Lại và phát động Tết trồng cây nhớ Bác – Xuân Giáp Ngọ 2014.
Cùng tham dự có các đồng chí: Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội; cùng đại diện lãnh đạo huyện Ba Vì, xã Vật Lại và đông đảo bà con nhân dân địa phương.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu tham gia Tết trồng cây tại đồi Đồng Váng, thôn Yên Bồ, xã Vật Lại , huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Ảnh : Trí Dũng – TTXVN |
Cách đây 45 năm, ngày 16/2/1969, đúng ngày mùng 1 Tết Kỷ Dậu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm, gặp gỡ và chúc Tết cán bộ, nhân dân huyện Ba Vì. Bác đã trồng cây đa trên đồi Đồng Váng, thôn Yên Bồ, xã Vật Lại, để khuyến khích phong trào trồng cây của địa phương và cả nước. Đây cũng là lần cuối cùng Bác thăm nông dân và trồng cây trước lúc Người đi xa. Cây đa Bác trồng hiện nay đã tỏa bóng xanh tươi, trở thành di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, là di sản vô giá của địa phương và cả nước. Từ đó đến nay, phong trào trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc, bảo vệ và phát triển rừng của huyện Ba Vì được duy trì nền nếp và trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, góp phần bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái của Thủ đô và đất nước.
Nói chuyện thân mật với bà con, cô bác xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Vào dịp đầu Xuân, ôn lại việc Bác trồng cây tại nơi này 45 năm về trước, nhớ lại những lời căn dặn của Bác, chúng ta quyết tâm học và làm theo lời căn dặn của Bác trên nhiều lĩnh vực, trong đó đặc biệt là việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây và rừng. Không phải ngẫu nhiên Bác Hồ đã nhiều lần về thăm Ba Vì, trong những năm tháng cuối đời, Người vẫn về thăm và trồng cây tại đây. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, cả về lịch sử, văn hóa, chính trị, làm cho chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều về việc làm của Bác.
Tổng Bí thư mong muốn bà con xã Vật Lại, huyện Ba Vì, sẽ không bao giờ quên và thực hiện thật tốt lời căn dặn của Bác. Bác dạy nhiều điều, nhiều mặt, nhiều lĩnh vực, riêng việc trồng cây Bác nói rất mộc mạc, phân tích rất kỹ tiện ích của việc trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng, không chỉ để có gỗ, có nhiều bóng mát, điều hòa không khí, trong điều kiện chiến tranh thì phòng không rất tốt. Ngày nay, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, vấn đề bảo vệ môi trường phát triển bền vững càng có ý nghĩa quan trọng, chúng ta càng thấm thía lời dạy của Bác. Tác phong của Bác thật giản dị, gần dân, làm việc thực chất, hiệu quả, kể cả trong việc trồng cây gây rừng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vui mừng nhận thấy, Đảng bộ, nhân dân huyện Ba Vì đã thực hiện tốt lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu, duy trì và phát triển tốt phong trào trồng cây gây rừng. Suốt 45 năm qua, năm nào Ba Vì cũng phát động Tết trồng cây. Hiện nay, huyện có diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm 25% tổng diện tích tự nhiên, chiếm gần 40% diện tích đất lâm nghiệp của thành phố Hà Nội. Ba Vì có vị trí địa lý và vai trò rất quan trọng trong sự phát triển bền vững của Thủ đô, nơi có rừng đầu nguồn quốc gia, có nhiều di tích lịch sử, văn hóa và cách mạng, có sự đa dạng sinh học cần được bảo vệ, phát huy để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: Cả nước ta đang công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, trong đó Hà Nội đang đi đầu, việc chăm sóc, bảo vệ rừng, trồng cây gây rừng càng có ý nghĩa quan trọng. Tổng Bí thư mong tất cả cán bộ, đảng viên, nhân dân thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ, hiểu đầy đủ vị trí, vai trò của Ba Vì đối với sự phát triển của Thủ đô và trong sự nghiệp trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng. Mỗi người trồng một cây, chăm sóc, bảo vệ cây tốt thì không bao lâu chúng ta sẽ có không chỉ một rừng cây, mà nhiều rừng cây. Việc làm rất ý nghĩa mà chẳng mất công sức là bao, miễn là có ý thức tốt, có kế hoạch, kiểm tra, phân công, bảo vệ tốt. Ở đây có trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, sự lãnh đạo của cấp ủy là rất quan trọng, vai trò của các cụ lão thành, lực lượng xung kích là thanh niên, các cháu thiếu niên nhi đồng cũng có thể chăm sóc, bảo vệ cây, trồng cây, tất cả mọi người đều làm được. Nếu Ba Vì, Hà Nội và các nơi khác đều làm tốt phong trào trồng cây gây rừng, thực hiện tốt lời dạy của Bác, thì đất nước ta sẽ có nhiều rừng.
Tại khu vực đồi Đồng Váng, thôn Yên Bồ, xã Vật Lại, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát động Tết trồng cây nhớ Bác – Xuân Giáp Ngọ 2014 và cùng các đại biểu, đông đảo bà con địa phương tham gia trồng cây, thiết thực hưởng ứng lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dâng hương tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì. Ghi lưu bút tại đây, Tổng Bí thư viết: “Bác Hồ đã từng dạy: “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây; vì lợi ích trăm năm phải trồng người. Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Học tập và làm theo lời dạy và tấm gương của Bác Hồ, toàn Đảng, toàn dân ta nguyện làm tốt công tác trồng cây, gây rừng, chăm sóc, bảo vệ cây và rừng một cách thiết thực, hiệu quả”.
Trước đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gặp mặt cán bộ chủ chốt huyện Ba Vì. Gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trong huyện nhân dịp xuân mới Giáp Ngọ và kỷ niệm 84 năm ngày thành lập Đảng, Tổng Bí thư ghi nhận và biểu dương những bước tiến mới của Ba Vì, đặc biệt sau khi trở thành một huyện của Thủ đô Hà Nội. Chỉ trong một thời gian ngắn, Ba Vì đã vươn lên cùng Thủ đô, xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá khang trang, đạt kết quả tốt trong việc dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Ba Vì tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước cách mạng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ bằng những việc làm thiết thực, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, nhân dân có cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Nguyễn Sự