Cùng đi có các đồng chí: Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Phạm Gia Túc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; lãnh đạo Văn phòng Tổng Bí thư; đại diện lãnh đạo các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng.
Lưu giữ và phát huy các giá trị lịch sử quân sự của dân tộc
Tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm nghe giới thiệu tại khu Tháp Chiến thắng; tham quan hiện vật trưng bày khối lớn ngoài trời; khu vực đại sảnh Tòa nhà chính; tham quan hiện vật trưng bày trong nhà.
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là một trong những bảo tàng quân sự lớn và lâu đời nhất tại Việt Nam, với vai trò quan trọng trong việc lưu giữ và phát huy các giá trị lịch sử quân sự của dân tộc. Từ năm 2020, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị đã triển khai xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam mới trên diện tích ,66 ha, tại Km 6 + 500 Đại lộ Thăng Long, phường Tây Mỗ - Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Từ ngày 1/11/2024, Bảo tàng đã cơ bản hoàn thành xong giai đoạn 1 và chính thức mở cửa đón khách tham quan. Với hàng vạn hình ảnh, hiện vật, kết hợp với nhiều giải pháp trưng bày hiện đại, khách tham quan được trải nghiệm sống động về lịch sử quân sự và truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc.
Về kiến trúc, tòa nhà Bảo tàng hình cánh cung với hệ cột xiên có góc nghiêng khác nhau. Tòa nhà chính có 4 tầng nổi và 1 tầng hầm, cao 34 mét, diện tích xây dựng 23.198 mét vuông, tổng diện tích sàn 64.640 mét vuông.
Điểm nhấn công trình là Tháp Chiến thắng, cao 45 mét, với ý nghĩa nước Việt Nam giành độc lập năm 1945. Tháp có hình các ngôi sao 5 cánh xếp chồng lên nhau.
Trưng bày chính bao gồm 6 chủ đề tổ chức theo tiến trình lịch sử: Chủ đề 1 - Buổi đầu dựng nước và giữ nước, từ năm 700 trước Công nguyên đến năm 9; chủ đề 2 - Bảo vệ độc lập dân tộc, từ năm 939 đến năm 1858; chủ đề 3 - Chống thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc, từ năm 1858 đến năm 1945; chủ đề 4 - Kháng chiến chống thực dân Pháp, từ năm 1945 đến năm 1954; chủ đề 5 - Cuộc kháng chiến chống Mỹ 1954-1975; chủ đề 6 - Xây dựng và bảo vệ đất nước sau 1975 đến nay.
Đối với trưng bày ngoài trời, điểm đặc biệt chỉ có ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là sưu tập các hiện vật là vũ khí khối lớn. Các hiện vật khối lớn được sắp xếp có hệ thống ở hai bên tòa nhà.
Bên đối diện là các vũ khí từng là niềm tự hào của đối phương như: Các loại máy bay A37, F105, C130, trực thăng vận tải CH47, pháo 175 ly “Vua chiến trường” ... là những chiến lợi phẩm thu được của địch.
Báo cáo tại buổi làm việc cho thấy, trong giai đoạn 2, công trình tiếp tục triển khai trưng bày 8 chuyên đề, 7 sưu tập, 12 chuyên ngành quân sự; phục dựng công trình quân sự tiêu biểu; tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, không gian trải nghiệm ngoài trời; không gian sáng tạo; du lịch sinh thái; khu vui chơi trẻ em và khu dịch vụ cho khách tham quan.
Khi hoàn thành toàn bộ các hạng mục, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là một thiết chế văn hóa đa năng, tổng hợp, đặc biệt quan trọng, tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội và Quốc gia; có quy mô lớn, hiện đại, tiên tiến; phản ánh toàn diện, sâu sắc về di sản văn hóa quân sự Việt Nam qua các thời đại.
"Địa chỉ đỏ" tìm hiểu, học tập truyền thống của quân đội
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ ấn tượng về không gian Bảo tàng cùng các hiện vật phong phú, thể hiện rất sinh động sự trưởng thành của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; minh chứng là đã có rất đông các tầng lớp nhân dân đến tham quan Bảo tàng.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, đây chính là địa chỉ đỏ để học tập, nghiên cứu gắn liền với quá trình giữ nước vô cùng anh hùng của cha ông chúng ta, nhất là những chỉ đạo sáng suốt tài tình của Đảng ta trong từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Tổng Bí thư đề nghị, tiếp tục truyền tải thông điệp vai trò của nhân dân trong các cuộc kháng chiến và trong các đường lối quân sự quốc phòng vì quân đội của chúng ta là quân đội nhân dân. Bên cạnh đó, các hiện vật trưng bày cũng làm rõ và nhấn mạnh thêm trách nhiệm quốc tế của quân đội ta, bởi hiện nay Bảo tàng mới thể hiện được những vấn đề hợp tác quốc tế, công tác đối ngoại của quân đội, chiến lược của Đảng và Nhà nước ta là bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giải quyết tất cả những hậu họa nguy cơ từ trước không được để bị động bất ngờ.
Để hoàn thiện đồng bộ Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam theo đúng chủ trương đầu tư, đề cương chính trị, nhiệm vụ thiết kế được phê duyệt và mục tiêu đầu tư đã được Thường vụ Quân ủy Trung ương, lãnh đạo Bộ Quốc phòng xác định, Tổng Bí thư yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tạo điều kiện để Bộ Quốc phòng sớm hoàn thành các hạng mục đầu tư giai đoạn 2, phát huy hiệu quả giá trị của công trình lịch sử, văn hóa, là địa chỉ đỏ trong nghiên cứu, học tập, gìn giữ và phát huy truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương đã ghi sổ Vàng lưu niệm với nội dung: “Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là một biên niên sự kiện bằng tài liệu, hình ảnh, hiện vật xuyên suốt chiều dài lịch sử ra đời, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Thật xúc động, vinh dự, tự hào vì được sống lại với khung cảnh rừng Trần Hưng Đạo năm xưa; gặp lại những đoàn dân công thồ gạo trên khắp nẻo đường Tây Bắc, những tấm áo trấn thủ của người lính Điện Biên, những Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam; những khẩu đại bác cheo leo sườn núi để cùng toàn dân, toàn quân trút đạn vào đầu thù, làm nên chiến thắng "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"; gặp lại trùng trùng điệp điệp những đoàn quân "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thấy non sông Việt Nam liền một dải, thấy trời cao, biển rộng; thấy sự trưởng thành, lớn mạnh, hiện đại của Quân đội nhân dân Việt Nam; thấy sự tin tưởng, tự hào của Đảng, Chính phủ và Nhân dân đối với "Bộ đội cụ Hồ" và thấy "Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân" trên mọi nẻo đường đất nước.
Tôi tin tưởng rằng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là "địa chỉ đỏ", là không gian văn hóa đặc biệt để nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè khắp năm châu đến thăm quan, tìm hiểu, học tập về truyền thống của đội quân "Bách chiến, bách thắng" của dân tộc Việt Nam anh hùng".