Đó là phát biểu của ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai chiều 13/10, tại cuộc họp thông tin của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai về công tác ứng phó với đợt mưa lũ từ ngày 10 - 12/10.
Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài chủ trì buổi họp. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Theo ông Trần Quang Hoài, theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1622/QĐ-TTG ngày 17/9/2015, thì mùa mưa lũ thường đến thời điểm 15/9 là kết thúc và chuyển toàn bộ hoạt động vận hành liên hồ này về cho các công trình thủy điện. Khi đó, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai chỉ có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho hạ du còn trách nhiệm đảm bảo an toàn cho đập là chủ đầu tư các công trình thủy điện.
Theo Quy trình vận hành liên hồ này thì từ ngày 15 - 30/9, hồ Hòa Bình được tích nước lên cao trình 117m và Công ty Thủy điện Hòa Bình đã tích nước hồ đúng đến xấp xỉ cao trình này.
Khi lũ về, theo Quy trình thì 6 tiếng xả 1 lần nhưng Quy trình vận hành cũng quy định nếu tình huống mưa lũ về khẩn cấp được phép xả lũ cấp tập để đảm bảo an toàn cho công trình, ông Trần Quang Hoài cho biết.
“Nếu hồ Hòa Bình không đảm bảo được an toàn thì sẽ là thảm họa của đất nước”, ông Hoài nhấn mạnh.
Ông Trần Quang Hoài cho biết, Công ty Thủy điện Hòa Bình đã phối hợp cùng với Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai triển khai hoàn toàn đúng quy trình.
Về việc phải đóng hồ thủy điện Sơn La, ông Hoài cho biết: "Đây là một hoạt động rất linh hoạt và thông minh trong vận hành. Nếu chúng ta không đóng hồ Sơn La, lượng nước ở đây vẫn xả tiếp xuống thì càng gây nguy cơ và áp lực cho hồ Hòa Bình. Lúc đó chúng ta có thể không phải xả 8 cửa nữa mà có thể còn xả nhiều hơn".
Ông Hoài cũng thông tin thêm, đợt mưa lũ này chỉ mưa trong lòng hồ Hòa Bình, còn hồ Sơn La lượng mưa vẫn ổn định và khi đóng lại mực nước hồ Sơn La dâng lên không nhiều. Bên cạnh đó, hồ Sơn La được kết cấu an toàn hơn hồ Hòa Bình rất nhiều và có dung tích siêu cao để cắt lũ.
Hiện các hồ thủy lợi gần như đã đầy nước và đang phải xả tràn, có những chỗ xả tràn không kịp phải sử dụng máy đào. Đối với các hồ chứa xung yếu đang phải hạ thấp một cách mạnh mẽ nhất.
Về hệ thống đê điều, đã có các đoàn công tác tới các khu vực xung yếu và cùng chính quyền địa phương hướng dẫn phương pháp để tu sửa, khắc phục. Công tác tuần tra, canh gác theo quy định đã ban hành.
Trước đó, khu vực lòng hồ Hòa Bình đã có mưa đặc biệt lớn và bất thường trong các ngày 10 - 11/10 gây đợt lũ lớn trái mùa với lưu lượng đỉnh là 15.940 m3/s và hồ Hòa Bình phải xả lũ lịch sử tới 8 cửa xả đáy, với tổng lưu lượng xả về hạ du là 16.520 m3/s làm mực nước trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình tăng nhanh đột biến.
Vào thời điểm hiện nay, hồ Hòa Bình đã đóng tất cả các cửa xả đáy và hồ Tuyên Quang chỉ mở 1 cửa xả đáy.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, đợt mưa lũ này đã làm 22.926 ha lúa và 29.192 ha hoa màu bị thiệt hại do ngập, 16.303 ha cây trồng lâu năm, hàng năm và cây ăn quả tập trung, 5.747 con gia súc và 174.793 con gia cầm bị lũ cuốn trôi.
Mưa lớn đã làm mực nước một số sông ở Ninh Bình, Thanh Hóa vượt đỉnh lũ lịch sử và đã xảy ra hơn 60 sự cố trên các tuyến đê ở Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định.