Ông Trần Quang Hoài cho biết, khi bão số 16 đi vào biển Đông đã tương tác với không khí lạnh nên suy yếu. Tuy nhiên, ở ngoài biển sóng gió rất dữ dội. May mắn là cơn bão số 16 không đổ bộ vào Việt Nam, do vậy không gây ra thiệt hại đáng kể về người và tài sản.
Theo ông Hoài, dự báo bão là công việc khó. Bên cạnh việc tự dự báo, các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn trong nước còn tham khảo dự báo của các đài quốc tế. Các cơ quan dự báo quốc tế này cũng dự báo về cơn bão số 16 như chúng ta. Dựa trên công tác dự báo này, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai sẽ triển khai công tác ứng phó với bão.
Theo ông Hoài, công tác chuẩn bị, ứng phó với các cơn bão đổ bộ tốn kém rất nhiều công sức, chi phí, công việc đình trệ. Ngay cả Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng phải vào cuộc.
Để công tác dự báo được chính xác hơn, ông Hoài cho biết, hàng năm nhà nước vẫn cấp kinh phí để nâng cấp hệ thống dự báo.
Bão số 16 di chuyển nhanh nên rất khó dự báo đường đi và tâm bão. Ảnh: TTXVN |
Nhằm ứng phó với bão số 16, theo Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã kiểm đếm, thông báo, hướng dẫn cho tổng số 69.911 phương tiện/346.221 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, chính quyền các địa phương đã thông báo cho 4.096 lồng, bè nuôi trồng thủy sản/7.534 người, đã sơ tán, di dời 430.703 người đến các điểm trú tránh bão, đã chằng chống 180.658 nhà cửa.
Đặc biệt, công tác thông tin đến người dân đã được triển khai hiệu quả, kịp thời. Các nhà mạng Viettel, Vinaphone, Mobiphone đã chuyển thông tin dự báo, cảnh báo về diễn biến của bão đến 11,6 triệu thuê bao trong khu vực bị ảnh hưởng để chủ động phòng tránh.
Văn phòng ban chỉ huy các tỉnh, thành phố đã chuyển các tài liệu hướng dẫn, phim tài liệu cho Văn phòng ban chỉ huy cấp huyện, Sở Thông tin truyền thông để thông tin, tuyên truyền đến cộng đồng. Đồng thời tổ chức các biện pháp thông tin truyền thông về cảnh báo, chỉ đạo và hướng dẫn phòng tránh bão. Đã chỉ đạo các đài phát thanh, truyền hình tổ chức phát sóng, thông tin hướng dẫn đến các huyện, xã, hệ thống phát thanh truyền hình các cấp, loa phát thanh phường, xã liên tục phát tin cảnh báo.
Có cán bộ trực tiếp xuống cộng đồng để hướng dẫn, vận động người dân thực hiện di dời, chằng chống nhà cửa. Một số tỉnh thành phố chủ động tổ chức nhắn tin qua SMS người dân như TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Cà Mau và Kiên Giang.
Về phía Trung ương, Chính phủ và Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đã tổ chức 2 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 16. Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng làm trưởng đoàn làm việc tại các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau; Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai do Bộ trưởng - Trưởng ban Nguyễn Xuân Cường làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra, chỉ đạo tại các tỉnh Kiên Giang và Cà Mau.
Tổng kết lại công tác ứng phó với bão số 16, ông Vũ Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, các cấp chính quyền địa phương và người dân các tỉnh Nam Bộ đã vào cuộc quyết liệt trong công tác ứng phó bão số 16. Lần đầu tiên, các tỉnh Nam Bộ đã thực hiện khối lượng công việc rất lớn và hiệu quả trong kêu gọi tàu thuyền, sơ tán người dân, chằng chống nhà cửa và chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn tính mạng tài sản.
Tuy bão số 16 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), nhưng do ảnh hưởng của ATNĐ, ở Nam Bộ tiếp tục có mưa vừa; ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa to và có khả năng kéo dài 2-3 ngày. Từ đêm 26/12, mưa vừa, mưa to có khả năng mở rộng ra Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ.
Do vậy, ông Thành cho rằng, tuy bão đã suy yếu nhanh trên biển Cà Mau – Bạc Liêu, không có thiệt hại đáng kể, nhưng các địa phương và người dẫn không chủ quan, cần tiếp tục theo dõi diễn biễn ATNĐ, đề phòng giông lốc cục bộ có thể xảy ra. Các địa phương tùy theo tình hình, chủ động cho các hoạt động sản xuất trở lại bình thường.