Chiều 19/7, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng đã có buổi làm việc với Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới Axel van Trotsenburg về một số nội dung hợp tác song phương.
Chào mừng Tổng Giám đốc Ngân hàng Thế giới thăm Việt Nam và có buổi làm việc với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, Việt Nam luôn coi Ngân hàng Thế giới là người bạn tốt, đối tác phát triển rất quan trọng; cảm ơn Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ nguồn lực, trong đó có một số dự án tài trợ nghiên cứu khoa học của Việt Nam; đồng thời tư vấn chính sách vĩ mô cho Chính phủ Việt Nam trong quá trình triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia phát triển tầm nhìn đến năm 2045.
Chia sẻ một số thông tin cơ bản về Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, công tác tư vấn chính sách của Ngân hàng Thế giới đã đóng góp không nhỏ trong quá trình Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các mục tiêu phát triển. Đánh giá cao việc Ngân hàng Thế giới hỗ trợ Việt Nam hoàn thành xây dựng Báo cáo Việt Nam 2035, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng đề nghị Ngân hàng Thế giới có phương án hợp tác với các đơn vị nghiên cứu chiến lược của Việt Nam, trong đó có Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong hỗ trợ xây dựng Báo cáo Việt Nam 2045. Cùng với đó, tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong phát triển hạ tầng chiến lược, thúc đẩy phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu…
Bày tỏ vui mừng được làm việc với Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng và ban lãnh đạo Học viện, ông Axel đánh giá cao, bày tỏ ấn tượng với những giải pháp và kết quả của Chính phủ Việt Nam trong thực hiện cùng lúc những mục tiêu rất khó đạt được trong bối cảnh vừa qua và hiện nay, trong đó công tác quản lý vĩ mô, kết hợp hài hòa, hợp lý các công cụ khác nhau như chính sách tài khóa, tiền tệ.
Cho rằng, Việt Nam đã và đang đạt mức tăng trưởng cao. Điều này cho thấy sự phát triển chung của cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ông Axel đề nghị Việt Nam chia sẻ các kinh nghiệm phát triển cho nhiều quốc gia khác đồng thời tiếp tục đóng góp giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu.
Với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ông Axel cho rằng, hai bên có nhiều cơ hội hợp tác trong đào tạo bồi dưỡng cán bộ, chuyên gia nghiên cứu chính sách cao cấp. Bên cạnh đó, thông qua những dự án đào tạo, đội ngũ chuyên gia Việt Nam sẽ được tiếp cận thực tiễn thông qua quá trình nghiên cứu các lĩnh vực cụ thể. Ngân hàng Thế giới cũng sẵn sàng chia sẻ kiến thức, bài học kinh nghiệm trong quá trình hợp tác trên nhiều lĩnh vực như tài chính, nâng cao năng lực hệ thống y tế, ứng phó dịch bệnh, thích ứng biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, số hóa…
Về quá trình xây dựng Báo cáo Việt Nam 2045, ông Axel cho rằng, sự đóng góp, chia sẻ kiến thức, bài học kinh nghiệm từ các chuyên gia Việt Nam, trong đó có các chuyên gia Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là vô cùng quan trọng nhằm góp phần hướng đến mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.