Việt Nam ghi nhận 169.114 ca nhiễm mới SARS-CoV-2
Tính từ 16 giờ ngày 10/3 đến 16 giờ ngày 11/3, Việt Nam ghi nhận 169.114 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, Bắc Ninh là tỉnh có số ca nhiễm tăng cao nhất trong ngày. Trong số các ca nhiễm mới, có 24 ca nhập cảnh và 169.090 ca ghi nhận trong nước (tăng 8.429 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 112.937 ca trong cộng đồng).
Ngày 11/3/2022, Sở Y tế Vĩnh Phúc đăng ký bổ sung 19.326 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: Hà Giang (giảm 2.162 ca), TP Hồ Chí Minh (giảm 628 ca), Hải Phòng (giảm 236 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Bắc Ninh (tăng 4.224 ca), Hà Nội (tăng 1.742 ca), Phú Yên (tăng 839 ca).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là153.998 ca/ngày. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 5.448.935 ca nhiễm, đứng thứ 20/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 130/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 55.161 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 5.441.358 ca, trong đó có 2.980.405 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là: TP Hồ Chí Minh (563.711), Hà Nội (553.422), Bình Dương (333.504), Bắc Ninh (212.056), Nghệ An (194.263). Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 74.857 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 2.983.222 ca.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.990 ca. Từ 17 giờ 30 ngày 10/3 đến 17 giờ 30 ngày 11/3 ghi nhận 71 ca tử vong tại TP Hồ Chí Minh có 1 ca ca từ Cần Thơ chuyển đến. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 83 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 41.228 ca, chiếm tỷ lệ 0,8% so với tổng số ca nhiễm.
Đà Nẵng tháo gỡ khó khăn việc cấp Giấy chứng nhận nghỉ hưởng BHXH cho F0 điều trị tại nhà
Ngày 11/3, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng thông tin, Sở đã họp và đưa ra nhiều biện pháp để giải quyết vướng mắc, khó khăn khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội đối với người lao động mắc COVID-19 phải cách ly, điều trị tại nhà.
Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng Trương Văn Trình cho hay, đối với các trường hợp F0 được chuyển tuyến điều trị từ các cơ sở y tế thu dung, điều trị tập trung về nhà tiếp tục cách ly, điều trị, để thuận lợi cho người lao động F0 hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội, Sở Y tế thống nhất với Bảo hiểm xã hội thành phố giao Trạm Y tế lưu động cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội kèm theo bản sao Giấy chuyển tuyến do các cơ sở thu dung, điều trị tập trung cấp.
Các trường hợp F0 thuộc lực lượng công an, quân đội sẽ tiếp tục được cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội theo hướng dẫn tại Công văn số 603/SYT-NVY. Các Trạm Y tế không cấp Giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly, điều trị tại nhà và Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội đối với các trường hợp người mắc COVID-19 tự ý điều trị tại nhà, không thực hiện khai báo y tế theo quy định.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, để tháo gỡ tình trạng các F0 tập trung, ùn ứ tại các Trạm Y tế thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội, Sở đã đề nghị Trung tâm Y tế các quận, huyện, Trạm Y tế linh hoạt, tối giản thủ tục cấp Giấy chứng nhận, thông tin đầy đủ đến người dân biết và phối hợp; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin như tạo nhóm Zalo quản lý F0 theo địa bàn để người dân đăng ký nhu cầu cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội ngay từ giai đoạn cách ly, điều trị tại nhà; đặt lịch hẹn trả kết quả...
Đối với F0 đủ điều kiện hoàn thành cách ly, Trạm Y tế thực hiện cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội cùng thời điểm cấp Giấy hoàn thành cách ly để hạn chế người dân đi lại nhiều lần.
Với các trường hợp F0 chưa thực hiện khai báo thông tin, Trạm Y tế phát phiếu thu thập thông tin và hẹn người dân về thời gian cấp giấy. Trung tâm Y tế quận, huyện hỗ trợ các Trạm Y tế trong việc nhập thông tin lên Cổng giám định Bảo hiểm xã hội.
Với những nơi là điểm nóng, có số lượng lớn người lao động F0 đến làm Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội như khu vực Liên Chiểu, Hòa Vang... Trung tâm Y tế quận, huyện phải chủ động tham mưu, kiến nghị UBND quận, huyện và UBND xã, phường tăng cường nhân lực, máy tính nhập liệu, quản lý thông tin cấp Giấy hoàn thành cách ly, điều trị tại nhà, Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội và chỉ đạo lực lượng công an địa phương, dân quân tự vệ tham gia giữ an ninh trật tự, điều phối người dân tập trung tại trạm.
Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bảo hiểm xã hội thành phố, Sở Y tế xem xét giải pháp thực hiện áp dụng chữ ký số, ứng dụng công nghệ thông tin tại Trạm Y tế, tích hợp các biểu mẫu liên quan vào các phần mềm hiện hành, thực hiện cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội trên môi trường điện tử và liên thông dữ liệu với Cổng giám định Bảo hiểm xã hội, đảm bảo tính pháp lý theo quy định hiện hành.
Theo báo cáo của một số Trạm Y tế, số lượng F0 tăng cao từ tháng 2/2022, các Trạm Y tế, Trạm Y tế lưu động tại mỗi phường quản lý khoảng 3.000 - 5.000 F0, số lượng F0 phát sinh mỗi ngày từ 300 - 500 người. Tại một số khu vực nóng như Hòa Khánh Bắc, Hòa Khánh Nam, số lượng F0 phát sinh tại mỗi phường có thể lên đến 800 người/ngày. Trạm Y tế thực hiện cấp khoảng 200-300 Giấy hoàn thành điều trị cách ly tại nhà và khoảng 200 Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH/ngày trong khi nhân lực của Trạm Y tế từ 5 -7 người, của Trạm Y tế lưu động từ 3 - 4 người (chưa kể thiếu nhân lực y tế do mắc COVID-19).
Khối lượng công việc quá lớn, nhân lực y tế thiếu hụt dẫn đến Trạm Y tế bị quá tải. Một số địa phương đã điều động đoàn viên, thanh niên tham gia hỗ trợ công việc, giữ an ninh trật tự, điều phối người dân nhưng vẫn rất khó khăn trong đáp ứng được yêu cầu công việc và giải quyết tình trạng ùn ứ tại Trạm Y tế khi có số ca F0 tăng cao.
Quảng Trị nỗ lực vượt khó, bảo đảm dạy và học an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị, chỉ tính riêng từ ngày 10/2 đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 3.000 học sinh, 1.000 cán bộ giáo viên, nhân viên mắc COVID-19. Trước tình trạng trên, ngành Giáo dục đang tập trung triển khai các giải pháp nhằm nỗ lực vượt khó, đảm bảo chất lượng dạy và học.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Trị, từ sau Tết Nguyên đán, số ca mắc COVID-19 ngày càng tăng cao, đỉnh điểm, ngày 11/3 ghi nhận 3.464 ca mắc mới. Số ca mắc mới ngày càng tăng cao đã tác động rất lớn đến ngành Giáo dục, khiến nhiều trường rơi vào khó khăn khi số học sinh mắc COVID-19 tăng, đồng nghĩa với việc áp lực của giáo viên cũng lớn hơn khi vừa phải luân phiên giữa dạy học trực tiếp và dạy trực tuyến.
Trường Mầm non Sao Mai, thuộc Khu phố 1, Phường 5, thành phố Đông Hà có 16 lớp học với 356 học sinh. Từ đầu tháng 2 đến nay, số lượng giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh mắc COVID-19 khá đông nên học sinh đến lớp rất ít. Do đó, trường phải đóng cửa 4 lớp học.
Hiện tại, trường chỉ còn chưa đến 20 học sinh của tất cả các nhóm tuổi đến trường học trực tiếp. Có những lớp 2 cô giáo dạy 1 cháu; có lớp 3 cô giáo thực tập và 2 cô giáo dạy chính nhưng chỉ có 2 trẻ theo học. Trung bình, mỗi lớp hiện tại chỉ có từ 2-3 cháu theo học trên tổng số 30-35 cháu/lớp. Trước tình trạng trên, ngày 9/3, nhà trường ngưng tổ chức ăn bán trú do không thể đủ kinh phí để trả cho nhân viên hợp đồng bếp ăn; đồng thời chỉ tổ chức học 2 buổi/ngày. Vốn đã ít học sinh, nay nhà trường phải đối mặt với nguy cơ càng ngày càng ít học sinh hơn.
Để khắc phục khó khăn, bảo đảm kỹ năng, kiến thức cho những học sinh ở nhà, các giáo viên trong trường tổ chức quay video gửi lên các nhóm zalo của lớp để phối hợp với phụ huynh giáo dục trẻ, hạn chế tình trạng trẻ thiếu hụt kiến thức và kỹ năng giáo dục mầm non khi ở nhà do dịch. Cô Lê Thị Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai cho biết, dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến hoạt động dạy và học của nhà trường.
Học sinh đi học trở lại tại trường ít một phần do tâm lý e ngại dịch bệnh của phụ huynh. Bên cạnh đó, số lượng ca mắc COVID-19 trong phụ huynh, học sinh và giáo viên ngày càng nhiều, khiến hoạt động dạy học ngưng trệ. Trước thực trạng trên, nhà trường vẫn nỗ lực tổ chức hoạt động dạy trực tiếp cũng như củng cố kiến thức, đảm bảo khung chương trình giáo dục thông qua các video gửi đến các nhóm lớp và trang website của trường. Bên cạnh đó, trường chú trọng công đảm bảo vệ sinh trường lớp, phòng chống dịch COVID-19 trong trường học…
Tương tự, các trường Tiểu học, Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông trên địa bàn tỉnh có số lượng giáo viên, cán bộ, học sinh mắc COVID-19 cao nên phải áp dụng hình thức nghỉ giãn cách một số ngày để tránh lây lan. Nhiều trường thực hiện luân phiên thường xuyên giữa hình thức học trực tiếp và trực tuyến phù hợp với tình hình thực tế.
Tại trường Trung học Cơ sở Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, từ ngày 10/2 đến nay đã ghi nhận 131 học sinh và 18 cán bộ giáo viên mắc COVID-19. Để đảm bảo chất lượng dạy học, hiện nay các lớp học đang áp dụng hình thức dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến cho học sinh là F0, F1 ở nhà; đồng thời, tổ chức bổ túc, ôn tập lại kiến thức cho những học sinh có thời gian nghỉ dài phải học trực tuyến.
Theo thầy Lê Vĩnh Hiệp, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Trần Hưng Đạo, hiện tại trường có khoảng 200 học sinh học trực tuyến. Để đảm bảo chất lượng dạy học, không để gián đoạn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhà trường đã chuyển đổi linh hoạt liên tục các hình thức dạy học. Tuy nhiên, điều đó cũng gây áp lực rất lớn đối với giáo viên khi thực hiện song song cả hai hình thức dạy. Nhằm củng cố kiến thức cho học sinh phải học trực tuyến, các giáo viên tăng cường ôn luyện, kèm cặp thêm khi các em trở lại trường đảm bảo chất lượng kiến thức đào tạo.
Thầy Lê Vĩnh Hiệp đề xuất phương án bố trí 1 nhân viên y tế có đủ chuyên môn nghiệp vụ để cùng với nhà trường thực hiện phòng, chống dịch; đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có hướng dẫn cụ thể hơn đối với các trường học tổ chức dạy học trực tiếp khi số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng cao…
Ông Mai Huy Phương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện nay, địa phương nghiêm túc tổ chức tốt hoạt động dạy học trực tiếp căn cứ theo công văn hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế.
Các trường đã thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học, tuy nhiên, số lượng ca mắc COVID-19 gia tăng đã gây áp lực rất lớn trong việc dạy học. Để bảo đảm khung chương trình giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cũng đã giao quyền chủ động cho hiệu trưởng các trường lên kịch bản cụ thể trong việc tổ chức dạy học hợp lý, linh động, bảo đảm quyền lợi cũng như kiến thức cho học sinh; đồng thời, thực hiện tốt công tác phối hợp với phụ huynh học sinh để nâng cao chất lượng giáo dục hiệu quả.