Hà Nội trên 25.000 ca mắc COVID-19 mới
Trong số 131.817 ca nhiễm mới, có 37 ca nhập cảnh và 131.780 ca ghi nhận trong nước, tăng 6.212 ca so với ngày trước đó. Hà Nội vẫn đứng đầu ca nhiễm mới với trên 25.000 ca, tiếp đến là Bắc Ninh (7.161), Nghệ An (6.460), Sơn La (4.228), Phú Thọ (3.864), Hưng Yên (3.818), Bình Dương (3.608), Nam Định (3.536), Lạng Sơn (3.251), Quảng Ninh (2.998), TP Hồ Chí Minh (2.984), Đắk Lắk (2.916)...
Ngày 5/3/2022, Sở Y tế Phú Thọ đăng ký bổ sung 33.144 ca và Sở Y tế Thái Nguyên đăng ký bổ sung 8.297 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.
So với ngày trước đó, Lai Châu giảm 928 ca, Quảng Ninh giảm 921 ca, Nam Định giảm 334 ca. Ngược lại, Hà Nội tăng 3.618 ca, Bắc Ninh tăng 1.150 ca, Phú Thọ tăng 576 ca. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 109.499 ca/ngày.
Ngoài ra, từ 17 giờ 30 ngày 4/3 đến 17 giờ 30 ngày 5/3, cả nước ghi nhận 82 ca tử vong. Trong đó, Hà Nội đứng đầu cả nước với 12 ca, Quảng Ninh 8 ca, Đà Nẵng 7 ca… Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 97 ca. Như vậy, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 40.726 ca, chiếm tỷ lệ 1% so với tổng số ca nhiễm.
Trong ngày 4/3, cả nước có 964.471 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 197.277.917 liều.
Cà Mau đa dạng giải pháp hỗ trợ người dân tiếp cận kit test nhanh COVID-19
Những ngày gần đây, người dân Cà Mau khó tìm mua được kit test nhanh COVID-19 do nhu cầu tăng cao.
Bà Nhan Kim Ngân, chủ quầy thuốc Kim Ngân cho biết, không chỉ kit test nhanh COVID-19 khan hiếm, giá cao mà hiện nay việc đặt hàng cũng đang gặp khó. Theo các công ty cung cấp, các tỉnh, thành phía Bắc có số lượng ca nhiễm COVID-19 tăng cao nên ưu tiên cung ứng cho thị trường này nhiều hơn.
Bà Phạm Thị Thanh Thúy, nhà thuốc Thanh Thúy cho biết, hiện cửa hàng không còn kit test nhanh COVID-19. Theo bà Thúy, các công ty cung ứng thông báo hiện kit test nhanh COVID-19 đang rất hút hàng, giá cũng vì thế mà tăng cao. Trước tình hình đó, nhà thuốc của bà Thúy không nhập về bán, sợ gây hiểu lầm là quầy thuốc tự ý tăng giá.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế Cà Mau lý giải, đây chỉ là tình trạng cục bộ nhất thời do ca mắc tăng nhanh, nhu cầu hộ gia đình cần trang bị để test nhanh cũng tăng theo.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Dũng, lãnh đạo tỉnh và ngành chức năng địa phương đã chỉ đạo và yêu cầu các công ty, doanh nghiệp cố gắng tìm nguồn hàng để nhập về và nguồn kit test sẽ cân bằng lại trong vài ngày tới.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt đã chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với Sở Công Thương khẩn trương rà soát, quản lý tình hình cung, cầu thuốc và vật tư y tế, nhất là kit test trên thị trường. Đồng thời, liên hệ với các công ty cung cấp, Bộ Y tế, Bộ Công Thương để tìm nguồn hàng cung ứng cho công tác phòng dịch, đặc biệt là kit test nhanh COVID-19; đảm bảo đủ số lượng, chất lượng, với giá cả phù hợp, phục vụ kịp thời nhu cầu của người dân.
Ngoài ra, UBND tỉnh Cà Mau cũng đề nghị các địa phương sử dụng kinh phí quỹ Vì người nghèo, nguồn kinh phí vận động và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có đủ điều kiện thực hiện test nhanh COVID-19 định kỳ.
Nghệ An hỗ trợ bệnh nhân mắc COVID-19 tiếp cận với dịch vụ y tế sớm nhất
Trong khi đó, Sở Y tế Nghệ An rà soát các cơ sở thu dung, điều trị các tuyến để đáp ứng yêu cầu, hạn chế tối đa nguy cơ tử vong; triển khai các trạm y tế lưu động để hướng dẫn, hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà, đảm bảo các bệnh nhân được tiếp cận với dịch vụ y tế nhanh và sớm nhất
Trước đó, ngày 4/3, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Dương Đình Chỉnh đã đi kiểm tra công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 tại nhà ở huyện Nam Đàn, động viên, ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của lực lượng y tế trong công tác phòng, chống dịch, điều trị bệnh nhân tại nhà; chỉ rõ những hạn chế, khó khăn trong công tác điều trị.
Giám đốc Sở Y tế yêu cầu các đơn vị thực hiện tốt việc quản lý bệnh nhân, tiếp tục sử dụng có hiệu quả các trang mạng xã hội facebook, zalo để tương tác, nắm bắt, chia sẻ thông tin giữa bệnh nhân và cán bộ y tế; đề nghị chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ kinh phí và các điều kiện khác để phục vụ tốt cho việc điều trị bệnh nhân.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An cho biết, trong 12 giờ qua (từ 18 giờ ngày 4/3 đến 6 giờ ngày 5/3) tại Nghệ An ghi nhận 2.172 ca mắc COVID-19, trong đó có 519 ca cộng đồng và 1.653 ca đã được cách ly từ trước. Như vậy, tính từ đầu mùa dịch đến 6 giờ ngày 5/3 tại Nghệ An ghi nhận 101.566 ca mắc COVID-19. Toàn tỉnh có 121 bệnh nhân tử vong, hiện có 33.226 bệnh nhân đang điều trị. Các địa phương có số bệnh nhân COVID-19 nhiều là thành phố Vinh, các huyện Diễn Châu, Thanh Chương, Nghĩa Đàn.
Cao Bằng: Dừng hoạt động tất cả các Trạm kiểm soát y tế liên ngành phòng, chống dịch
Ngày 5/3, tất cả các Trạm kiểm soát y tế liên ngành phòng, chống dịch COVID-19 trên các tuyến giao thông cửa ngõ vào tỉnh Cao Bằng dừng hoạt động.
Cụ thể, các Trạm kiểm soát dịch COVID-19 tại Quốc lộ 34, Quốc lộ 4C (huyện Bảo Lâm), đường Tỉnh 212 (huyện Nguyên Bình), trục đường tỉnh 209 (xã Quang Trung, huyện Thạch An) và Trạm kiểm soát dịch COVID-19 tại Keng Pẻn, thôn Bản Mới, xã Đức Long, huyện Thạch An… sẽ chấm dứt hoạt động theo Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng.
Trước đó, khi hầu hết các tỉnh đã dỡ các chốt, trạm kiểm soát y tế liên ngành phòng dịch COVID-19 thì tỉnh Cao Bằng vẫn tiếp tục duy trì 7 chốt, trạm từ giữa năm 2021 đến nay. Các chốt liên ngành trên những tuyến giao thông cửa ngõ trọng yếu ra vào tỉnh đã góp phần quan trọng cho công tác kiểm soát dịch bệnh trước khi địa phương bao phủ vaccine cho người dân. Các chốt đã kịp thời phát hiện, rà soát, phân loại từng nhóm công dân ở các vùng nguy cơ lây nhiễm cao từ các tỉnh, thành phố vào Cao Bằng để có phương án tiếp nhận, cách ly theo quy định.
Liên quan đến tình hình dịch COVID-19, những ngày qua, Cao Bằng ghi nhận số ca nhiễm tăng cao. Đến ngày 4/3, toàn tỉnh có hơn 19.300 ca mắc COVID-19, trong đó có 23 ca tử vong.
Ngày 3/3, UBND tỉnh Cao Bằng đã có công văn yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp trong tình hình dịch COVID-19 tiếp tục tăng cao. Tại công văn này, UBND tỉnh Cao Bằng yêu cầu những trường hợp mắc COVID-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ (vẫn xử lý được công việc) tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao bằng hình thức trực tuyến, không để công việc bị tồn đọng.
Trường hợp người mắc COVID-19 không có khả năng xử lý công việc thì lãnh đạo, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời phân công người khác xử lý phần công việc của người mắc COVID-19, không để công việc bị tồn, chậm giải quyết. Tỉnh cũng yêu cầu không tập trung đông người để ăn uống; không tập trung đông người khi không cần thiết tại các cơ quan, đơn vị; áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Thông điệp 5K của Bộ Y tế…
Từng bước bình thường hóa với dịch COVID-19
Sáng 5/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì Phiên họp lần thứ 13 của Ban Chỉ đạo, theo hình thức trực tuyến đến điểm cầu các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trên phạm vi toàn quốc, dịch COVID-19 vẫn được kiểm soát. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều địa phương ghi nhận số ca mắc trong cộng đồng tăng cao, nhất là sau khi biến thể Omicron thâm nhập.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung đánh giá những vấn đề đặt ra khi số ca mắc tăng cao, cũng như những vấn đề mới, đột xuất cần lưu ý, quan tâm để có giải pháp phòng, chống dịch phù hợp; đề xuất bổ sung các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là vấn đề về thuốc, vaccine phòng COVID-19.
Bộ Y tế nhận định, đến nay dịch COVID-19 cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tất cả các địa phương đều đã chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, số mắc mới có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong tháng qua (với khoảng 50.000-75.000 ca/ngày, cao nhất hơn 125.000 ca/ngày).
So với tháng trước, số ca cộng đồng cả nước tăng 197,9% nhưng số ca tử vong giảm 47,1%. Số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 24,5%, số ca nặng, nguy kịch giảm 43,1%, vẫn trong khả năng đáp ứng của hệ thống y tế. Tỷ lệ chết/mắc của 30 ngày qua là 0,2%, giảm 0,8% so với tháng trước.
Đến ngày 3/3, Việt Nam đã tiếp nhận 218 triệu liều vaccine phòng COVID-19; thực hiện phân bổ 204,4 triệu liều, tiêm được hơn 196 triệu liều. Đáng chú ý, trong 30 ngày triển khai chiến dịch tiêm chủng mùa xuân (từ 29/1 - 28/2), cả nước tiêm được hơn 14 triệu liều, chủ yếu là liều bổ sung và liều nhắc lại (hơn 12 triệu liều), góp phần vào việc tăng cường tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 2 liều vaccine cơ bản và tiêm mũi 3 trên toàn quốc.
Làm rõ một số vấn đề, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, số ca mắc trong thời gian gần đây tăng lên chủ yếu do biến thể BA.2 của biến chủng Omicron (đã xuất hiện ở gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ), chiếm gần 90% tổng số các mẫu phát hiện ở trong nước. Các sinh phẩm xét nghiệm hiện nay vẫn đang có hiệu quả trong công tác phát hiện. “Vaccine hiện nay đặc biệt hiệu quả trong giảm mức độ nặng, ca tử vong và nhập viện. Vì vậy việc tiêm chủng phải được coi là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, khả năng tái nhiễm của biến chủng Omicron là có nên vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Hệ thống y tế vẫn đang trụ vững, tăng cường năng lực hồi sức và điều trị các ca nặng. Bộ Y tế đang tiến hành từng bước, hướng tới điều trị COVID-19 như điều trị bệnh nhân thông thường. Đặc biệt, trong giai đoạn này, việc thực hiện thông điệp 5K + vaccine + thuốc điều trị và ý thức người dân, rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin.
Điểm lại công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 trong nước, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, chiến dịch tiêm vaccine của chúng ta thành công, đạt tỷ lệ bao phủ rất cao so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Về công tác điều trị, chúng ta đã kết hợp hài hòa, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả giữa điều trị tại cơ sở y tế và điều trị tại nhà, kiểm soát rủi ro; đang đi đúng hướng, từng bước chứng tỏ hiệu quả rõ rệt.
Bên cạnh đó, việc sản xuất vaccine trong nước được thúc đẩy với tinh thần tích cực, hạn chế tối đa thủ tục hành chính nhưng phải bảo đảm các yêu cầu về chuyên môn, khoa học; ưu tiên tính mạng, sức khỏe người dân và đến nay tình hình đang có triển vọng cao.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, do kiểm soát tốt dịch COVID-19 nên việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đạt kết quả tích cực trên tất cả các mặt. Từ mối quan hệ chặt chẽ của hai nhiệm vụ này, khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng khi chuyển hướng chiến lược trong phòng, chống dịch; việc triển khai chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự đồng tình, ủng hộ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp; sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế.
Chuẩn bị sẵn sàng với dự báo dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo với biến chủng Omicron, khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn thời cơ và thuận lợi, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không hoang mang; nắm chắc và bám sát tình hình thực tiễn để có giải pháp phù hợp phòng, chống dịch tốt, phục hồi nhanh và phát triển bền vững; đồng thời tiếp tục thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, từng bước bình thường hóa với dịch COVID-19.
Về giải pháp triển khai, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiên trì, kiên quyết thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, kiểm soát các trường hợp nguy cơ cao, chuyển nặng, tử vong; tiếp tục thực hiện nghiêm và linh hoạt, hiệu quả công thức “5K+vaccine+thuốc điều trị+công nghệ+đề cao ý thức người dân và các biện pháp linh hoạt khác”, vận dụng linh hoạt trong điều kiện cụ thể.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, cần thần tốc hơn nữa trong tiêm vaccine trên tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, hoàn thành tiêm mũi 3 trong quý I/2022, cho người từ 18 tuổi trở lên (trừ các đối tượng chống chỉ định và chưa tới thời gian tiêm), hoàn thành việc tiêm mũi thứ 2 cho người từ 12-17 tuổi trong tháng 3/2022, chuẩn bị chiến dịch tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi, nghiên cứu tiêm mũi thứ 4 và tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi…
Bộ Y tế khẩn trương cấp phép các loại thuốc phòng, chữa bệnh, bảo đảm an toàn, hiệu quả, phù hợp tình hình, quy định và thông lệ quốc tế; chủ trì, tăng cường hướng dẫn các biện pháp điều trị tại nhà, tại cơ sở y tế, bảo đảm hiệu quả, không để quá tải hệ thống y tế, nhất là tầng 3, tập trung quản lý người có nguy cơ cao và người lao động.