TP Hồ Chí Minh vẫn có số ca nhiễm cao nhất
Tính từ 18 giờ ngày 13/8 đến 18 giờ ngày 14/8, Việt Nam ghi nhận 9.716 ca nhiễm mới, gồm 6 ca nhập cảnh và 9.710 ca ghi nhận trong nước. TP Hồ Chí Minh vẫn là nơi có số ca nhiễm cao nhất (4.231 ca), tiếp đến Bình Dương (2.029 ca) và Đồng Nai (1.023 ca).
Như vậy trong 24 giờ qua, số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 560 ca. Tại TP Hồ Chí Minh tăng 700 ca, Bình Dương giảm 787 ca, Đồng Nai tăng 215 ca.
Kể từ đầu mùa dịch đến nay, Việt Nam có 265.464 ca nhiễm, đứng thứ 80/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 172/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.700 ca nhiễm).
Riêng trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 261.463 ca, trong đó có 94.211 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 5 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình. Có 7 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Lào Cai, Kon Tum, Hà Giang, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang, Hải Phòng. Có 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là: TP Hồ Chí Minh (144.770 ca), Bình Dương (41.621 ca), Long An (13.885 ca), Đồng Nai (13.070 ca), Bắc Giang (5.794 ca).
Trong ngày 14/8, cả nước có thêm 4.247 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Đến nay, tổng số ca được điều trị khỏi là 96.985 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 579 ca; số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 18 ca.
Chiều 14/8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thông báo, trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận 349 ca tử vong tại: TP Hồ Chí Minh (285 ca), Bình Dương (32 ca), Long An (10 ca), Tiền Giang (5 ca), Đà Nẵng (3 ca), Đồng Nai (3 ca), Cần Thơ (2 ca), Hà Nội (1 ca), Bến Tre (1 ca), Bình Thuận (1 ca), Hậu Giang (1 ca), Khánh Hòa (1 ca), Kiên Giang (1 ca), Sóc Trăng (1 ca), Trà Vinh (1 ca), Vĩnh Long (1 ca).
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tính đến ngày 14/8 là 5.437 ca, xếp thứ 69/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính tỷ lệ tử vong/1 triệu dân, Việt Nam xếp vị trí 161/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân 1 triệu dân có 55 người tử vong do COVID-19).
Thí điểm điều trị có kiểm soát tại nhà các trường hợp F0 ở TP Hồ Chí Minh
Trước tình hình F0 vẫn chưa giảm, từ ngày 16/8 TP Hồ Chí Minh sẽ thí điểm điều trị có kiểm soát các F0 tại nhà và cộng đồng, được cung cấp thuốc và chăm sóc dinh dưỡng, thể chất, tinh thần. Đây là một trong số những giải pháp nhằm giúp người bệnh được tiếp cận y tế một cách nhanh chóng, chủ động, từ đó góp phần giảm tải trong điều trị, giảm tử vong.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: “Việc điều trị các trường hợp F0 tại nhà, cộng đồng kèm theo chăm sóc dinh dưỡng, thể chất, tinh thần để làm giảm nguy cơ xuất hiện triệu chứng, giảm chuyển nặng, tử vong và giảm khả năng lây lan là một trong những ưu tiên hàng đầu, đóng vai trò quyết định trong chiến lược mới phòng, chống dịch COVID-19”.
Trên cơ sở trao đổi và thống nhất với Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế và Tập đoàn Vingroup sẽ triển khai thí điểm chương trình điều trị tại nhà (home-based care) có kiểm soát cho các trường hợp F0 với mô hình 3 tại chỗ gồm: xét nghiệm tại chỗ, điều trị tại chỗ và an sinh tại chỗ.
Cụ thể, 3 hoạt động chính là: Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, cộng đồng; cung cấp hộp thuốc home-based care cùng một số sản phẩm nâng cao sức khỏe, đồng thời hỗ trợ tư vấn và quản lý sức khỏe trong phòng, chống dịch COVID-19; cung cấp gói thực phẩm bảo đảm an sinh xã hội cho người nhiễm và các thành viên trong gia đình ở tại nhà, không ra ngoài, tránh tiếp xúc, góp phần làm giảm nguy cơ lây lan.
Cùng với đó là tài liệu hướng dẫn chi tiết của Bộ Y tế đối với các F0 để họ tự chăm sóc, theo dõi sức khỏe và liên lạc với các cơ sở y tế trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng trở nặng để được giúp đỡ. Việc cung cấp và sử dụng thuốc trong chương trình được tư vấn, hướng dẫn, theo dõi, kiểm soát chặt chẽ, ghi nhận và đánh giá bởi các chuyên gia, cán bộ y tế.
Thuốc triển vọng được sử dụng trong chương trình điều trị tại nhà là Molnupiravir. Đây là một trong những thuốc kháng virus, giúp giảm nhanh nồng độ virus trong cơ thể người nhiễm. Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc kháng virus Molnupiravir tại Mỹ, Ấn Độ đã cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp, đặc biệt giảm rõ rệt tải lượng virus ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau 5 ngày điều trị, góp phần giảm lây nhiễm trong cộng đồng, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tử vong.
Hà Nội tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp kiểm soát dịch
Trong khi đó, Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg từ ngày 24/7. Tuy nhiên, mỗi ngày vẫn ghi nhận trung bình từ 60-80 ca mắc mới, có ngày trên 100 ca. Trong đó, có nhiều chùm ca bệnh phức tạp với số lượng ca mắc lớn, nhiều ca bệnh trong cộng đồng và chưa xác định được nguồn lây. Dịch bệnh đã xuất hiện trong các bệnh viện, nhà máy sản xuất, cơ quan, doanh nghiệp, chuỗi cung ứng, chợ đầu mối... và tiếp tục có nguy cơ bùng phát.
Chuyên gia Trần Đắc Phu khuyến cáo, từ nay đến hết thời gian thực hiện giãn cách xã hội (6 giờ ngày 23/8), Hà Nội phải “quyết liệt hơn nữa”. “Chỉ có giãn cách xã hội nghiêm ngặt mới cắt đứt được chuỗi lây nhiễm virus SARS-CoV-2 giữa người nhiễm đang lẩn khuất trong cộng đồng với người lành”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu nêu rõ.
Song song với xét nghiệm, truy vết các ca mắc, Hà Nội cần tiếp tục bảo vệ “vùng xanh” an toàn. Bảo vệ vùng an toàn không có nghĩa là “ngăn sông cấm chợ” mà phải bảo vệ từ nếp sống an toàn trong từng xóm ngõ, nhà máy... từ đó, từng phường/xã, quận/huyện an toàn và toàn thành phố sẽ an toàn.
Đà Nẵng, Nha Trang tạm dừng tất cả các hoạt động trong 7 ngày
Tại Đà Nẵng, trước tình hình diễn biến dịch đang ngày càng phức tạp trên địa bàn, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng thống nhất chủ trương từ 8 giờ ngày 16/8/2021 đến 8 giờ ngày 23/8/2021 dừng tất cả các hoạt động trên địa bàn để tập trung ngăn chặn dịch COVID-19.
Theo đó, toàn thành phố thực hiện nghiêm nguyên tắc “ai ở đâu ở đó”, người dân không được ra khỏi nhà, thực hiện cách ly tuyệt đối nhà với nhà. Cơ quan, công sở, đơn vị giảm tối đa số lượng người làm việc tại trụ sở, chỉ cử người ở lại làm những công việc thật sự cần thiết (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch).
Các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp và khu công nghệ cao được phép hoạt động và chỉ được duy trì tối đa 30% số lượng người lao động tại đơn vị. Tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải đảm bảo tổ chức “3 tại chỗ” (làm việc tại chỗ - ăn uống tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ).
Trong thời gian 7 ngày áp dụng biện pháp nêu trên, Sở Y tế cũng phải nhanh chóng lấy mẫu, xét nghiệm SARS-CoV-2 một cách nhanh chóng, an toàn, hiệu quả trên diện rộng, có độ bao phủ toàn thành phố để tìm và nhanh chóng đưa các bệnh nhân mắc COVID-19 ra khỏi cộng đồng; khẩn trương khoanh vùng, đánh giá chính xác về mức độ nguy cơ dịch bệnh theo từng khu vực quận, huyện, phường, xã, thôn, tổ dân phố để lãnh đạo thành phố quyết định các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.
Tương tự, Khánh Hòa cũng thực hiện cách ly toàn xã hội đối với thành phố Nha Trang kể từ 0 giờ ngày 14/8 cho đến 0 giờ ngày 20/8.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, tính đến 7 giờ ngày 14/8, trên địa bàn thành phố Nha Trang đã phát hiện 2.197 ca dương tính với SARS-CoV-2. Qua công tác tầm soát, lực lượng chức năng đã liên tiếp phát hiện nhiều ca nhiễm mới trong những ngày gần đây, tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp.
Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu tất cả người dân thành phố Nha Trang ở trong nhà, thực hiện nghiêm việc người cách ly với người, chỉ ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết. Đối với các cơ quan, đơn vị nhà nước, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội bố trí, sắp xếp cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại nhà, trong trường hợp cần thiết phải làm việc tại đơn vị thì bố trí xe đơn vị đưa đón.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp để có đủ vaccine cho mục tiêu miễn dịch cộng đồng
Ngay từ khi dịch bùng phát dịch làn sóng thứ 4, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 đã sớm dự báo, chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống dịch, trong đó có triển khai chiến lược vaccine với 3 nội dung lớn: Tiếp cận và mua vaccine nhiều nhất, nhanh nhất có thể; nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine trong nước; thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine miễn phí cho người dân trên diện rộng, để có thể đạt được miễn dịch cộng đồng, từ đó ngăn chặn việc lây lan nhanh chóng của SARS-CoV-2.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện 6 loại vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19 gồm: vaccine Astra Zeneca, vaccine Sputnik, vaccine Pfizer, vaccine Vero Cell, vaccine Spikevax (tên khác là COVID-19 vaccine Moderna) và vaccine Janssen.
Đến nay, các nước, các tổ chức quốc tế và các đối tác đã cam kết cung ứng cho Việt Nam 150 triệu liều vaccine thông qua đàm phán mua và viện trợ. Theo thống kê của Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế, cơ chế COVAX tài trợ cho Việt Nam ,9 triệu liều; Nhật Bản viện trợ 2 triệu liều; Trung Quốc đã viện trợ 500.000 liều và sẽ xem xét viện trợ thêm trong thời gian tới; Nga đã tặng 1.000 liều vaccine Spunik và đồng ý cung cấp cho Việt Nam tối đa 20 triệu liều trong năm 2021.
Việt Nam cũng đã ký hợp đồng mua 31 triệu liều Pfizer; Công ty cổ phần vaccine Việt Nam (VNVC) đã ký hợp đồng đặt mua 30 triệu liều vaccine Astra Zeneca; 5 triệu liều được Moderna ủy quyền cho Công ty Zuellig Pharma ký kết với các đơn vị tại Việt Nam… Ngoài ra, Cuba, Anh, Đức, Australia, Ấn Độ và một số nước khác cũng có những cam kết cụ thể với Việt Nam.
Theo thống kê của Bộ Y tế, từ tháng 2 đến ngày 6/8, Việt Nam đã tiếp nhận và phân bổ hơn 19,3 triệu liều vaccine COVID-19. Trong đó, có gần 12 triệu liều vaccine của AstraZeneca được cung ứng từ ba nguồn, gồm: Hợp đồng đặt mua của VNVC, viện trợ giữa Chính phủ các nước và Cơ chế Covax. Số vaccine này chiếm 64% tổng nguồn cung vaccine trên cả nước.
Bên cạnh việc đẩy mạnh vận động viện trợ, đàm phán mua vaccine từ bên ngoài, Việt Nam cũng tập trung tìm kiếm các cơ hội hợp tác, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine nhằm đảm bảo nguồn cung lâu dài trong nước, tiến tới khả năng có thể tự chủ vaccine phòng COVID-19.
Đối với vaccine nội địa, hiện có hai ứng viên đang thử nghiệm lâm sàng gồm: Vaccine Nanocovax của Công ty Cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen và vaccine Covivac của Viện Vaccine và sinh phẩm y tế Nha Trang.
Trong đó, vaccine Nano Covax hiện là vaccine tiềm năng nhất tại Việt Nam. Nano Covax được sản xuất theo công nghệ protein tái tổ hợp. Đây là công nghệ được sử dụng trong sản xuất nhiều loại vaccine cúm khác trên thế giới. Hiện Nano Covax đang triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 trên 13.000 tình nguyện viên theo 2 pha 3a va 3b.