Ngày 15/12, Việt Nam thêm 15.527 ca mắc mới COVID-19, trong đó có gần 10.000 ca cộng đồng
Tính từ 16 giờ ngày 14/12 đến 16 giờ ngày 15/12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 15.527 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2. Trong đó, các tỉnh TP Hồ Chí Minh, Cà Mau, Bến Tre, Hà Nội đều có thêm trên 1.000 ca bệnh.
Thông tin các ca nhiễm mới trong đó có 5 ca nhập cảnh và 15.522 ca ghi nhận trong nước (tăng 319 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 9.940 ca trong cộng đồng).
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP Hồ Chí Minh (1.270 ca), Cà Mau (1.072 ca), Bến Tre (1.035 ca), Hà Nội (1.024 ca), Tây Ninh (922 ca), Đồng Tháp (732 ca), Cần Thơ (720 ca), Vĩnh Long (594 ca), Khánh Hòa (593 ca), Sóc Trăng (579 ca), Bạc Liêu (505 ca), Đồng Nai (464 ca), Tiền Giang (411 ca), Bình Dương (371 ca), Trà Vinh (360 ca), Kiên Giang (353 ca), Hậu Giang (341 ca), Thừa Thiên Huế (329 ca), Bình Phước (316 ca), Bắc Ninh (300 ca), An Giang (294 ca), Bình Thuận (266 ca), Lâm Đồng (257 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (2 ca), Đà Nẵng (236 ca), Bình Định (190 ca), Gia Lai (164 ca), Phú Yên (135 ca), Thanh Hóa (129 ca), Hải Phòng (116 ca), Quảng Nam (115 ca), Nghệ An (113 ca), Hưng Yên (96 ca), Long An (82 ca), Thái Bình (62 ca), Quảng Ngãi (60 ca), Hà Giang (53 ca), Hòa Bình (52 ca), Ninh Thuận (51 ca), Đắk Lắk (51 ca), Lạng Sơn (50 ca), Quảng Ninh (49 ca), Đắk Nông (49 ca), Phú Thọ (41 ca), Hải Dương (41 ca), Nam Định (36 ca), Vĩnh Phúc (33 ca), Thái Nguyên (33 ca), Quảng Bình (26 ca), Kon Tum (23 ca), Sơn La (23), Bắc Giang (16 ca), Tuyên Quang (12 ca), Hà Nam (11 ca), Hà Tĩnh (9 ca), Lào Cai (7 ca), Điện Biên (4 ca), Quảng Trị (3 ca), Yên Bái (3 ca), Bắc Kạn (1 ca), Lai Châu (1 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Bình Phước (giảm 591 ca), Bình Định (giảm 278 ca), Hải Phòng (giảm 266 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Bến Tre (tăng 462 ca), TP Hồ Chí Minh (tăng 279 ca), Hà Nội (tăng 187 ca).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 15.274 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.459.175 ca nhiễm, đứng thứ 32/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 148/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 14.798 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.453.729 ca, trong đó có 1.060.611 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua là Bắc Kạn, Lai Châu.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP Hồ Chí Minh (490.435 ca), Bình Dương (288.279 ca), Đồng Nai (93.375 ca), Tây Ninh (41.4 ca), Long An (39.474 ca).
Hà Nội lập mốc kỷ lục 1.357 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 15/12
Ngày 15/12, Hà Nội ghi nhận 1.357 ca dương tính mới với virus SARS-CoV-2 tại 30 quận, huyện; trong đó số ca cộng đồng là 611 ca, trong khu cách ly là 609 ca và khu phong tỏa 137 ca.
Số ca mắc mới ghi nhận tại 294 xã, phường, thị trấn thuộc 30 quận, huyện: Đống Đa (256 ca); Hoàng Mai (200 ca); Hai Bà Trưng (145 ca); Chương Mỹ, Gia Lâm (67 ca); Nam Từ Liêm, Đông Anh (58 ca); Bắc Từ Liêm (56 ca); Thanh Trì (50 ca); Hoàn Kiếm (49 ca); Cầu Giấy (44 ca); Thường Tín, Tây Hồ (40 ca); Thanh Xuân (29 ca); Sóc Sơn (28 ca); Hà Đông (23 ca); Thanh Oai (21 ca); Ba Vì (20 ca); Hoài Đức (18 ca); Mê Linh, Phú Xuyên (14 ca); Quốc Oai (13v); Ba Đình (12 ca); Thạch Thất (8 ca); Long Biên (7 ca); Sơn Tây (6 ca); Ứng Hòa (5 ca); Mỹ Đức (4 ca); Đan Phượng (3 ca); Phúc Thọ (2 ca).
Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021): 21.467 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 8.223 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 13.244 ca.
Trong những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội liên tục ở mứ cao. Trong đó, ngày 14/12, Hà Nội có 900 ca mắc mới. Đến 15/12, con số ca mắc mới đã là 1.357 - số mắc trong ngày cao nhất tính từ đầu đợt dịch đến nay.
Thành phố Hà Nội triển khai 32 bệnh viện, cơ sở thu dung và 27 cơ sở thu dung theo mô hình trạm y tế lưu động với năng lực điều trị cho 100.000 ca bệnh trước diễn biến số ca mắc mới COVID-19 tăng nhanh liên tục.
Ðể giảm bớt áp lực cho các bệnh viện, cơ sở thu dung và tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh nhân thể nhẹ, không triệu chứng, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội cũng đã triển khai việc điều trị F0 tại nhà.
Trước tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố đang ngày càng phức tạp, tại Hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội diễn ra ngày 15/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, thắng bại trong cuộc chiến chống dịch hiện nay nằm ở y tế cơ sở.
Cấp ủy, chính quyền các địa phương phải quán xuyến toàn diện, bố trí đủ trạm y tế lưu động khi ca F0 tăng mạnh, không để người dân gọi mà không thấy bác sĩ, cần điều trị mà không có thuốc.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, số bệnh nhân COVID-19 mới phát sinh bình quân một tuần gần đây đã tăng lên hơn 750 ca/ngày so với khoảng 460 ca/ngày trong một tuần trước đó và con số này được dự báo tiếp tục tăng.
Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kết luận, Thành ủy, UBND thành phố đã chỉ đạo tập trung tối đa cho tuyến cơ sở để phòng, chống dịch, đặt y tế cơ sở là trọng tâm để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 128-NQ/CP của Chính phủ. Đây là hướng đi đúng và trúng, cần được các cấp, ngành, trực tiếp là các quận, huyện, thị xã quán triệt sâu sắc, tập trung hành động.
Ban Cán sự đảng UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo phân cấp, giao quyền rõ ràng cho các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm về phòng, chống dịch. Cụ thể, các địa phương phải xác định cấp độ dịch và triển khai biện pháp áp dụng tương ứng trên địa bàn. Các cơ quan thành phố theo chức năng, nhiệm vụ phân công cán bộ, bám sát từng địa phương để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
Từng quận, huyện, thị xã phải chỉ đạo đánh giá, xác định nhu cầu bố trí các trạm y tế lưu động theo số dân và từng cấp độ dịch. Ví dụ, phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) với số dân lên tới 9 vạn người mà chỉ có 1 trạm y tế thì phải tính toán, sẵn sàng bố trí thêm nhiều trạm y tế lưu động khi cần thiết.
Ngành y tế có hướng dẫn về chuyên môn, nhất là trang thiết bị và con người cho các trạm y tế. Từng phường, xã, thị trấn phải có phương án cụ thể để chuẩn bị cơ sở vật chất và nhân lực tương ứng với số lượng trạm y tế lưu động, sẵn sàng triển khai khi số ca F0 tăng mạnh. Nơi nào cần phải tổ chức thiết lập vận hành ngay, những nơi chưa cần ngay phải tập huấn, diễn tập để khi có động lệnh là triển khai, bố trí nhanh nhất.
"Chúng ta phải quyết định tổ chức thực hiện theo hướng lấy y tế cơ sở làm nòng cốt để chiến thắng dịch bệnh. Quá trình thực hiện vừa làm, vừa đánh giá, rút kinh nghiệm để tổ chức diện rộng toàn thành phố", đồng chí Đinh Tiến Dũng nêu rõ.
TP Hồ Chí Minh: Số ca mắc mới có xu hướng giảm nhưng số ca chuyển nặng lại tăng
Ngày 15/12, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, trong 7 ngày qua, số ca mắc mới tại thành phố có xu hướng giảm, tuy nhiên điều đáng lo nhất đó là số ca thở máy lại có xu hướng tăng.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hiện Thành phố đang quản lý 76.428 trường hợp F0 điều trị tại 3 tầng; trong đó có 61.369 trường hợp đang điều trị tại nhà, 3.132 trường hợp đang điều trị tại cơ sở cách ly, 10.334 trường hợp đang điều trị tại bệnh viện tầng 2 và bệnh viện tầng 3 có 1.647 người.
Ông Tăng Chí Thượng cho biết, cách đây 1 tuần, TP Hồ Chí Minh điều trị cho trên 85.000 trường hợp mắc ở cả 3 tầng nhưng hiện nay con số này đã giảm xuống còn hơn 76.000 trường hợp. Tuy nhiên, điều đáng lo nhất hiện nay đó là số ca thở máy lại tăng. Hiện Thành phố đang có 511 trường hợp nặng phải thở máy; số ca tử vong tại TP Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày dao động từ 60 -70 ca.
“Qua phân tích số ca thở máy và số ca tử vong có nhiều đặc điểm giống nhau, như có độ tuổi trên 50, người có bệnh nền và chưa tiêm vaccine phòng COVID-19”, ông Tăng Chí Thượng nói.
Gia Lai: Phong tỏa nhiều chợ, trung tâm thương mại
Ngày 15/12, thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Gia Lai, trên địa bàn thành phố Pleiku tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca mắc COVID-19 liên quan đến các khu chợ, trung tâm thương mại.
Cụ thể, từ ngày 14/12 đến 10 giờ ngày 15/12, qua lấy mẫu xét nghiệm cho 4.652 người, tỉnh Gia Lai tiếp tục ghi nhận 110 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số người mắc COVID-19 lên 5.529 người (từ ngày 26/4 - 15/12). Trong số 110 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trên, ngành y tế tiếp tục ghi nhận thêm 29 trường hợp liên quan đến chùm ca bệnh tại Trung tâm thương mại Pleiku. Đặc biệt, qua test nhanh, tỉnh Gia Lai ghi nhận thêm 4 trường hợp tại chợ Nhỏ (đường Phùng Hưng) và 3 trường hợp tại chợ Phù Đồng (phường Phù Đổng) dương tính với SARS-CoV-2.
Trước tình hình dịch diễn biến khó lường, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Gia Lai tiếp tục triển khai các nhiệm vụ cấp bách trong phòng, chống dịch. Bên cạnh thực hiện phong tỏa, tạm dừng hoạt động các chợ Phù Đổng, chợ Nhỏ, Trung tâm thương mại Pleiku, ngành chức năng tiến hành truy vết, lấy mẫu xét nghiệm tại các khu vực chợ có F0.
Đối với các địa phương có các chùm ca bệnh phức tạp như thành phố Pleiku, các huyện Chư Sê, Đak Đoa, Phú Thiện, Chư Pưh, Đak Pơ, ngành chức năng thường xuyên đánh giá diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn; sử dụng bản đồ, sơ đồ để đánh giá các mối liên quan; khoanh vùng, phong tỏa theo nguyên tắc "vết dầu loang", không khoanh vùng theo đơn vị hành chính. Tỉnh thực hiện phong tỏa nhanh nhất, hẹp nhất, nghiêm ngặt nhất có thể và triển khai khẩn cấp các biện pháp trong vòng 72 giờ để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh và thiết lập lại "vùng xanh-an toàn".
Bà Rịa-Vũng Tàu phấn đấu 100% người dân trong độ tuổi được tiêm vaccine phòng COVID-19
Theo Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tỉnh đang phấn đấu 100% người dân trong độ tuổi quy định được tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ. Việc tiêm vaccine, nhất là cho trẻ em phải bảo đảm tuyệt đối an toàn; phấn đấu hoàn thành tiêm mũi 2 cho trẻ trước ngày 25/12.
Đến nay, Bộ Y tế đã phân bổ cho tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hơn 2 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Tỉnh đã phân về cho các địa phương hơn 1,98 triệu liều. Toàn tỉnh đã có 948.296 người trong tổng số 956.596 người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, đạt 99,13%. Trong đó, có 876.823 người đã tiêm đủ 2 mũi, đạt 91,66%. Toàn tỉnh còn có 111.481 trong số 118.914 trẻ từ 12 đến 17 tuổi đã được tiêm vaccine, trong đó có 43.496 trẻ đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Để hoàn thành mục tiêu, tiêm vaccine cho 100% người dân trong độ tuổi quy định, Ban Chỉ đạo Phòng, chống COVID-19 tỉnh nhiều lần yêu cầu Sở Y tế và các địa phương tiếp tục mời gọi những người trong độ tuổi quy định chưa tiêm vaccine, hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi đi tiêm chủng, phấn đấu 100% người dân trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ. Không chỉ đẩy nhanh bao phủ vaccine cho những đối tượng trên, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã lên kế hoạch tiêm vaccine liều bổ sung, nhắc lại (mũi 3) cho một số người dân.
Cà Mau: Ứng phó với COVID-19 theo hướng tiếp cận toàn dân từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở
Nhằm chủ động quản lý, kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch COVID-19, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan chủ động xây dựng phương án để sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch COVID-19 với quan điểm tiếp cận toàn dân từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở; nâng cao năng lực hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế theo phương châm 4 tại chỗ và có phương án huy động, điều động bổ sung nhân lực y tế.
Ngành y tế Cà Mau phát huy vai trò của Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, Trạm Y tế lưu động, không để xảy ra tình trạng người bệnh không liên hệ được với cơ sở y tế, không được tư vấn, cấp phát thuốc điều trị.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân, điều trị toàn diện, phân tầng điều trị, giảm tối đa các trường hợp tử vong do COVID-19 là vấn đề ưu tiên hàng đầu. UBND tỉnh yêu cầu ngành y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện phân luồng, khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt và tổ chức thật tốt việc điều phối, phân tầng điều trị COVID-19. Đồng thời, ngành đảm bảo đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu và các điều kiện cần thiết khác; triển khai sử dụng thuốc điều trị COVID-19 ngay sau khi được Bộ Y tế phân bổ, đảm bảo đủ thuốc điều trị cho tất cả người mắc COVID-19.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo chấn chỉnh ngay đối với những Trung tâm Y tế huyện, thành phố chậm trễ, không kịp thời cấp, phát thuốc điều trị F0 và các vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch cho các xã, phường, thị trấn. Việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR phải trả kết quả đảm bảo kịp thời, hiệu quả, không để xảy ra chậm trễ, chấn chỉnh lại quy trình xử lý rác thải y tế tại các bệnh viện, cơ sở điều trị F0.
Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Cà Mau cho biết, tính từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh có tổng số 18.237 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó, có 9.027 trường hợp ghi nhận trong cộng đồng. Riêng ngày 14/12, trong số 1.011 trường hợp mắc COVID-19 đã có đến 859 ca phát hiện trong cộng đồng. Đây là con số kỷ lục về số ca mắc COVID-19 trong ngày từ trước tới nay.
Vấn đề quan ngại ở Cà Mau hiện nay, đó là số ca bệnh mới trong cộng đồng ngày càng tăng cao và chưa có dấu hiệu dừng lại. Các địa phương như: thành phố Cà Mau, các huyện Đầm Dơi, Cái Nước, Trần Văn Thời, Thới Bình...ghi nhận số ca mắc COVID-19 tại cộng đồng ở mức cao trong ngày 14/12.