Ngày 16/2, Việt Nam có 34.737 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, tiếp tục xu hướng tăng
Tính từ 16 giờ ngày 15/2 đến 16 giờ ngày 16/2, Việt Nam ghi nhận 34.737 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, tăng 2.936 ca so với ngày trước đó.
Trong số các ca nhiễm mới, có 14 ca nhập cảnh và 34.723 ca ghi nhận trong nước (tăng 2.936 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 25.026 ca trong cộng đồng).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: Lạng Sơn (giảm 232 ca), Hải Dương (giảm 209 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (giảm 196 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Thái Nguyên (tăng 1.203 ca), Quảng Ninh (tăng 290 ca), Hồ Chí Minh (tăng 279 ca).
Bộ Y tế vừa đính chính số ca nhiễm mới của Hậu Giang đã thông báo ngày 15/2/2022. Cụ thể, do nhầm lẫn trong quá trình nhập số liệu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hậu Giang đã đăng ký nhầm 13 ca nhiễm mới trong ngày tại tỉnh là ca nhập cảnh. Do đó số liệu ca nhiễm mới của ngày 15/2/2022 điều chỉnh lại như sau:
Hậu Giang có 13 ca nhiễm mới trong nước. Như vậy, ngày 15/2, Việt Nam ghi nhận 31.814 ca nhiễm mới trong đó có 14 ca nhập cảnh và 31.800 ca trong nước tại 63 tỉnh, thành phố (có 22.883 ca trong cộng đồng).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 28.869 ca/ngày.
Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 198 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron tại: TP Hồ Chí Minh (97), Quảng Nam (27), Quảng Ninh (20), Hà Nội (14), Khánh Hòa (11), Đà Nẵng (8 ), Hưng Yên (6), Kiên Giang (4), Thanh Hóa (2), Hải Dương (2), Hải Phòng (1), Long An (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bình Dương (2), Lâm Đồng (1), Ninh Bình (1).
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.606.824 ca nhiễm, đứng thứ 34/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 145/225quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 26.396 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.599.624 ca, trong đó có 2.246.3 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là: TP Hồ Chí Minh (517.097), Bình Dương (293.277), Hà Nội (179.931), Đồng Nai (100.228), Tây Ninh (88.867).
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 6.882 ca.
Tổng số ca được điều trị khỏi là 2.249.155 ca.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.826 ca.
Từ 17 giờ 30 phút ngày 15/2 đến 17 giờ 30 phút ngày 16/2 ghi nhận 66 ca tử vong.
F0 điều trị tại nhà sẽ được dỡ bỏ cách ly khi đã cách ly, điều trị đủ 7 ngày
Theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 của Bộ Y tế (Ban hành kèm theo Quyết định số 250/QĐ-BYT ngày 28/1/2022), các F0 điều trị tại nhà sẽ được dỡ bỏ cách ly khi đã cách ly, điều trị đủ 7 ngày, thay vì 10 ngày như trước và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính với virus SARS-CoV-2.
Tại Hướng dẫn này, Bộ Y tế đã bổ sung tiêu chuẩn dỡ bỏ cách ly với người nhiễm COVID-19 điều trị tại nhà.
Theo đó, người bệnh COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà theo quy định sẽ được dỡ bỏ cách ly, điều trị tại nhà khi cách ly, điều trị đủ 7 ngày và có kết quả test nhanh âm tính do nhân viên y tế hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.
Trong trường hợp sau 7 ngày kết quả xét nghiệm còn dương tính thì tiếp tục cách ly đủ 10 ngày đối với người đã tiêm đủ liều vaccine và 14 ngày đối với người chưa tiêm đủ liều vaccine.
Trạm Y tế nơi quản lý người bệnh chịu trách nhiệm xác nhận khỏi bệnh cho người bệnh.
Hà Nội có 3.888 ca nhiễm mới SARS-CoV-2 trong ngày 16/2
Theo Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 15/2 đến 18 giờ ngày 16/2, Hà Nội ghi nhận 3.888 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; trong đó có 808 ca cộng đồng; 3.080 ca đã cách ly.
Các ca nhiễm mới phân bố tại 463 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.
Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh (294), Hoàng Mai (256), Nam Từ Liêm (223), Hoài Đức (186), Chương Mỹ (180).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021 đến nay) là 183.105 ca.
Tỷ lệ mắc COVID-19 ở người dưới 18 tuổi của Việt Nam là 19,2%
Tại Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc về hướng dẫn, chăm sóc và điều trị cho trẻ em mắc COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: "Tính từ đầu mùa dịch COVID-19 đến nay, tỷ lệ mắc COVID-19 của trẻ dưới 18 tuổi của nước ta là 19,2%; trong đó có 4,8% trẻ từ 13-17 tuổi, có 8% trẻ 6- 12 tuổi, có 2,8% trẻ từ 3- 5 tuổi và 3,6% trẻ từ 0- 2 tuổi. Trong số các trẻ mắc COVID-19, đến nay cả nước đã ghi nhận 165 trường hợp trẻ tử vong (chiếm 0,42% so với tỷ lệ tử vong chung)".
Theo đó, con số trên cho thấy, tuy tỷ lệ tử vong ở trẻ em mắc COVID-19 thấp nhưng đã có ghi nhận. Qua theo dõi cũng cho thấy, trẻ mắc COVID-19 cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có các trường hợp gặp tình trạng hậu COVID-19, di chứng của COVID-19.
Đặc biệt, với biến chủng Omicron, nhóm trẻ em chưa được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 có nguy cơ lây nhiễm cao hơn các trẻ được tiêm.
Theo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), qua phân tích 2.478 ca là trẻ em mắc COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, có 165 trường hợp trẻ ở mức độ nặng, nguy kịch; trong số này có 13,9% trẻ thừa cân, béo phì, 8,5% có bệnh đi kèm… Vì vậy nhóm trẻ thừa cân, béo phì, nhóm đang điều trị bệnh nền mạn tính, nhóm trẻ bị suy giảm miễn dịch… cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Các địa phương đảo đảm công tác điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19
Trước tình trạng số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 tăng đột biến sau dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, ngành Y tế tỉnh Quảng Trị đang tập trung mọi nhân lực và vật lực để đảm bảo công tác chưa bệnh với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Quảng Trị, chỉ tính riêng từ ngày 1/2-16/2, toàn tỉnh ghi nhận gần 3.900 ca mắc COVID-19. Đặc biệt từ ngày 7/2 trở đi, số lượng bệnh nhân ghi nhận mắc COVID-19 đã tăng gấp 3-4 lần so với trước đó, dao động trung bình mỗi ngày từ 350-450 ca. Điều đó đã gây sức ép rất lớn đến hệ thống y tế trên địa bàn toàn tỉnh.
Để giảm tải cho hệ thống y tế, thực hiện kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trong tình hình mới, tỉnh Quảng Trị đã triển khai các phương án, kịch bản phòng, chống dịch khoa học, linh hoạt và hiệu quả. Sở Y tế đã có công văn hướng dẫn cụ thể đến các địa phương và đơn vị trong việc thực hiện điều trị F0 bị nhẹ, không có triệu chứng đủ điều kiện cách ly tại nhà; đồng thời, triển khai các hoạt động tư vấn, chăm sóc sức khỏe đối với người mắc COVID-19 điều trị tại nhà theo hình thức trực tuyến.
Đặc biệt, từ ngày 14/2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã thành lập đơn vị tư vấn chăm sóc, điều trị COVID-19 trực tuyến để hỗ trợ công tác điều trị cho bệnh nhân. Thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin hiện có như zalo, zoom, messenger, điện thoại đường dây nóng (0846647474) được công khai trên các phương tiện truyền thông, người dân sẽ được hướng dẫn và tư vấn về công tác chăm sóc và điều trị COVID-19 cho người dân một cách đầy đủ và chi tiết.
Cũng trong ngày 16/2, thông tin từ Trung tâm Chỉ huy điều hành phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh chưa ghi nhận ca bệnh nhiễm biến thể Omicron. Tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát, số ca tử vong và chuyển nặng được khống chế ở mức thấp.
Hiện nay, điều đáng lo ngại nhất là việc người lao động từ các địa phương khác di chuyển đến địa bàn tỉnh Đồng Nai làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và việc học sinh đi học trực tiếp trở lại dễ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao. Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ đề nghị người dân tiếp tục cảnh giác, tự giác thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là 5K để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và những người xung quanh.
Đáng chú ý, trong ngày 15/2, toàn tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận 518 ca mắc COVID-19 mới và 2 ca tử vong do COVID-19. Hiện, toàn tỉnh có 178 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, hơn 2.900 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại nhà. Số ca mắc COVID-19 tăng cao những ngày gần đây do sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, mọi hoạt động trở lại bình thường. Việc đi lại, tiếp xúc của người dân, người lao động trong dịp Tết dẫn đến nguy cơ lây nhiễm tăng cao.
Theo Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, trong tuần vừa qua, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.200 ca mắc COVID-19 mới, tăng vọt so với tuần trước đó. Tuy nhiên, số ca tử vong lại giảm 20%. Nguyên nhân số ca mắc mới tăng vọt do dịp Tết Nguyên đán có sự di biến động dân cư lớn khi người dân di chuyển về quê ăn Tết, các hoạt động sản xuất và xét nghiệm trong thời gian nghỉ lễ giảm.
Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An cho biết, trong 12 giờ qua (từ 18 giờ ngày 15/2 đến 6 giờ ngày 16/2) tại Nghệ An ghi nhận 1.188 ca dương tính với COVID-19, trong đó có 284 ca cộng đồng, 904 trường hợp là F1, 2 người về từ vùng dịch.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, các địa phương đang có số ca dương tính cao là thành phố Vinh và các huyện Diễn Châu, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Thanh Chương. Toàn tỉnh hiện có 20.842 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị.
Tại Nghệ An, dịch COVID-19 chưa có chiều hướng giảm về số ca nhiễm mới và số ca trong cộng đồng. Một số người vẫn có tâm lý chủ quan cho rằng phần lớn những ca nhiễm trên địa bàn tỉnh có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, nhanh khỏi, ít có khả năng trở nặng, ít nguy hiểm đến tính mạng; số ca nhiễm trong cộng đồng nhiều, dịch có bùng phát thì cũng không phải là vấn đề quá lo lắng, đó là điều đương nhiên trong bối cảnh duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả như hiện nay. Đây là quan niệm không đúng, ảnh hưởng đến thành quả chống dịch mà địa phương đã đạt được trong thời gian trước.