Ngày 16/6, cả nước ghi nhận 423 ca mắc COVID-19
Từ 18 giờ ngày 15/6 đến 6 giờ ngày 16/6, Việt Nam ghi nhận thêm 92 ca mắc mới COVID-19; trong đó có 1 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại TP. Hồ Chí Minh và 91 ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang (61 ca), TP. Hồ Chí Minh (19 ca), Bắc Ninh (9 ca), Hà Tĩnh (2 ca). Trong số ca ghi nhận trong nước, có 90 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Thông tin cụ thể tại đây.
Từ 6 giờ đến 12 giờ ngày 16/6, Việt Nam có thêm 176 ca mắc mới COVID-19, có 2 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Tây Ninh và 174 ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang (128 ca), TP. Hồ Chí Minh (35 ca), Bắc Ninh (8 ca), Hà Tĩnh (2 ca), Nghệ An (1 ca); trong đó 173 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Thông tin cụ thể tại đây.
Tính từ 12 giờ đến 18 giờ ngày 16/6, Việt Nam có 155 ca mắc mới COVID-19 (BN11481-11635); gồm 6 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Tây Ninh (2 ca), Kiên Giang (2 ca), Quảng Nam (1 ca), Khánh Hòa (1 ca) và 149 ca ghi nhận trong nước tại: Bắc Giang (90 ca), TP. Hồ Chí Minh (45 ca), Bắc Ninh (10 ca), Nghệ An (2 ca), Hà Nam (1 ca), Bắc Kạn (1 ca); trong đó 135 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Thông tin cụ thể tại đây.
TP Hồ Chí Minh: Thêm 99 trường hợp mắc COVID-19 mới, Quận 8 có số ca mắc cao nhất
Chiều 16/6, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, 24 giờ qua, Thành phố ghi nhận 99 trường hợp mắc COVID-19 mới; trong đó có 5 trường hợp được phát hiện qua khám sàng lọc đang được điều tra dịch tễ.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, từ 18 giờ ngày 15/6 đến 18 giờ ngày 16/6, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 99 trường hợp mắc COVID-19 đã được Bộ Y tế công bố. Riêng từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 16/6 ghi nhận 80 trường hợp. Đa số những trường hợp này là các ca tiếp xúc đã được điều tra, truy vết.
Trong số 99 trường hợp nhiễm mới có 10 trường hợp liên quan đến nhóm truyền giáo Phục hưng đã được cách ly và từng có kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính; 5 trường hợp được phát hiện qua sàng lọc, đang điều tra dịch tễ và 84 trường hợp là các tiếp xúc gần liên quan đến các bệnh nhân đã được công bố.
Cụ thể: 9 trường hợp liên quan đến chuỗi liên quan Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới; 26 trường hợp liên quan chuỗi Ehome 3; 9 trường hợp liên quan BN9094; 2 trường hợp liên quan BN10021, 2 trường hợp liên quan chuỗi cơ khí Hóc Môn; 5 trường hợp liên quan công ty Kim Minh (Quận 5); 2 trường hợp liên quan BN11620, 16 trường hợp liên quan Công ty Hnam Mobile; chuỗi liên quan khu nhà trọ trên đường Tô Ngọc Vân (Quận 12) có 11 trường hợp; liên quan BN7764 và liên quan BN10719 có 1 trường hợp.
99 trường hợp phát hiện mới này được phân bố ở 17 quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Cụ thể: Quận 1, 4, Gò Vấp, Bình Thạnh, huyện Nhà Bè và thành phố Thủ Đức mỗi quận ghi nhận 1 người; huyện Củ Chi ghi nhận 2 người; huyện Hóc Môn và Quận 6 ghi nhận mỗi quận 3 người; quận Tân Phú 4 và Quận 10 ghi nhận mỗi quận 4 người; quận Tân Bình ghi nhận 6 người; Quận 3 ghi nhận 9 người; quận Bình Tân ghi nhận 10 người; huyện Bình Chánh ghi nhận 11 người; Quận 12 ghi nhận 18 người và Quận 8 có số ca mắc cao nhất là 23 người.
TP Hồ Chí Minh yêu cầu thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19
Ngày 16/6, nhằm triệt để khoanh vùng, dập dịch và hạn chế nguồn lây nhiễm của các chùm ca bệnh mới phát sinh, UBND TP Hồ Chí Minh có văn bản khẩn số 1948/UBND-VX gửi UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện về việc tăng cường thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, thời gian qua Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, bước đầu đã kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn thành phố đã phát hiện một số chuỗi lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, biến chủng Delta (tên gọi của biến chủng vi rút Ấn Độ) làm cho tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, có nguy cơ lan nhanh.
Qua kiểm tra, việc áp dụng giãn cách xã hội tại thành phố Thủ Đức và các quận, huyện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế; vẫn còn các trường hợp vi phạm không thực hiện biện pháp 5K như: không đeo khẩu trang hoặc đeo khẩu trang không đúng quy cách, tụ tập ăn uống tại vỉa hè, quán giải khát, chung cư, lề đường...
Nhằm triệt để khoanh vùng, dập dịch và hạn chế nguồn lây nhiễm của các chùm ca bệnh mới phát sinh, UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong nhân dân cùng ủng hộ, chấp hành nghiêm việc thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
UBND TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị các đơn vị, sở ngành, UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức phát huy vai trò Tổ công tác phòng, chống COVID-19 tại phường, xã, thị trấn và các lực lượng chức năng của địa phương trong việc kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt đối với các trường hợp không chấp hành biện pháp 5K...
Có 288.000 liều vaccine COVID-19 được phân bổ về các tỉnh, thành đang có dịch
Theo thông tin từ Bộ Y tế, chiều ngày 16/6, Bộ Y tế đã làm việc với Công ty Cổ phần vaccine Việt Nam (VNVC), thống nhất phân bổ lô hàng 288.100 liều vaccine mà Công ty đã nhận được từ AstraZeneca ưu tiên cho các tỉnh đang có dịch COVID-19.
Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo kết luận 161/TB-VPCP ngày 15/6/2021, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về việc mua toàn bộ số lượng vaccine phòng COVID-19 AZD1222 do AstraZeneca sản xuất theo giá phi lợi nhuận, bao gồm cả 288.000 liều do Công ty Cổ phần vaccine Việt Nam đã nhận từ Công ty AstraZeneca.
Tính đến chiều 15/6, tổng cộng cả nước đã thực hiện tiêm 1.648.072 liều vaccine phòng COVID-19. Trong đó, có 63.636 người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19.
Thêm một bệnh nhân COVID-19 từng rất nguy kịch khỏi bệnh, xuất viện
Ngày 16/6, bệnh nhân N.V.H (57 tuổi ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc) là bệnh nhân COVID-19 nặng thứ 11 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã khỏi bệnh, chính thức được xuất viện và trở về nhà.
Theo thông tin từ Bệnh viện, trước đó, bệnh nhân N.V.H có tiền sử bệnh Tai biến mạch máu não từ năm 2019, uống rượu nhiều năm. Ngày 7/5, sau khi có xét nghiệm khẳng định dương tính với SARS-CoV-2, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng tiếp xúc được, yếu nửa người do tai biến cũ (đang dùng thuốc theo đơn).
Sau 2 ngày nhập viện, tình trạng bệnh nhân tiến triển nặng, có biểu hiện mê sảng, nói nhảm; sốt cao liên tục 39- 40 độ, rối loạn đông máu nặng Ddimer 1902 ng/ml. Bác sĩ cho bệnh nhân thở oxy, sử dụng kháng sinh, thuốc tăng cường miễn dịch, chống đông máu, nuôi dưỡng tĩnh mạch.
Sau 9 ngày, bệnh nhân có chuyển biến xấu hơn, không đáp ứng với thở oxy lưu lượng cao HFNC, chức năng phổi bệnh nhân rất tệ với chỉ số P/F: 83, phổi thông khí kém. Bệnh nhân đã được can thiệp đặt ống nội khí quản và thông khí nhân tạo xâm nhập ngày 16/5/2021, sử dụng thuốc vận mạch nâng huyết áp đảm bảo tưới máu tổ chức.
Sau đặt nội khí quản, bệnh nhân được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực ngày 16/5/2021. Vào khoa Hồi sức tích cực bệnh nhân ngay lập tức được can thiệp đặt catheter động mạch theo dõi huyết động liên tục, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm 3 nòng duy trì thuốc vận mạch, an thần, giảm đau, và theo dõi đánh giá áp lực tĩnh mạch trung tâm, áp dụng chiến lược thở máy mode PRVC.
Mặc dù được can thiệp tích cực, nhưng tình trạng bệnh không cải thiện rõ. Căn cứ các đánh giá chuyên môn, các bác sĩ chỉ định can thiệp lọc máu hấp phụ độc tố Cytokin bằng quả lọc Oxiris.
Sau 8 ngày thở máy, hồi sức điều trị, chăm sóc tích cực, kết hợp 2 lần lọc máu hấp phụ độc tố, đến ngày 26/5/2021 bệnh nhân có chuyển biến hết sức tích cực, chức năng phổi dần ổn định.
Đến ngày 26/5/2021 bệnh nhân được chuyển thở máy sang chế độ tự thở một phần. Do bệnh nhân có cơ địa bệnh nền, sức khỏe yếu, khả năng ho khạc kém, bác sĩ chỉ định mở khí quản vào ngày 30/5/2021, chăm sóc hô hấp tích cực cho bệnh nhân, kết hợp bồi dưỡng nâng cao thể trạng, điều trị tình trạng sảng.
Ngày 9/6/2021 bệnh nhân được rút ống thở thành công, tập vận động phục hồi chức năng tại giường, cơ lực khá, kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính 3 lần liên tiếp.
Ngày 16/6, bệnh nhân đã ổn định và đủ điều kiện được xuất viện trở về nhà.
Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh ngưng khám, chữa bệnh
Sáng 16/6, thông tin từ Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh cho biết, từ ngày hôm nay đơn vị tạm ngưng khám, chữa bệnh do có một nhân viên y tế có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Theo thông tin ban đầu, ca dương tính là điều dưỡng viên thuộc Khoa Nội Thần kinh. Bệnh viện Đại học Y dược đã phong tỏa khoa này và lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ nhân viên của khoa cũng như những người có tiếp xúc gần. Tổng cộng, đã có 336 người được lấy mẫu xét nghiệm và đều có kết quả âm tính.
Ngoài ra, một nam giới làm công việc photo giấy tờ trước cổng Bệnh viện Đại học Y dược cũng có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Vợ anh này là nhân viên của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Hiện cả hai vợ chồng đã được chuyển điều trị tại Bệnh viện Điều trị COVID-19 Cần Giờ.
Không còn khu vực bị phong tỏa chống dịch COVID-19 ở Thái Nguyên
Kể từ 0 giờ ngày 16/6, cụm dân cư trên địa bàn hai xóm Đầm Đanh và Làng Đanh thuộc xã Thành Công (thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) đã chính thức được dỡ bỏ phong tỏa sau 21 ngày bị cách ly y tế. Như vậy, không còn khu vực bị phong tỏa để phòng, chống dịch COVID-19 ở tỉnh Thái Nguyên.
Trước đó, vào ngày 26/5, thị xã Phổ Yên quyết định phong tỏa, cách ly y tế theo Chỉ thị 16 của Thủ tưởng Chính phủ đối với 234 hộ dân của xóm Đầm Đanh và Làng Đanh thuộc xã Thành Công sau khi phát hiện 1 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 (bệnh nhân số 5999, trú tại xóm Đầm Đanh). Chính quyền địa phương lập 8 chốt kiểm soát tại các tuyến đường ngõ ra, vào của khu vực này.
Tất cả các trường hợp liên quan đến ca bệnh đã được lấy mẫu xét nghiệm và đều cho kết quả âm tính. Hiện tại, mọi hoạt động của các hộ dân đã trở lại bình thường. Tuy nhiên, chính quyền địa phương vẫn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới và khuyến cáo người dân thực hiện Thông điệp 5K của Bộ Y tế, nâng cao ý thức tự bảo vệ mình và bảo vệ người khác để tránh lây nhiễm SARS-CoV-2.
Bình Dương ghi nhận 7 công nhân dương tính SARS-CoV-2, phong tỏa Công ty House Ware
Ngày 16/6, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương thông báo kết quả xét nghiệm RT-PCR mới nhất ghi nhận thêm 7 ca dương tính SARS-CoV-2 (Bộ Y tế chưa công bố) gồm: 1 trường hợp tại Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên; 5 trường hợp là công nhân công ty House Ware và 1 trường hợp tại Bình Thắng, thành phố Dĩ An.
Đáng lưu ý, ổ dịch tại Công ty Housr Ware (đường số 62, phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An) đến nay đã có 7 công nhân dương tính với SARS-CoV-2; trong đó, 5 công nhân phát hiện ngày 16/6 và 2 bệnh nhân phát hiện ngày 15/6 ở tại Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên.
Trước tình hình trên, ngành y tế tỉnh Bình Dương đã triển khai các biện pháp khẩn trương cách ly điều trị các bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; tổ chức cách ly tập trung số công nhân diện F1; đồng thời phong tỏa Công ty House Ware để điều tra dịch tễ, phun xịt khử khẩn.
Liên quan đến chùm 14 ca lây nhiễm mắc COVID-19 tại phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, đến nay cơ quan chuyên môn đã truy vết 220 trường hợp F1 và hơn 700 trường hợp F2. Mặt khác, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương đang tập trung lấy mẫu gộp sàng lọc cho hơn 280 người dân sinh sống, buôn bán tại Chợ Tân Phước Khánh đang trong thời gian chờ kết quả. Tuy nhiên, theo ngành y tế, ổ dịch ở phường Tân Phước Khánh hiện chưa xác định được nguồn lây, đồng thời ca bệnh xảy ra ngay trong cơ sở khám, chữa bệnh nên khả năng lây lan ra cộng đồng rất khó kiểm soát.