Tổng hợp COVID-19 ngày 28/9: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra 'vùng đỏ' Bình Dương; ca nhiễm mới giảm hơn 50%

Những thông tin thời sự về dịch COVID-19 ngày 28/9 thu hút dư luận quan tâm gồm: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra các khu nhà trọ công nhân ở Bình Dương; Việt Nam ghi nhận 4.589 ca nhiễm mới, giảm hơn 50% so với hôm trước; giảm 30% tiền thuê đất năm 2021 đối với người thuê bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; hai bệnh viện đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh trở về công năng khám chữa bệnh thông thường.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra các khu nhà trọ công nhân ở Bình Dương

Ngày 28/9, Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Trưởng đoàn, đã thăm làm việc tại TP Thuận An (Bình Dương), nơi đang là "vùng đỏ" dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với lãnh đạo thành phố Thuận An. Ảnh: TTXVN.

Thuận An là địa bàn có số dân và công nhân lao động đông, chiếm 1/4 dân số toàn tỉnh với 72% là công nhân lao động sống tập trung tại các khu nhà trọ. Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP Thuận An, tính lũy kế từ đầu đợt dịch đến nay, thành phố ghi nhận hơn 72.000 trường hợp mắc COVID-19. Cao điểm nhất ở khu vực tại phường Bình Hòa, có gần 10% số người trên địa bàn dương tính với SARS-CoV-2. Sau 3 lần xét nghiệm diện rộng và rà soát, đến nay số ca nhiễm phát hiện mới tại khu vực trên chỉ còn dưới 1%.

Thành phố cũng ghi nhận khoảng 0,63% trường hợp tử vong do COVID-19, đó là các trường hợp chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19. Theo bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở Bình Dương thấp là do đa số người mắc trẻ tuổi, có sức khỏe tốt. Ngoài ra, ngành Y tế tỉnh cùng chuyên gia y tế tăng cường của Bộ đã thảo luận, cho ra được "phác đồ điều trị đồng thuận Bình Dương" từ tháng 7/2021, sử dụng sớm các biện pháp điều trị, phù hợp với các trường hợp; đồng thời, vai trò của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, chính quyền cơ sở và huyện thị thành phố trong việc phát hiện ca mắc sớm và điều hành trạm y tế cơ động hiệu quả...

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Bình Dương đã tổ chức xét nghiệm nghiêm theo chỉ đạo của Thủ tướng, số ca mắc giảm (trung bình còn 1.500 trường hợp/ngày).

Phó Thủ tướng lưu ý Bình Dương cần lập bản đồ COVID-19 đến tận các nhà trọ để kịp thời theo dõi, xử lý khi có ca mắc. Đặc biệt, tỉnh cần từng bước mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng từng bước, chắc chắn, an toàn.

Đến nay, Bình Dương có 203.989 ca mắc COVID-19 ở tất cả 9 huyện, thị, thành phố; gần 172.500 người khỏi bệnh xuất viện về nhà; số ca tử vong hơn 1.923 ca. Toàn tỉnh có 6/9 địa phương "vùng xanh", 144 trạm y tế lưu động tại 100% xã, phường, thị trấn và khu cụm công nghiệp. Đến ngày 15/10, toàn tỉnh có 100% khu, cụm công nghiệp sẽ thành lập trạm y tế lưu động.

Việt Nam ghi nhận 4.589 ca nhiễm mới, giảm hơn 50% so với hôm trước

Từ 17 giờ ngày 27/9 đến 17 giờ ngày 28/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4.589 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, giảm hơn 50% so với hôm trước

Chú thích ảnh
Khai báo y tế phòng dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN.

Trong số các ca nhiễm mới có 6 ca nhập cảnh và 4.583 ca ghi nhận trong nước (giảm 4.759 ca so với ngày trước đó) tại 34 tỉnh, thành phố (có 717 ca trong cộng đồng).

Trong 24 giờ qua, TP Hồ Chí Minh cũng thực hiện xét nghiệm tầm soát cộng đồng bằng kỹ thuật test nhanh kháng nguyên tại vùng nguy cơ cao và nguy cơ rất cao, kết quả ghi nhận 3.417 trường hợp dương tính với test kháng nguyên nhanh.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bình Dương (giảm 1.218 ca), Long An (giảm 31 ca), Tây Ninh (giảm 25 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Đồng Nai (171 ca), An Giang (101 ca), Bình Thuận (16 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 9.020 ca/ngày.

Kể từ đầu vụ dịch đến nay, Việt Nam có 770.640 ca nhiễm, đứng thứ 44/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.830 ca nhiễm). Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 766.110 ca, trong đó có 554.762 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 14 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Phòng, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Lạng Sơn. Có 6 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Tĩnh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Giang. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là: TP Hồ Chí Minh (376.171 ca), Bình Dương (206.564 ca), Đồng Nai (47.070 ca), Long An (32.211 ca), Tiền Giang (13.883 ca).

Trong ngày 28/9, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 21.487 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 559.941 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.358 ca.

Trong ngày ghi nhận 178 ca tử vong tại: TP Hồ Chí Minh (131 ca), Bình Dương (15 ca), Đồng Nai (6 ca), Long An (5 ca), Tiền Giang (5 ca), An Giang (5 ca), Kiên Giang (4 ca), Đà Nẵng (2 ca), Quảng Ngãi (1 ca), Khánh Hòa (1 ca), Tây Ninh (1 ca), Cần Thơ (1 ca), Sóc Trăng (1 ca). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 199 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 18.936 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,0%).

Trong ngày 27/9 có 879.618 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 40.095.031 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 31.497.967 liều, tiêm mũi 2 là 8.597.064 liều.

Tại tỉnh Hà Nam, trong ngày ghi nhận 11 ca nhiễm mới. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận tổng cộng 225 ca từ ngày 19/9 đến nay. Để đảm bảo tiến độ, giúp người dân được tiêm vaccine trong thời gian sớm nhất, ngành y tế Hà Nam đã tăng cường đội ngũ y bác sĩ ở một số huyện, bổ sung cho TP Phủ Lý trong chiến dịch tiêm chủng lần này, hiện nay TP Phủ Lý đã tiêm được trên .900 mũi vaccine tập trung ở 9 xã, phường là: Châu Sơn, Thanh Tuyền, Lê Hồng Phong, Lương Khánh Thiện, Minh Khai, Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Liêm Chính.

Giảm 30% tiền thuê đất năm 2021 đối với người thuê bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký ban hành Quyết định 27/2021/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Đối tượng áp dụng là tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm (người thuê đất). Quy định này áp dụng cho cả trường hợp người thuê đất không thuộc đối tượng miễn, giảm tiền thuê đất và trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan.

Mức giảm tiền thuê đất theo Quyết định này quy định giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 đối với người thuê đất quy định ở trên; không thực hiện giảm trên số tiền thuê đất còn nợ của các năm trước năm 2021 và tiền chậm nộp (nếu có). Mức giảm tiền thuê đất quy định ở trên được tính trên số tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 theo quy định của pháp luật. Trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định thì mức giảm 30% tiền thuê đất được tính trên số tiền thuê đất phải nộp sau khi đã được giảm theo quy định của pháp luật.

Hai bệnh viện đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh trở về công năng khám chữa bệnh thông thường

Ngày 28/9, thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Quận 7 và Bệnh viện Đa khoa Khu vực Củ Chi đã chính thức được khôi phục công năng trở lại tiếp nhận khám chữa bệnh ban đầu là bệnh lý thông thường. Đây là hai bệnh viện quận, huyện đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh trở về công năng ban đầu khám, chữa bệnh thông thường, sau một thời gian dài trở thành bệnh viện điều trị COVID-19.

Để trở lại công năng là cơ sở y tế tuyến quận, huyện tiếp nhận khám chữa bệnh ban đầu, các bệnh viện đã tiến hành phun xịt khử khuẩn toàn bộ các khoa điều trị F0, vệ sinh phương tiện vận chuyển người F0, toàn bộ bề mặt các vận dụng, thiết bị máy móc, giường bệnh. Đồng thời, siết chặt quy trình sàng lọc, khai báo y tế để kịp thời phát hiện các trường hợp F0.

Theo lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, để đảm bảo an toàn cho người bệnh, Sở Y tế đã yêu cầu các bệnh viện trước khi phục hồi công năng phải thực hiện đầy đủ các bước rà soát, điều kiện tổ chức hoạt động khám chữa bệnh như: cơ sở vật chất, vệ sinh khử khuẩn toàn bệnh viện theo quy định, tuân thủ nghiêm “Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp” của Bộ Y tế; đồng thời “khuyến cáo triển khai các hoạt động phòng chống dịch trong bệnh viện” của Sở Y tế, sắp xếp lại nhân lực, trang thiết bị…

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, trong suốt gần 5 tháng chống dịch đã có 95 bệnh viện trên địa bàn Thành phố tham gia điều trị COVID-19. Đây là lần đầu tiên, ngành y tế Thành phố buộc phải huy động nhiều loại hình bệnh viện khác nhau trong “cuộc chiến” với COVID-19 và đây cũng là lần đầu tiên, ngành Y tế Thành phố nhận được sự hỗ trợ nguồn nhân lực đông đảo lên đến hàng nghìn người được Bộ Y tế huy động từ nhiều vùng trên khắp cả nước, nhận được sự hỗ trợ rất hiệu quả của lực lượng Quân y từ Bộ Quốc phòng.

Vân Sơn/Báo Tin tức
Tổng hợp COVID-19 tuần 20-26/9: 17,78 triệu người được hỗ trợ do COVID-19; trung bình có 9.9 ca nhiễm mới/ngày
Tổng hợp COVID-19 tuần 20-26/9: 17,78 triệu người được hỗ trợ do COVID-19; trung bình có 9.9 ca nhiễm mới/ngày

Những thông tin thời sự về dịch COVID-19 thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội tuần từ 20-26/9 gồm: Phấn đấu đến ngày 30/9 trở lại trạng thái bình thường mới; 17,78 triệu người được hỗ trợ do COVID-19; trung bình số ca nhiễm mới trong nước 7 ngày qua là 9.9 ca/ngày; số bệnh nhân COVID-19 nặng đã được kiểm soát, số ca tử vong có xu hướng giảm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN