Phòng chống dịch COVID-19 với tinh thần quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, đoàn kết hơn
Ngày 6/7, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 177/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến với TP Hồ Chí Minh và 7 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về công tác phòng chống dịch COVID-19.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tiếp tục phòng chống dịch theo các kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng trước đây, nhưng với tinh thần quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, đoàn kết hơn; mở thêm bệnh viện dã chiến nếu cần thiết; đẩy mạnh tiêm phòng như kế hoạch đề ra; hoàn toàn không có chuyện "buông" để có miễn dịch cộng đồng, sàng lọc người khỏe mạnh để cho sống như tin đồn vô căn cứ. Đối với lĩnh vực kinh tế, cần tập trung kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, không cực đoan, thái quá khiến nền kinh tế bị chấn thương, quay về giảm phát, gây tê liệt sản xuất kinh doanh.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao các tỉnh trong tâm dịch lần này, nhất là TP Hồ Chí Minh, các lực lượng tuyến đầu, sự vào cuộc tích cực của Bộ Y tế với nhiều nỗ lực, phối hợp, chia sẻ trách nhiệm trong phòng, chống dịch. Đến nay, dịch bệnh ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ cơ bản đang được kiểm soát. Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19, nhất là tại TP Hồ Chí Minh vẫn đang diễn biến rất phức tạp, khó lường, đang tiếp tục lây lan nhanh sang một số địa phương lân cận, cần sớm có giải pháp, hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn để kịp thời kiềm chế, đẩy lùi và kiểm soát tình hình.
Trong chỉ đạo, điều hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế đã trực tiếp làm việc và có nhiều văn bản kết luận, chỉ đạo gần đây nhất là cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ với TP Hồ Chí Minh và 7 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo còn phù hợp với tình hình hiện nay tại các Thông báo kết luận: số 74/TB-VPCP, số 174/TB-VPCP và số 175/TB-VPCP ngày 01 tháng 7 năm 2021.
Tư tưởng chỉ đạo là hành động cần được tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm: càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, thống nhất và chia sẻ trách nhiệm. Công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay là chưa có tiền lệ, do vậy, vừa làm vừa điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện; trên tinh thần đoàn kết, thống nhất, lắng nghe ý kiến của nhau để lãnh đạo các cấp có được các phương án hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, phù hợp với diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh và điều kiện thực tế từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Các cấp cần bám sát các quy định chung, quy định có tính nguyên tắc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo, các cơ quan chuyên môn để linh hoạt, vận dụng sáng tạo, bổ sung các quy định cụ thể phù hợp với điều kiện của địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Trên cùng một địa bàn cần giao một đầu mối chỉ đạo chung, bảo đảm công tác phối hợp giữa các lực lượng kịp thời, thống nhất, hiệu quả. Thực hiện nghiêm yêu cầu “5K + vaccine” và kết hợp ứng dụng công nghệ chặt chẽ, rộng rãi trong phòng, chống dịch.
TP Hồ Chí Minh cần có giải pháp mạnh mẽ hơn để sớm chấm dứt dịch COVID-19
Phải có những giải pháp dứt khoát, mạnh mẽ, triệt để hơn để sớm chấm dứt dịch bệnh, quyết không để kéo dài. Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Ban Chỉ đạo với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, chiều tối 6/7, tại trụ sở Chính phủ.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, hơn 1 tháng qua, TP Hồ Chí Minh đã rất nỗ lực, quyết tâm phòng, chống dịch; các lực lượng không quản gian khổ để bảo vệ cuộc sống người dân. Người dân TP Hồ Chí Minh đã và đang trải qua những ngày tháng khó khăn, nhất là người nghèo đang bị ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống. Tuy nhiên, người dân tiếp tục giữ vững tinh thần đồng sức, đồng lòng, có nhiều việc làm, hành động quý giá và cần tiếp tục phát huy trong thời gian tới.
Trong bối cảnh tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, đã lây lan ra các tỉnh khác, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Cần phải có những giải pháp dứt khoát, mạnh mẽ, triệt để hơn để sớm chấm dứt dịch bệnh, quyết không để kéo dài. Các lực lượng phòng, chống dịch siết chặt tinh thần đồng lòng, động viên người dân chấp nhận vất vả hơn trong thời gian ngắn để sớm quay lại cuộc sống bình thường”.
Trên tinh thần “TP Hồ Chí Minh vì cả nước, cả nước chia sẻ với TP Hồ Chí Minh”, Phó Thủ tướng đề nghị, thành phố cần thực hiện nghiêm các giải pháp đã đề ra, ở mức cao hơn hiện nay, cắt đứt các chuỗi lây nhiễm, khống chế các ổ dịch, phấn đấu không để kéo dài tình trạng giãn cách xã hội như hiện nay. TP Hồ Chí Minh cần chuẩn bị khẩn trương, chu đáo các quy định cần thiết để hạn chế người tụ tập, đi lại trong thành phố, trong trường hợp không thực sự cần thiết, không ra khỏi nhà.
Phó Thủ tướng lưu ý: “Tuyệt đối không để tiếp diễn tình trạng tập trung đông người, không tuân thủ quy định giữ khoảng cách như đã xảy ra ở một số nơi khi đang thực hiện giãn cách xã hội”.
Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh cần khẩn trương thống nhất cơ chế phối hợp với các tỉnh lân cận để kiểm soát công nhân, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh ở địa phương khác. Đồng thời, thành phố và các địa phương cần hoàn thiện cơ chế kiểm soát người điều khiển phương tiện vận tải ra vào thành phố, không gây ách tắc cho lưu thông hàng hóa, kiểm soát nguồn lây. “Tinh thần là duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở mức độ cao nhất có thể trong bối cảnh dịch bệnh”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Việt Nam sang ngày thứ 2 ghi nhận trên 1.000 ca mắc COVID-19
Từ 12 giờ đến 18 giờ 30 phút ngày 6/7, Việt Nam ghi nhận 504 ca mắc mới COVID-19; cả ngày có 1.029 ca mắc.
Tính đến 18 giờ 30 ngày 6/7, Việt Nam có tổng cộng 20.183 ca ghi nhận trong nước và 1.881 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 18.613 ca, trong đó có 5.303 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 12 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Phú Thọ, Nam Định, Quảng Nam. Có 10 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Bắc Kạn, Gia Lai, Kiên Giang, Cần Thơ, Ninh Thuận, Bến Tre, Thừa Thiên - Huế, Sóc Trăng, Thanh Hoá, Hà Nam.
Ngày 6/7, có thêm 55 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Số ca âm tính với SARS-CoV-2 là 516 ca. Đến nay Việt Nam đã ghi nhận số ca tử vong liên quan đến COVID-19 là 90 ca. Số ca điều trị khỏi là 8.077 ca.
Quỹ vaccine phòng COVID-19 nhận được 8.054 tỷ đồng
Theo Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19, tính đến 17h00 ngày 6/7, Quỹ đã tiếp nhận được 8.054 tỷ đồng (đã bao gồm ngoại tệ quy đổi).
Số tiền đã chuyển vào Quỹ kể trên do 379.988 tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp.
Theo Bộ Tài chính, cuộc vận động ủng hộ Quỹ vaccine đã nhận được số tiền ủng hộ lớn và là nguồn lực quan trọng để Bộ Y tế mua, tiêm vaccine cho người dân và cộng đồng.
Từ nay đến cuối năm, theo kế hoạch sẽ tiêm cho 75 triệu người và nguồn lực cần khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng; trong đó, ngân sách đã chuẩn bị được hơn 14 nghìn tỷ đồng và cần thêm khoảng 11 nghìn tỷ đồng.
Thí sinh F1, F2 có thể dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1
Ngày 6/7, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ ký công văn số 2783/BGDĐT-QLCL gửi các địa phương về việc tổ chức thi cho các thí sinh F1, F2 vào các ngày 7 - 8/7/2021.
Công văn này yêu cầu các địa phương chuẩn bị chu đáo và tổ chức thi vào các ngày 7-8/7/2021 cho các thí sinh không ở những nơi bị phong tỏa hoặc thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 và các thí sinh không thuộc nhóm đối tượng F0, F1, F2 theo phân loại của ngành Y tế.
Tuy nhiên trong quá trình chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Bộ GD&ĐT đã nhận được đề nghị của một số tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương về việc tổ chức thi cho các thí sinh thuộc diện F1, F2 vào các ngày 7 - 8/7/2021.
Bộ GD&ĐT đồng ý với đề nghị này khi địa phương đáp ứng các điều kiện:
Thí sinh thuộc diện F1, F2 có nguyện vọng được dự thi vào các ngày 7 - 8/7/2021.
Thí sinh phải được sự đồng ý của Ban Chi đạo thi cấp tỉnh.
Phương án tổ chức thi cho những thí sinh này phải bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế; đồng thời, bảo đảm an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các Sở GD&ĐT cần báo cáo ngay về Bộ GD&ĐT (qua Cục Quản lý chất lượng) để được hỗ trợ xử lý kịp thời.