Chiến dịch tiêm chủng phải đảm bảo an toàn tối đa
Sáng 2/7, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Y tế, Trưởng ban Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế đã, đang nỗ lực để có vaccine về Việt Nam ngày một nhiều, đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của nhân dân. Tuy nhiên, do nguồn cung khan hiếm vào thời điểm này nên cao điểm vaccine về Việt Nam là vào quý 4/2021. Dự kiến, trong tháng 7/2021 sẽ có khoảng 8 triệu liều vaccine về Việt Nam.
Để triển khai chiến dịch hiệu quả, đảm bảo chất lượng vaccine, tất cả các quy trình phải có sự phối hợp chặt chẽ từ vấn đề bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm, ứng dụng công nghệ thông tin và cả công tác truyền thông cho chiến dịch. Đặc biệt, vấn đề an toàn tiêm chủng phải được đặt lên hàng đầu, tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc "tiêm đến đâu, an toàn đến đó".
Chiến dịch tiêm chủng lần này có điểm khác là công tác điều hành mọi quy trình tiêm chủng được thực hiện trực tuyến (online), quản lý bằng công nghệ thông tin. Việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp quản lý công khai, minh bạch mọi hoạt động tiêm chủng.
Việc phân bổ vaccine sẽ tiếp tục được công khai minh bạch để người dân giám sát chặt chẽ… Dự kiến, có khoảng 19.000 điểm tiêm và số lượng có thể thay đổi để phù hợp với thực tiễn. Các cơ sở tiêm chủng cần tuân thủ quy định giãn cách, có thể tiêm theo khung giờ để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và thực hiện hiệu quả quản lý tiêm chủng bằng công nghệ.
Về vấn đề đảm bảo an toàn tiêm chủng, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đề nghị các địa phương thực hiện ngay việc kiện toàn các đội cấp cứu cơ động để sẵn sàng hỗ trợ các điểm tiêm khi cần. Các cơ sở điều trị có trách nhiệm tổ chức tiêm cho đối tượng cần được theo dõi đặc biệt, ví dụ có bệnh nền…
14 địa phương 14 ngày không có ca mắc mới
Tính đến 18 giờ ngày 4/7, Việt Nam có tổng cộng 18.075 ca ghi nhận trong nước và 1.858 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 16.505 ca, trong đó có 5.045 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 14 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Phú Thọ, Hà Nam, Nam Định, Quảng Nam. Có 7 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Bắc Kạn, Gia Lai, Kiên Giang, Cần Thơ, Ninh Thuận, Bến Tre, Huế.
Trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với SARS-CoV-2 là 519 ca. Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận số ca tử vong liên quan đến COVID-19 là 86 ca. Số ca điều trị khỏi là 7.819 ca.
TP Hồ Chí Minh thay đổi chiến lược truy vết, khoanh vùng kiểm soát dịch
Trong bối cảnh dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh đang có những diễn biến phức tạp, khó lường khi số ca mắc trong cộng đồng liên tục nằm ở mức 3 con số, đặc biệt lên đến 714 ca mắc vào ngày 3/7, Thành phố đã có những thay đổi trong công tác điều tra, truy vết, khoanh vùng nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh.
Trong đó, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) sự thay đổi đáng chú ý là đẩy nhanh hơn tốc độ khoanh vùng trong vòng 1 giờ hoặc sớm hơn nữa sau khi xác định được F0.
Theo HCDC, để có căn cứ khoanh vùng, nhân viên điều tra dịch tễ sẽ tiến hành điều tra nhanh ca F0 kết hợp với đánh giá thực địa để có cơ sở khoanh vùng phạm vi xử lý. Việc tiến hành xác định khu vực khoanh vùng sẽ được đẩy nhanh hơn, trong 1 giờ hoặc sớm hơn nữa ngay sau khi có kết quả xét nghiệm khẳng định mắc COVID-19. Đối với công tác điều tra dịch tễ, nhân viên y tế sẽ xác định các mốc dịch tễ của F0, lập danh sách F1 gần, F1 xa và F2 sẽ được điều tra theo thực tế tiếp xúc, không theo hộ khẩu. Đồng thời, những người tiếp xúc với F0 sẽ được phân loại mức độ nguy cơ tiếp xúc, từ đó sẽ lên phương án xử lý thích hợp.
Việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tùy theo từng đối tượng có các nguyên tắc riêng. Đối với tất cả trường hợp F1 sau khi được lập danh sách sẽ được chuyển ngay về khu cách ly tạm thời của quận, huyện để điều tra dịch tễ. F1 cũng sẽ được làm test nhanh ngay, đồng thời lấy mẫu làm xét nghiệm khẳng định RT- PCR. Nếu kết quả test nhanh dương tính với SARS-COV-2 thì xử lý như trường hợp nhiễm trong khi chờ kết quả khẳng định RT- PCR. Các mẫu xét nghiệm khẳng định RT- PCR sẽ được chuyển khẩn về phòng xét nghiệm theo sự điều phối của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố và có kết quả xét nghiệm trong 12 giờ hoặc sớm hơn.
Các đối tượng khác như F2, xét nghiệm mở rộng… sẽ được xét nghiệm test nhanh kháng nguyên và lấy mẫu gộp theo từng hộ gia đình hoặc 2 - 3 hộ trong cùng một mẫu gộp để thuận lợi cho việc truy vết sau này. Nếu kết quả test nhanh dương tính với SARS-COV-2 thì xử lý như trường hợp nhiễm trong khi chờ kết quả khẳng định RT- PCR. Bên cạnh đó, việc tổ chức lấy mẫu được thực hiện theo nhóm đối tượng nguy cơ để tránh lây nhiễm chéo khi lấy mẫu. Từng hộ sẽ được mời lần lượt ra điểm lấy mẫu, bắt đầu từ hộ nguy cơ thấp nhất.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố cho biết, việc phân công lực lượng này nhằm đảm bảo 100% ca F0 phải được khởi động điều tra trong vòng 1 giờ sau khi nhận được thông tin, các F1 phải có kết quả xét nghiệm trong 12 giờ, các F2 và mẫu xét nghiệm ổ dịch phải có kết quả trong 24 giờ. Trên cơ sở đó sẽ quyết định việc điều chỉnh phạm vi phong tỏa.
Những ai không phải trả tiền xét nghiệm sàng lọc COVID-19 khi đi khám chữa bệnh?
Những người thuộc các đối tượng sau đây được Bảo hiểm y tế (BHYT) và Nhà nước chi trả chi phí xét nghiệm sàng lọc COVID-19 khi đến các cơ sở y tế. Theo Công văn hướng dẫn nguồn kinh phí chi trả xét nghiệm virus SARS-CoV-2 khi tăng cường xét nghiệm tại các cơ sở khám chữa bệnh do Bộ Y tế mới ban hành, có 5 nhóm người thuộc diện áp dụng xét nghiệm COVID-19 tăng cường tại các cơ sở khám chữa bệnh được BHYT và Ngân sách nhà nước chi trả gồm:
- Bệnh nhân điều trị nội trú.
- Người bệnh ngoại trú thực hiện xét nghiệm sau khi có quyết định chuyển vào điều trị nội trú.
- Cán bộ, nhân viên y tế, người lao động tại cơ sở khám, chữa bệnh.
- Người chăm sóc bệnh nhân (tối đa không quá 2 người luân phiên) nếu được cơ sở y tế đồng ý cho ở lại.
- Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đã hoàn thành thời gian cách ly y tế theo quy định nhưng thuộc các nhóm nêu trên.
Chính sách này được áp dụng cho các đối tượng trên tại các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc, bao gồm cả bệnh viện dã chiến và cơ sở tiếp nhận, điều trị ban đầu COVID-19.
Theo đó, BHYT sẽ chi trả với người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh tại cơ sở theo phạm vi được hưởng và mức hưởng của trường hợp được bệnh viện chỉ định xét nghiệm.
Với những người thuộc nhóm trên nhưng không có thẻ BHYT hoặc có thẻ BHYT không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT và phần cùng chi trả (nếu có) của người bệnh, kinh phí sẽ do NSNN chi trả.
Bộ Y tế đã quy định các trường hợp người bệnh phải xét nghiệm sàng lọc COVID-19 như: Người bệnh sau khi khám ngoại trú cần chuyển vào điều trị nội trú sẽ xét nghiệm ngay sau khi có quyết định chuyển; người bệnh chuyển tuyến phải thực hiện xét nghiệm; người bệnh đang được điều trị nội trú xét nghiệm định kỳ 7 ngày điều trị/lần; người nhà chăm sóc người bệnh được ở lại cũng phải xét nghiệm sàng lọc...
Sẽ có 8 triệu liều vaccine COVID-19 về trong tháng 7
Theo Bộ Y tế, dự kiến trong tháng 7/2021 sẽ có khoảng 8 triệu liều vaccine COVID-19 về đến Việt Nam. Bộ Y tế huy động toàn ngành tham gia, đảm bảo an toàn tiêm chủng.
Với nguồn cung vaccine về Việt Nam nhiều hơn trong thời gian tới và số điểm tiêm được triển khai trên toàn quốc khoảng 19.000 điểm, Bộ Y tế sẽ huy động toàn bộ ngành y tế (kể cả y tế các bộ ngành và y tế tư nhân) để đảm bảo tốc độ tiêm những tháng cuối năm.
Từ 0 giờ ngày 2/7, Long An áp dụng giãn cách xã hội trong phạm vi toàn tỉnh
Để ngăn chặn, kiểm soát và từng bước đẩy lùi dịch COVID-19, chiều 1/7, UBND tỉnh Long An ban hành Công văn số 6224/UBND-VHXH về việc tiếp tục tăng cường áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, UBND tỉnh áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh kể từ 0 giờ ngày 2/7, gồm: Tạm dừng các hoạt động, dịch vụ karaoke, vũ trường, spa, quán bar, massage, xông hơi, phòng tập thể hình, yoga, biểu diễn nghệ thuật, điểm kinh doanh trò chơi điện tử công cộng, câu lạc bộ bida, các tụ điểm hát với nhau, rạp chiếu phim, câu lạc bộ khiêu vũ, phòng tập gym, các điểm truy cập Internet; hoạt động thể thao, võ thuật đông người có tiếp xúc trực tiếp; các cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, vật lý trị liệu.
UBND tỉnh yêu cầu không tụ tập từ 5 người trở lên ngoài phạm vi công sở và trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các điểm công cộng; tạm ngưng hoạt động các tuyến vận tải hành khách cố định, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, trừ hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng và xe đưa, rước công nhân.
Bên cạnh đó, tỉnh Long An áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, tại một số địa phương. Các địa phương này dừng tất cả các hoạt động, sự kiện tập trung không thật sự cần thiết trên 20 người/phòng; dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động tập trung trên 5 người tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự. Các cơ sở dịch vụ nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống, giải khát chỉ được phục vụ mang về, không phục vụ tại chỗ…
Đối với người từng đến, về từ các điểm dịch theo thông báo của Bộ Y tế, thực hiện cách ly y tế tập trung đủ 21 ngày, kể từ ngày rời khỏi địa phương hoặc kể từ ngày tiếp xúc cuối cùng với bệnh nhân; lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 đủ 4 lần. Trường hợp cách ly tập trung tự chi trả các chi phí liên quan đến cách ly tập trung, kể cả chi phí xét nghiệm COVID-19. Những người từng đến, về từ các khu vực khác, thực hiện cách ly tại nhà đủ 14 ngày, kể từ ngày rời khỏi địa phương; lấy mẫu xét nghiệm 3 lần. Trường hợp cách ly tại nhà tự chi trả chi phí xét nghiệm COVID-19.
Các cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan nhà nước đóng trên địa bàn tỉnh, khi đi công tác ngoài tỉnh phải có giới thiệu của thủ trưởng cơ quan, đơn vị; trở về địa phương phải thực hiện khai báo y tế và thực hiện xét nghiệm test nhanh. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, trở lại làm việc bình thường nhưng phải thực hiện nghiêm túc Thông điệp 5K và hạn chế tiếp xúc gần với những người xung trong vòng 14 ngày.
Đối với các đoàn công tác của các cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố đến công tác tại tỉnh Long An, UBND tỉnh giao thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động nắm chắc kế hoạch, lịch trình di chuyển để thông báo cho các cơ quan chức năng có liên quan và các Trạm kiểm soát biết, phối hợp thực hiện việc kiểm soát theo quy trình riêng.