Ngày 7/7, cả nước ghi nhận 1.007 ca mắc COVID-19 mới, riêng TP Hồ Chí Minh có 766 ca
Tính từ 18 giờ 30 phút ngày 6/7 đến 6 giờ ngày 7/7, Việt Nam có 277 ca mắc mới COVID-19 (BN22065-22341) gồm 1 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Quảng Bình và 276 ca ghi nhận trong nước tại: TP. Hồ Chí Minh (270 ca), Phú Yên (2 ca), Đồng Nai (2 ca), Bà Rịa – Vũng Tàu (1 ca), Hà Tĩnh (1 ca). Trong đó, 2 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Thông tin cụ thể tại đây.
Từ 6 giờ đến 12 giờ ngày 7/7, Việt Nam có 400 ca mắc mới COVID-19 ghi nhận trong nước tại: TP Hồ Chí Minh (347 ca), Long An (19 ca), Quảng Ngãi (13 ca), Bắc Ninh (6 ca), Phú Yên (4 ca), Trà Vinh (3 ca), Bắc Giang (3 ca), Nghệ An (2 ca), Cà Mau (1 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (1 ca), Đắk Lắk (1 ca).
Thông tin cụ thể tại đây.
Từ 12 giờ đến 19 giờ 30 phút ngày 7/7, Việt Nam có 330 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 9 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Tây Ninh (8 ca), An Giang (1 ca) và 321 ca ghi nhận trong nước tại: TP. Hồ Chí Minh (149 ca), Bình Dương (60 ca), Khánh Hòa (41 ca), Vĩnh Long (24 ca), Tiền Giang (18 ca), Phú Yên (8 ca), Vĩnh Phúc (5 ca), Hưng Yên (5 ca), Đồng Tháp (5 ca), Hà Nội (3 ca), Bắc Giang (2 ca), Thanh Hóa (1 ca). Trong đó 2 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Thông tin cụ thể tại đây.
Từ 0 giờ ngày 9/7, TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong 15 ngày
Chiều tối 7/7, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo công bố quyết định về việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên toàn thành phố từ 0 giờ ngày 9/7, thời gian áp dụng 15 ngày.
Mở đầu buổi họp báo, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay TP Hồ Chí Minh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ với một số biện pháp tăng cường, tuy nhiên diễn biến của dịch COVID-19 ở TP Hồ Chí Minh vẫn đang rất phức tạp và có nhiều điểm mới khó lường; số người mắc tăng cao, tăng nhanh và dự báo khả năng sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới. Vì vậy, việc siết chặt, nâng cao hơn mức độ của các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đang triển khai là phù hợp với yêu cầu của tình hình hiện nay để có thể nhanh chóng kiểm soát và khống chế dịch bệnh, nhất là các chuỗi dịch chưa rõ nguồn lây.
"Thành phố Hồ Chí Minh xác định việc chống dịch như một cuộc chiến, đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết. Do đó, TP Hồ Chí Minh sẽ quyết định sẽ áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn TP Hồ Chí Minh từ 0 giờ ngày 9/7, thời gian áp dụng 15 ngày", ông Nguyễn Thành Phong nói.
TP Hồ Chí Minh lên phương án sẵn sàng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16
Để sẵn sàng cho việc thực hiện giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16/CT-TTg trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án để đảm bảo đời sống sinh hoạt của người dân không bị xáo trộn và ảnh hưởng.
Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, ngày 7/7 là ngày thứ 72 của làn sóng dịch thứ 4, là ngày thứ thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn toàn thành phố. Đến nay, thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, chủ động nhằm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Toàn thành phố đã triển khai tiêm gần 1 triệu liều vaccine, điều trị khỏi cho 857 trường hợp; truy vết, xét nghiệm, cách ly, phong tỏa cục bộ, dừng nhiều hoạt động thiết yếu và không thiết yếu.
Đến nay, 22 quận, huyện đã thực hiện phong tỏa hơn 107 điểm; một số quận, huyện áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg với 1 số phường, xã. Trong số 7.450 ca mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố, 82% các ca nằm trong các khu cách ly, phong tỏa; 4% số ca được tầm soát trong cộng đồng; khoảng 13% sàng lọc trong các bệnh viện; gần 1% số ca nhập cảnh.
“Do tính chất phức tạp của dịch bệnh, mật độ dân cư cao, mức độ giao thương lớn nên công tác kiểm soát dịch bệnh đặt ra nhiều thách thức cho thành phố, nhất là với chủng virus Delta. Để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, thành phố xác định cần xác định cần quyết liệt hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để đảm bảo sự phát triển lâu dài và an toàn cho người dân”, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhận định.
Ông Nguyễn Thành Phong cho biết, để sẵn sàng cho việc thực hiện giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16/CT-TTg thời gian tới, thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án để đảm bảo không xáo trộn, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Thành phố đã dừng hoạt động của 3 chợ đầu mối (Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức) và một số chợ truyền thống để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch nhưng chuỗi cung ứng hàng hóa của thành phố được duy trì ổn định cho người dân.
Với mục tiêu hướng tới duy trì ổn định, thành phố tập trung tăng lượng hàng hóa cung ứng cho hệ thống phân phối hiện đại, dự kiến tăng dự trữ lên 120 nghìn tấn/tháng. Ngoài ra, các tiểu thương và thương nhân tại 3 chợ đầu mối sẽ tiếp nhận trung bình 4 - 5 nghìn tấn rau củ quả, thực phẩm tươi sống/ngày, giao dịch qua hình thức trực tuyến. Thành phố kích hoạt chương trình bình ổn thị trường, đảm bảo hàng hóa bán đúng giá cho người dân.
Thành phố cũng phát huy năng lực cung ứng của 106 siêu thị, 124 chợ truyền thống (áp dụng phương thức tem phiếu, ra vào chợ theo 1 chiều nhất định, giảm 50% số lượng tiểu thương, chợ hoạt động cách ngày…), trên 2.000 siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và 28 điểm bán ở các địa phương. Thành phố thành lập đội tình nguyện hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn, không có điện thoại thông minh để mua sắm trực tuyến. Với hệ thống dự trữ đầy đủ hàng hóa cung ứng cho người dân, thành phố yêu cầu người dân không tập trung đông người mua sắm hàng hóa.
Người từ TP Hồ Chí Minh đi 62 địa phương khác phải tự cách ly 7 ngày, xét nghiệm 3 lần
Ngày 7/7, Bộ Y tế ra công văn hỏa tốc số 59/BYT-MT gửi UBND các tỉnh, thành phố hướng dẫn tiếp nhận người về từ TP Hồ Chí Minh, yêu cầu người từ TP Hồ Chí Minh tỉnh, thành phải tự cách ly 7 ngày, xét nghiệm 3 lần.
Theo Bộ Y tế, hiện nay, tình hình dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường, đang tiếp tục lây lan nhanh sang một số địa phương lân cận, cần sớm có các giải pháp hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa, kịp thời kiềm chế, đẩy lùi và kiểm soát tình hình.
Thực hiện Thông báo số 177/TB-VPCP ngày 06/7/2021 của Văn phòng Chính phủ thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến với TP Hồ Chí Minh và 7 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện các nội dung sau:
UBND TP Hồ Chí Minh trao đổi, thống nhất với UBND các tỉnh, thành phố trước khi đưa những người từ TP Hồ Chí Minh về các tỉnh, thành phố khác; đồng thời, thống nhất bố trí phương tiện vận chuyển đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.
Tất cả những người từ TP Hồ Chí Minh (trừ các trường hợp từ các tỉnh, thành phố khác đi qua TP Hồ Chí Minh nhưng không dừng, đỗ) đến các tỉnh, thành phải thực hiện cách ly y tế tại nhà trong thời gian 7 ngày, kể từ ngày về địa phương, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong thời gian 7 ngày tiếp theo. Đồng thời, phải thực hiện xét nghiệm 3 lần vào ngày đầu, ngày thứ 3 và ngày thứ 6 trong thời gian cách ly y tế tại nhà.
Trong thời gian tự theo dõi sức khỏe tại nhà, yêu cầu người về từ TP Hồ Chí Minh hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, không tham gia các hoạt động tập trung đông người. Nếu có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, khó thở hoặc có biểu hiện mất vị giác phải báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn xử lý kịp thời, đúng quy định.
Đối với những người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa ra, vào TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế yêu cầu phải thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 898/BYT-MT ngày 07/02/2021 về việc hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 trong vận chuyển hàng hóa và Công văn số 4351/BYT-MT ngày 28/5/2021 về việc tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 trong vận chuyển hàng hóa.
TP Hồ Chí Minh đưa 4 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 quy mô 12.000 giường vào hoạt động
Ngày 7/7, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, 4 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 với tổng quy mô 12.000 giường đã đi vào hoạt động.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trước tình hình số ca mắc COVID-19 đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn Thành phố đã vượt qua con số 7.000 trường hợp và dự báo số ca mắc còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới, việc bổ sung thêm các bệnh viện dã chiến chuyên thu dung điều trị các trường hợp mới mắc hoặc các trường hợp đang được cách ly (F1) không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ (chiếm khoảng 80% các trường hợp) là rất cần thiết, vừa đáp ứng yêu cầu thực tế, vừa giảm tải cho các bệnh viện đã chuyển đổi công năng.
Theo đó, tương ứng với kế hoạch ứng phó dịch COVID-19 với kịch bản 10.000 rồi 15.000 ca mắc, bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 1 với quy mô 4.000 giường đã đi vào hoạt động hơn 10 ngày qua; và từ ngày 4/7, ngành Y tế Thành phố đã triển khai thêm bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 2 với quy mô 2.000 giường; từ ngày 7/7/2021, bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 3 quy mô 3.000 giường và bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 4 quy mô 3.000 giường bắt đầu đi vào hoạt động.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, cả 4 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 đều tận dụng các cơ sở hạ tầng sẵn có là các Ký túc xá thuộc Đại học Quốc gia (Bệnh viện dã chiến số 1), các khu nhà tái định cư của Thành phố chưa đưa vào sử dụng hoặc chưa đấu giá (Bệnh viện dã chiến số 2 - khu nhà tái định cư ở quận 12, Bệnh viện dã chiến số 3 - khu nhà tái định cư ở thành phố Thủ Đức, Bệnh viện dã chiến số 4 - khu nhà tái định cư ở huyện Bình Chánh).
Từ 18 giờ ngày 7/7, Hà Nội áp dụng giám sát, quản lý chặt người từ TP Hồ Chí Minh và vùng dịch
Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ra công điện về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, trong đó yêu cầu các cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bắt buộc để giám sát, quản lý chặt chẽ tất cả những người đến từ Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng dịch.
Công điện của UBND thành phố Hà Nội nêu rõ: Hiện nay tình hình dịch bệnh trên cả nước đang diễn biến nhanh và phức tạp, số ca mắc hàng ngày vẫn tăng cao tại một số địa phương như thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Từ ngày 5/7 đến 7/7, Hà Nội đã ghi nhận thêm 16 trường hợp mắc trên địa bàn các quận, huyện: Mỹ Đức (7 ca), Đông Anh (6 ca), Hoàng Mai (1 ca), Đống Đa (1 ca), Mê Linh (1 ca) trong đó có những trường hợp là công nhân tại Khu công nghiệp, người dân trở về Hà Nội có yếu tố dịch tễ liên quan đến Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Bắc Giang… Lãnh đạo thành phố Hà Nội đánh giá hiện nay nguy cơ lây lan dịch bệnh quay trở lại cộng đồng là rất cao.
Để tăng cường kiểm soát tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, và xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Cụ thể, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các địa phương giám sát, quản lý chặt chẽ người về từ các vùng/tỉnh thành phố có dịch. Từ 18 giờ ngày 7/7 áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bắt buộc đối với tất cả những người đến từ thành phố Hồ Chí Minh và các vùng dịch.
Trong đó, người đến từ Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng dịch thực hiện khai báo y tế bắt buộc, cách ly tại nhà 7 ngày theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, (trừ trường hợp đi công tác công vụ trở về Hà Nội và tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế). Tất cả các trường hợp từ vùng có dịch về phải tổ chức xét nghiệm 3 lần (vào ngày đầu tiên, ngày thứ ba và ngày thứ sáu kể từ ngày đi từ vùng có dịch về), sau đó tự theo dõi sức khỏe tiếp trong vòng 7 ngày; nếu có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, khó thở hoặc có biểu hiện mất vị giác,… phải thông báo ngay cho chính quyền cơ sở, cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn quản lý sức khỏe kịp thời.
Từ 12 giờ ngày 8/7, xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 mới được vào thành phố Hải Phòng
Để kịp thời ngăn chặn và hạn chế tối đa dịch bệnh xâm nhập, UBND thành phố Hải Phòng vừa ra văn bản quy định chỉ cho phép những người có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 5 ngày mới được vào thành phố.
Công văn về việc kiểm soát chặt chẽ người về từ các địa phương đang có dịch ban hành ngày 7/7 của UBND thành phố Hải Phòng nêu: Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, số ca nhiễm mới trong nước đã vượt ngưỡng 1000 ca/ngày, đặc biệt dịch bệnh bùng phát ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; những ngày qua liên tục có ca dương tính trên các chuyến bay từ Thành phố Hồ Chí Minh về Nội Bài, trong đó có một số ca F1 là người của Hải Phòng, nguy cơ dịch xâm nhập vào thành phố là rất lớn.
Để kịp thời ngăn chặn và hạn chế tối đa dịch bệnh xâm nhập vào thành phố, UBND thành phố yêu cầu các UBND quận, huyện và các cơ quan liên quan, từ 12 giờ ngày 7/7 áp dụng cách ly tập trung 21 ngày đối với tất cả những người về Hải Phòng từ Thành phố Hồ Chí Minh.
Đối với các chốt kiểm soát cửa ngõ thành phố, từ 12 giờ ngày 8/7, sẽ chỉ cho phép những người có kết quả xét nghiệm âm tính virus SARS-CoV-2 trong vòng 5 ngày mới được vào thành phố. Kiểm soát chặt chẽ tất cả người và phương tiện, tuyệt đối không để lọt những người từ vùng dịch vào thành phố; thực hiện việc đưa đi cách ly tập trung theo quy định hoặc thông báo kịp thòi cho các địa phương để áp dụng cách ly tại nhà.
UBND thành phố Hải Phòng cũng yêu cầu Sở Y tế Hải Phòng chủ trì, cùng UBND các quận, huyện có liên quan bố trí địa điểm, nhân lực làm xét nghiệm test nhanh với virus SARS-CoV-2 cho người dân có nhu cầu tại các chốt kiểm soát cửa ngõ thành phố.
TP Hồ Chí Minh phát hiện một số thí sinh là F0, F1 trong ngày thi đầu tiên
Trong ngày thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, TP Hồ Chí Minh đã phát hiện một số điểm thi có thí sinh thuộc diện F1 và F0.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, trong buổi thi môn Toán (chiều ngày 7/7) có 3 phòng thi tại 3 điểm thi đã phải tách đôi phòng vì phát hiện thí sinh tiếp xúc gần với trường hợp mắc COVID-19 và có thí sinh dương tính với SARS-CoV-2.
Cụ thể, trong buổi thi môn Toán tại điểm thi THCS Bàn Cờ (Quận 3) có trường hợp nghi mắc COVID-19, các phòng thi liên quan đã tách thành 2 phòng thi. Sau khi thí sinh làm bài xong, ngành y tế Quận 3 đã thực hiện xét nghiệm nhanh và khử khuẩn toàn bộ điểm thi. Những thí sinh liên quan cũng được cách ly ngay tại điểm thi này.
Tại điểm thi THCS Bình Tây (Quận 6), một thí sinh có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính vào ngày 3/7, đã tham gia làm thủ tục dự thi vào chiều ngày 6/7 và đã hoàn thành bài thi môn Văn vào sáng 7/7. Tuy nhiên, sau đó, thí sinh biết có người nhà là F0 nên đã không thi môn Toán vào buổi chiều. Phòng thi của thí sinh này đã được tách đôi, thực hiện cách ly các thí sinh trong phòng thi có liên quan và sẽ thực hiện xét nghiệm sau buổi thi cuối cùng.
Còn tại điểm thi THCS Lý Phong (Quận 5), một thí sinh đã xét nghiệm vào ngày 3/7 có mẫu gộp dương tính. Ngày 5/7, thí sinh này có mẫu xét nghiệm lại âm tính nên tham gia làm thủ tục thi vào chiều ngày 6/7 và đã thi môn Văn vào sáng ngày 7/7. Tuy nhiên, sau khi thí sinh này thi xong, Quận 5 báo kết quả xét nghiệm lại trong ngày 7/7 dương tính với SARS-CoV-2. Thí sinh đã nghỉ thi buổi chiều, điểm thi tách đôi phòng thi có liên quan và tổ chức khử khuẩn toàn bộ điểm thi.
Trước đó, vào buổi thi môn Văn sáng 7/7, điểm thi trường THPT Lê Thánh Tôn (Quận 7) có một thí sinh F0 đến làm thủ tục vào chiều ngày 6/7 và dự thi môn Văn sáng ngày 7/7. Ngay khi kết thúc giờ làm bài môn Ngữ văn, Trung tâm y tế Quận 7 đã phối hợp với điểm thi đưa thí sinh này đi cách ly và tổ chức xét nghiệm lại. Kết quả xét nghiệm nhanh 2 lần liên tục trong trưa ngày 7/7 đều cho ra kết quả âm tính. Thí sinh này tiếp tục được làm bài thi môn Toán buổi chiều nhưng ngồi một phòng riêng biệt và tiếp tục được lấy mẫu xét nghiệm theo phương pháp RT-PCR để có kết quả chính xác nhất.
Cũng trong buổi sáng, tại điểm thi trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 3) đã phát hiện một thí sinh đang thi môn Văn có vấn đề về sức khỏe. Thí sinh này được test nhanh và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Theo đó, thí sinh này không tiếp tục dự thi môn Toán vào buổi chiều. Tuy nhiên, tất cả thí sinh khác cùng dự thi với em này được tiếp tục thi môn Toán theo phương án tách đôi phòng thi, làm bài ở các phòng thi dự phòng để được theo dõi đặc biệt.
Tại điểm thi trường THCS Đặng Trần Côn (quận Tân Phú) có một thí sinh F0 đến làm thủ tục dự thi vào chiều ngày 6/7, nhưng sáng ngày 7/7 đã không đến điểm thi.
3 bác sỹ là F1 không chấp hành cách ly tập trung
Chiều 7/7, ông Huỳnh Văn Khoa, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên cho biết, UBND huyện đã yêu cầu cơ quan Công an huyện xác minh các trường hợp F1 là bác sỹ Trung tâm Y tế huyện nhưng không chấp hành cách ly tập trung để xử lý theo quy định.
Theo ông Huỳnh Văn Khoa, ngày 6/7, UBND thị trấn Chí Thạnh có báo cáo gửi UBND huyện Tuy An về việc đơn vị này có nhận được thông báo của Phòng Dân số và Y tế cơ sở (thuộc Trung tâm y tế huyện Tuy An) danh sách 20 người trên địa bàn phải đi cách ly tập trung do tiếp xúc với trường hợp F0. UBND huyện Tuy An đã thông tin đến các trường hợp F1 yêu cầu ở tại nhà để cơ quan chức năng tiến hành các thủ tục thực hiện cách ly tập trung.
Đến 20 giờ 46 phút ngày 6/7, lực lượng chức năng UBND thị trấn Chí Thạnh cùng các y, bác sỹ Trung tâm y tế huyện Tuy An đã tiến hành đưa 17 người đi cách ly tập trung, riêng 3 người là bác sỹ công tác tại Trung tâm y tế huyện Tuy An là F1 nhưng không thực hiện việc đi cách ly tập trung.
Cụ thể, khi lực lượng chức năng huyện đến nhà bác sỹ N.N.H (sinh năm 1966) đưa đi cách ly tập trung, người nhà cho biết bác sỹ N.N.H đã tự lái xe riêng đi cách ly ở khách sạn tại thành phố Tuy Hòa (không rõ thời gian). Hai trường khác là bác sỹ P.V.T (sinh năm 1964) và V.T.G (sinh năm 1980), cơ quan chức năng đã vận động khoảng 30 phút, hai người này mới thông báo là hiện tại có triệu chứng đau họng nên sẽ tự đi đến Trung tâm y tế huyện để điều trị.
Đến sáng 7/7, sau khi được các lực lượng chức năng huyện vận động, ba trường hợp F1 này mới chấp hành việc đi cách ly tập trung.
Chủ tịch UBND huyện Tuy An Huỳnh Văn Khoa cho biết, trước mắt huyện đã yêu cầu các trường hợp trên phải chấp hành nghiêm cách ly tập trung theo quy định, đồng thời giao Công an huyện xác minh, nếu phát hiện sai phạm trong phòng, chống dịch sẽ xử lý nghiêm.
Giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 tại nhiều địa phương của tỉnh Quảng Ngãi
Ngày 7/7, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã ký Quyết định số 984/QĐ-UBND về áp dụng biện pháp phòng, chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, kể từ 00 giờ 00 phút ngày 8/7/2021.
Theo đó, Quảng Ngãi áp dụng các biện pháp hành chính tương ứng với mức “Nguy cơ rất cao” trong phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ đối với các huyện: Lý Sơn, Ba Tơ, Tư Nghĩa, Bình Sơn, thị xã Đức Phổ và thành phố Quảng Ngãi; bảo đảm giãn cách xã hội, cộng đồng với cộng đồng, người dân thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế.
Quyết định cũng yêu cầu người dân ở các địa phương trên chỉ ra ngoài trong các trường hợp thật sự cần thiết, như: Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; các trường hợp khẩn cấp, như: Cấp cứu, khám chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn…; làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình, dịch vụ thiết yếu. Người dân được phép lao động, sản xuất tại gia đình và thu hoạch nông sản theo nhóm từng hộ gia đình tại vườn, vùng sản xuất của địa phương nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng, chống dịch và phải dừng ngay các hoạt động sản xuất, thu hoạch khi không bảo đảm an toàn.
Các địa phương trên dừng tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh không thiết yếu, trừ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, công trình, dịch vụ thiết yếu, như: Nhà máy, cơ sở sản xuất, công trình giao thông, xây dựng, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (lương thực, thực phẩm, dược phẩm, xăng, dầu, điện, nước, nhiên liệu…), ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm…), kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm học 2020-2021, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa, khám chữa bệnh, tang lễ, vệ sinh môi trường… Người đứng đầu cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình, dịch vụ nêu trên chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ, nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Không tập trung trên 3 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 2m.
Tỉnh cũng quyết định dừng các hoạt động hội họp chưa thật sự cấp thiết. Trường hợp cần thiết tổ chức cuộc họp, phải bảo đảm không tập trung quá 10 người trong một phòng (trừ các cuộc họp quan trọng, cấp bách).
Đối với các huyện: Sơn Tịnh, Sơn Hà, Sơn Tây, Minh Long, Trà Bồng, Nghĩa Hành, Mộ Đức áp dụng biện pháp hành chính tương ứng với mức “Nguy cơ cao” trong phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.