Ngày 9/2, Việt Nam có 23.956 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, tiếp tục xu hướng tăng
Tính từ 16 giờ ngày 8/2 đến 16 giờ ngày 9/2, Việt Nam ghi nhận 23.956 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, số ca tiếp tục tăng so với ngày hôm trước.
Trong số các ca nhiễm mới, có 3 ca nhập cảnh và 23.953 ca ghi nhận trong nước (tăng 2.052 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 16.608 ca trong cộng đồng).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: Hòa Bình (giảm 926 ca), Hải Dương (giảm 125 ca), Thái Nguyên (giảm 122 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Hà Tĩnh (tăng 720 ca), Hải Phòng (tăng 465 ca), Bắc Ninh (tăng 349 ca).
Từ 17 giờ 30 ngày 8/2 đến 17 giờ 30 ngày 9/2 ghi nhận 93 ca tử vong.
Trong ngày 8/2 có 528.200 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 183.729.446 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 79.154.392 liều, tiêm mũi 2 là 74.430.220 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 30.144.834 liều.
Bộ Y tế tham gia cuộc họp do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì với UBND TP Hà Nội về công tác chuẩn bị điều trị trong tình huống học sinh mắc COVID-19 khi trở lại trường vào chiều ngày 8/2/2022.
Bộ Y tế chuẩn bị cho việc triển khai kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19 tại cộng đồng, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt để kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát rộng; đồng thời triển khai tốt các hoạt động y tế, tránh lây nhiễm chéo trong cách ly, khu phong tỏa.
Tiếp tục chỉ đạo các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân trên địa bàn đảm bảo hiệu quả và an toàn.
Gia tăng ca mắc COVID-19, các địa phương lên phương án ứng phó
Sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Nhâm Dần, nhiều địa phương trên cả nước ghi nhận số ca mắc COVID-19 gia tăng.
Theo Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 8/2 đến 18 giờ ngày 9/2/2022 Hà Nội ghi nhận 2.949 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, hiện có 54.148 bệnh nhân đang điều trị.
Các ca nhiễm mới phân bố tại 480 xã phường thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.
Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày là Hoàng Mai (118), Đông Anh (106), Long Biên (98), Chương Mỹ (96), Nam Từ Liêm (93). Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021 đến nay) là 160.022 ca.
Tại tỉnh Hải Dương, tình hình dịch COVID-19 đang có chiều hướng phức tạp khi số ca mắc gia tăng, đặc biệt là sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Riêng trong ngày 8/2, Hải Dương ghi nhận 1.245 bệnh nhân mắc COVID-19 mới ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Đây cũng là lần đầu tiên từ khi dịch xuất hiện tại Việt Nam, Hải Dương có số ca mắc đạt kỷ lục trong 1 ngày. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Hải Dương tiếp tục xuất hiện nhiều ổ dịch mới.
Cũng trong ngày 8/2, tỉnh Thanh Hóa ghi nhận 998 ca mắc mới. Trong số đó có 226 trường hợp phát hiện trong cộng đồng, 456 ca ghi nhận qua sàng lọc tại cơ sở y tế và 316 người đang được cách ly theo quy định. Đây là số ca mắc cao nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Tại Nghệ An, trong những ngày qua tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp với số ca mắc mới tăng rất cao, có ngày tăng đột biến. Trong ngày 8/2, số ca mắc mới của Nghệ An đã lên tới 1.717 ca.
Trong khi đó, tình hình dịch trên địa bàn tỉnh Điện Biên đang có nhiều diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng nhanh, có nguy cơ lây nhiễm qua khu vực biên giới vào nội địa. Đặc biệt tại một số địa bàn (xã, bản) thuộc các huyện Tủa Chùa, Mường Ảng và thành phố Điện Biên Phủ có số ca mắc ngoài cộng đồng tăng cao. Chỉ trong 7 ngày đầu tháng 2/2022, toàn tỉnh Điện Biên đã ghi nhận hơn 670 bệnh nhân mắc COVID-19 (trong đó có 470 ca ngoài cộng đồng).
Theo đó, lãnh đạo tỉnh Điện Biên yêu cầu các địa phương trong tỉnh cân nhắc việc tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa, tổ chức thực hiện các tập tục tang ma, lễ cưới của người dân sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, phải nêu cao tinh thần cảnh giác, không lơ là, bị động và điều hành công tác phòng, chống dịch phù hợp theo từng hoàn cảnh.
Tỉnh Nghệ An cũng đã yêu cầu lãnh đạo các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Trong khi đó, Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo, người dân trên địa bàn thành phố khi có một trong các biểu hiện như: Sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác, hoặc mất khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi lưu trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc COVID-19, hoặc liên hệ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội qua số điện thoại 0969.082.115 hoặc 0949.396.115 để được tư vấn...
Sau sàng lọc, 1 giáo viên và học sinh tại Hà Tĩnh dương tính với SARS-CoV-2
Ngày 9/2, thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh, đến thời điểm này đã có 50 giáo viên và 331 học sinh là F0. Để đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, 37 trường Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở trên địa bàn tạm cho học sinh nghỉ học.
Các trường tạm thời cho học sinh nghỉ học gồm: 20 trường Mầm non, 15 trường Tiểu học, 2 trường Trung học cơ sở thuộc vùng dịch cấp độ 3, 4. Ngoài ra, toàn tỉnh cũng có 9 trường chuyển trạng thái từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến, trong đó có 1 trường Tiểu học, 6 trường Trung học Cơ sở và 2 trường Trung học Phổ thông.
Học sinh các trường nói trên sẽ tiếp tục trở lại trường khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, căn cứ vào cấp độ dịch của từng địa phương trên tinh thần của Chính phủ là sớm đưa toàn bộ học sinh quay lại học trực tiếp.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh cũng chỉ đạo các trường thường xuyên nhắc nhở, phối hợp quản lý, đảm bảo an toàn cho học sinh trong quá trình nghỉ học và sẵn sàng kế hoạch dạy bù khi học sinh đi học trở lại.
Hà Nam: Phát hiện nhiều trường hợp mắc COVID-19 qua sàng lọc y tế
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh tăng cao.
Ngày 8/2, tỉnh Hà Nam ghi nhận 189 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có đến 164 trường hợp được phát hiện qua sàng lọc y tế. Đây là số ca bệnh COVID-19 ghi nhận trong ngày của tỉnh cao nhất từ trước đến nay. Sáng 9/2, toàn tỉnh tiếp tục phát hiện 95 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó, 93 trường hợp phát hiện qua sàng lọc y tế; chỉ có 2 trường hợp là F1 liên quan đến ổ dịch tại thị xã Duy Tiên.
Tính từ 19/9/2021 đến nay, tỉnh Hà Nam đã ghi nhận 7.057 trường hợp mắc COVID-19; trong đó 5.915 trường hợp đã khỏi bệnh, ra viện; 4 trường hợp tử vong. Toàn tỉnh có hơn 5.700 trường hợp tiếp xúc gần F1 đang thực hiện cách ly tại nhà.
Kết quả đánh giá cấp độ dịch, tỉnh Hà Nam hiện có 21 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 2 (màu vàng, nguy cơ trung bình); 1 xã ở cấp độ 3 (màu cam, nguy cơ cao); 87 xã, phường, thị trấn còn lại ở cấp độ 1 (màu xanh, bình thường mới).
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành y tế tỉnh Hà Nam đang tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan, tiến hành điều tra dịch tễ, lấy mẫu, xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19. Đội ngũ kỹ thuật viên của khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nam đã làm việc xuyên đêm.
Bên cạnh đó, ngành y tế phối hợp với các địa phương tiếp tục thực hiện các hoạt động giám sát, theo dõi sức khỏe các trường hợp hoàn thành cách ly tập trung, bệnh nhân COVID-19 đã được điều trị khỏi xuất viện, người về từ các địa phương đang có dịch để hướng dẫn cách ly, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định; duy trì các hoạt động tiếp nhận, theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm định kỳ đối với các công dân được xác định là F1; các chuyên gia và thân nhân chuyên gia nhập cảnh, công dân Việt Nam về nước đang được cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh theo quy định; đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai tiêm chủng toàn dân, đẩy nhanh tiến độ bao phủ nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và sức khỏe người dân.
Lào Cai: Ứng dụng công nghệ số chăm sóc F0 tại nhà
Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Lào Cai cho biết, với mục tiêu giúp các cấp chính quyền có thêm giải pháp công nghệ số để phục vụ quản lý, điều hành trong phòng, chống dịch COVID-19, đơn vị đang triển khai thí điểm ứng dụng Hệ thống kết nối thông tin chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà tỉnh Lào Cai tại địa chỉ truy cập https://chamsocsuckhoe.laocai.gov.vn/.
Đối tượng áp dụng là các F0 tại các cơ sở thu dung, Trạm y tế lưu động và điều trị tại nhà; cán bộ quản lý, các y tá, bác sĩ đang theo dõi, điều trị các bệnh nhân COVID-19 tại nhà thông qua hệ thống.
Hệ thống kết nối thông tin chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà được triển khai từ ngày 29/1, nhằm xây dựng bảng kiểm tra sức khỏe của F0 hàng ngày; cập nhật, nhập liệu tự động để cán bộ y tế nắm được số lượng, tình trạng của F0 tại địa bàn và phân tầng điều trị; giúp cán bộ y tế và người bệnh tiết kiệm thời gian, đảm bảo hiệu quả điều trị.
Theo Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Lào Cai, ngày 9/2, tỉnh ghi nhận thêm 409 ca mắc mới. Đây là số ca F0 cao nhất từ trước đến nay được ghi nhận trong ngày tại địa phương này. Trong đó, thành phố Lào Cai có số ca mắc nhiều nhất với 124 trường hợp.