Tổng hợp COVID-19 ngày 9/7: TP Hồ Chí Minh tiếp tục là điểm nóng

Ngày 9/7, Việt Nam ghi nhận 1623 ca mắc mới, trong đó TP Hồ Chí Minh có 1229 ca; ngày đầu tiên TP Hồ Chí Minh thực hiện cách ly theo Chỉ thị 16.  

Chú thích ảnh
 Khu cách ly tập trung tại huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa). Ảnh: Hoa Mai/TTXVN

Quyết tâm cùng TP Hồ Chí Minh dập dịch trong thời gian sớm nhất

Các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh sẽ tận dụng thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, để cùng Thành phố Hồ Chí Minh dập dịch trong thời gian sớm nhất.

Đây là nội dung lãnh đạo các địa phương này đưa ra tại cuộc họp trực tuyến với Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, diễn ra vào chiều tối 9/7, tại Hà Nội. Đại diện UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, toàn tỉnh ghi nhận 160 ca mắc COVID-19, chỉ riêng đợt dịch thứ 4 (tính từ ngày 27/4) ghi nhận 155 ca mắc COVID-19, trong đó huyện Thống Nhất có số lượng lớn nhất với 92 ca. Bắt đầu từ 0 giờ ngày 9/7, toàn tỉnh Đồng Nai sẽ thực hiện các biện pháp cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Sau khi Thành phố Hồ Chí Minh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, Đồng Nai xác định sẽ tận dụng cơ hội này, cùng với Thành phố Hồ Chí Minh quyết liệt truy vết, dập dịch trong thời gian sớm nhất. Cùng với việc xét nghiệm cho những người trở về từ Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai xác định sẽ phát hiện thêm nhiều ca mắc COVID-19. Do đó, toàn tỉnh đang khẩn trương tăng cường chuẩn bị các cơ sở cách ly F1, điều trị F0; tận dụng các trường học, ký túc xá xa dân cư… thành cơ sở chữa bệnh.

Đối với tỉnh Tây Ninh, đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 176 ca mắc COVID-19, trong đó có 17 ca phát hiện trong cộng đồng; đã chữa khỏi 39 ca, có một ca tử vong. Đại diện tỉnh Tây Ninh cho biết, khi phát hiện ca mắc COVID-19, tỉnh thực hiện truy vết nhanh, khoanh vùng, xét nghiệm, thực hiện triệt để, đảm bảo kịp thời, linh hoạt, chủ động, không làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân.  Chủ động linh hoạt phương châm “4 tại chỗ”, đến nay, Tây Ninh cơ bản khống chế được các ca lây nhiễm mới.

Tuy nhiên, tỉnh xác định có 3 nguy cơ lớn lây nhiễm dịch bệnh là: Người từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh có dịch trở về; người nhập cảnh; lây nhiễm trong công nhân (toàn tỉnh hiện có khoảng 14.000 công nhân, trong đó khoảng 8.000 công nhân thường xuyên di chuyển giữa Tây Ninh và một số địa phương khác, chủ yếu là Long An).

Năng lực lấy mẫu của tỉnh hiện đạt 40.000 mẫu/ngày, năng lực xét nghiệm từ 700 lên 2.000 mẫu đơn/ngày. Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, sau khi ghi nhận 1.118 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng với 17 ổ dịch chính, tỉnh nhanh chóng tăng cường năng lực xét nghiệm, cách ly, điều trị để đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch.

Đến nay, Bình Dương đã áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg đối với toàn thành phố: Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An; thị xã Tân Uyên, huyện Dầu Tiếng.  

Tỉnh yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ an toàn COVID-19 cộng đồng, Tổ An toàn COVID-19 trong công tác giám sát dịch tại khu dân cư và doanh nghiệp; áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bắt buộc đối với người đến từ vùng dịch theo quy định; xây dựng phương án mở rộng thêm các khu cách ly tập trung (theo kế hoạch đáp ứng 20.000-30.000 giường) để chủ động đáp ứng kịp thời yêu cầu tiếp nhận người cần đưa đi cách ly tập trung.

Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Long An cho biết, có ca mắc COVID-19 đầu tiên trong cộng đồng từ ngày 27/5, đến nay toàn tỉnh ghi nhận 428 ca, trong đó có 412 ca trong cộng đồng, 16 ca nhập cảnh. UBND tỉnh Long An đã ra văn bản áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg tại các huyện giáp với Thành phố Hồ Chí Minh như: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và thành phố Tân An từ 0 giờ ngày 8/7, quyết tâm kiểm soát tốt và dập dịch trong thời gian sớm nhất. Là tỉnh trọng điểm kinh tế khu vực phía Nam, đặc biệt có gần 370.000 công nhân, người lao động trong toàn tỉnh, Long An tăng cường kiểm tra, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch.

Tỉnh ban hành kế hoạch xét nghiệm sàng lọc trong các khu, cụm công nghiệp, nhà trọ công nhân, nơi tập trung đông người; khuyến cáo các doanh nghiệp thực hiện phương châm “3 tại chỗ” (sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi) và kế hoạch tiêm vaccine cho công nhân.

Tuyệt đối tránh tình trạng “ngoài chặt, trong lỏng”

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến nay cơ bản đã hình thành “một vành đai chống dịch” xung quanh Thành phố Hồ Chí Minh. Các tỉnh cần tiếp tục tăng cường kiểm soát người ra, vào thành phố song vẫn bảo đảm lưu thông để vận chuyển hàng hóa thuận lợi.  Phó Thủ tướng đề nghị, đối với những khu vực thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, các địa phương phải làm nghiêm, tuyệt đối tránh tình trạng “ngoài chặt, trong lỏng”.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung kiểm soát hoạt động của các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp theo hướng duy trì sản xuất tuyệt đối an toàn; vừa kiểm tra giám sát, vừa vận động người dân tuyệt đối không ra khỏi nhà khi không có việc cần thiết, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Về công tác lấy mẫu, xét nghiệm, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần có sự điều chỉnh phù hợp giữa việc triển khai xét nghiệm nhanh và Realtime RT-PCR ở những địa bàn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Theo đó, các địa phương cần tổ chức lấy mẫu có trọng tâm, trọng điểm, đến tận thôn, xóm, khu phố, thậm chí đến từng gia đình; xây dựng và triển khai hệ thống nắm bắt, tiếp nhận thông tin sức khỏe của người dân, nhất là người già có bệnh nền, người có triệu chứng… và cử lực lượng đến xét nghiệm tại nhà.  

Nhấn mạnh tuyệt đối không để tình trạng tập trung đông người khi tiêm vaccine hoặc lấy mẫu xét nghiệm, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương đảm bảo tốc độ lấy mẫu đồng bộ với tốc độ xét nghiệm; trả kết quả xét nghiệm trong 24 giờ, không xét nghiệm theo phong trào, không để tồn đọng mẫu.  Bên cạnh đó, các địa phương phải chuẩn bị sẵn sàng cơ sở điều trị theo chiến lược “tháp 3 tầng” (dựa trên phân loại độ nặng của người mắc COVID-19, sẽ được thu dung, điều trị bởi các bệnh viện thuộc các “tầng” tương ứng); thiết lập các bệnh viện dã chiến trên cơ sở hạ tầng sẵn có dành cho các ca F0 không có triệu chứng, đồng thời có cơ chế theo dõi những ca có triệu chứng nặng để chuyển ngay lên cơ sở điều trị có năng lực tốt hơn.

Phó Thủ tướng nêu rõ, với tốc độ lây nhiễm mạnh, nhanh của chủng mới virus, các cơ sở cách ly tập trung phải bảo đảm chống lây nhiễm chéo. Trong tình huống số trường hợp F1 tăng nhanh, các địa phương sẵn sàng phương án phân loại gia đình theo đối tượng, nơi ở phù hợp để tổ chức cách ly tại nhà, dưới sự giám sát của y tế địa phương và Tổ an toàn COVID cộng đồng; tránh tập trung quá nhiều F1 trong khu cách ly tập trung không bảo đảm điều kiện, có nguy cơ lây nhiễm chéo.

Về yêu cầu hỗ trợ sinh phẩm xét nghiệm nhanh của các tỉnh, Thường trực Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, các tỉnh phải kết hợp hài hòa, linh hoạt giữa việc triển khai xét nghiệm nhanh và xét nghiệm Realtime RT-PCR phù hợp với từng tình huống dịch bệnh, kết hợp với điều tra dịch tễ có trọng tâm, trọng điểm. Hiện nay, các văn bản, hướng dẫn đã cho phép các địa phương vận dụng quy định chỉ định thầu để mua sinh phẩm xét nghiệm nhanh trong bối cảnh dịch bệnh. Trước băn khoăn của các địa phương về vấn đề này, Ban Chỉ đạo báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành thêm văn bản để các địa phương có đủ cơ sở pháp lý thực hiện.  

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, các cơ sở pháp lý cho phép thẩm quyền chỉ định thầu thuộc về các địa phương. Bộ Y tế đã công khai giá sinh phẩm, thiết bị trên Cổng Thông tin Bộ Y tế. Các địa phương có thể tham khảo tại đây đối với những loại sinh phẩm xét nghiệm nhanh đang khan hiếm. Thường trực Ban Chỉ đạo lưu ý các địa phương cần phải kiểm soát chặt chẽ người từ Thành phố Hồ Chí Minh trở về, theo Công điện số 914/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 để thực hiện "mục tiêu kép".

Trong đó, các địa phương không chỉ siết chặt công tác khai báo y tế bắt buộc mà còn phải lập danh sách quản lý, điều tra dịch tễ và có quyết định cách ly, xét nghiệm, theo dõi sức khỏe phù hợp với kết quả điều tra dịch tễ với những người này.

Chú thích ảnh
Khu chung cư nơi ở của bệnh nhân tại phố Lê Văn Thiêm. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Thêm 580.000 liều vaccine phòng COVID-19 về đến TP Hồ Chí Minh

Thông tin từ Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC), đã có 580.000 liều vaccine AstraZeneca do đơn vị này đặt mua đã về đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh để hỗ trợ khẩn cấp cho đợt bùng phát dịch thứ tư tại Việt Nam. Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc VNVC cho biết, liều vaccine này được VNVC chuyển giao phi lợi nhuận cho Bộ Y tế để kịp thời triển khai tiêm chủng cho người dân, đặc biệt là các vùng dịch hiện nay. Đây là lần giao vaccine thứ ba mà VNVC thực hiện trong tổng số 30 triệu liều vaccine phòng COVID-19 đặt mua trước từ AstraZeneca và Đại học Oxford (Anh).

Thỏa thuận được ký kết vào tháng 11/2020 giữa AstraZeneca Việt Nam, Bộ Y tế và Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam. Như vậy, đến nay VNVC đã đưa 985.000 liều vaccine AstraZeneca về Việt Nam sau 3 đợt chuyển giao. Đây là loại vaccine phòng COVID-19 đầu tiên được cấp phép sử dụng và cung cấp với số lượng lớn tại Việt Nam để hỗ trợ chương trình tiêm chủng quốc gia của Chính phủ và Bộ Y tế.

Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 8/7/2021, tổng cộng cả nước đã thực hiện tiêm khoảng 3,9 triệu liều vaccine phòng COVID-19 AstraZeneca, góp phần bảo vệ các lực lượng tuyến đầu và các nhóm ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ. Bên cạnh 580.000 liều vaccine AstraZeneca của VNVC, thông tin từ Bộ Y tế, trong sáng 9/7, một lô vaccine AstraZeneca khác do Chính phủ Nhật Bản viện trợ cho Việt Nam cũng được vận chuyển đến sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là một phần trong 2 triệu liều vaccine mà Chính phủ Nhật Bản cam kết hỗ trợ Việt Nam từ giữa tháng 6 đến nay.

Ông Nitin Kapoor, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam và các thị trường châu Á mới nổi cho biết, đơn vị này sẽ tiếp tục hợp tác với Bộ Y tế, WHO, UNICEF và VNVC để cung cấp thêm hàng triệu liều vaccine cho Việt Nam trong những tháng tới nhằm hỗ trợ nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, mở lại biên giới và đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế.

Một nữ bác sĩ dương tính chưa rõ nguồn lây

Ngày 9/7, bà Lê Thị Phương Trâm, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết, đơn vị đã tiến hành phong tỏa Khoa Nội tiết của bệnh viện và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 sau khi ghi nhận 1 bác sĩ của khoa có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 chưa rõ nguồn lây.    

Theo đó, ngày 8/7, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai tiến hành xét nghiệm gộp tầm soát định kỳ SARS-CoV-2 cho toàn bộ nhân viên trong bệnh viện. Sau khi có kết quả đã phát hiện 1 nữ bác sĩ của Khoa Nội tiết dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh viện đã tiến hành phong tỏa, khử khuẩn toàn bộ Khoa Nội tiết; cách ly tại khoa 45 bệnh nhân, 44 người nhà bệnh nhân và 28 cán bộ y tế. Riêng nữ bác sĩ đã trở về nhà trước khi có kết quả xét nghiệm và được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai đưa đi cách ly tập trung, điều trị theo quy định.  

Bà Lê Thị Phương Trâm cho biết thêm, qua điều tra dịch tễ ban đầu, hằng ngày nữ bác sĩ đi làm từ nhà ở phường Tân Mai, thành phố Biên Hòa đến Bệnh viện rồi trở về nhà, chỉ tiếp xúc với em trai đang học lớp 12 và cha mẹ đã về hưu, không có yếu tố liên quan đến Thành phố Hồ Chí Minh hay Bình Dương. Đối với những bệnh nhân, người nhà trong Khoa Nội tiết nơi bác sĩ làm việc, tất cả trước khi vào bệnh viện đều được làm xét nghiệm.    

Theo bà Lê Thị Phương Trâm, hàng tuần Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đều làm xét nghiệm định kỳ cho toàn bộ cán bộ, nhân viên bệnh viện. Kết quả các lần xét nghiệm định kỳ trước đó đều cho kết quả âm tính. Bệnh nhân ngoại trú cũng được sàng lọc kỹ mới cho vào bệnh viện. Hiện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục điều tra để biết rõ nguồn lây nhiễm COVID-19 của nữ bác sĩ.  

Để đảm bảo công tác khám và điều trị cho bệnh nhân, sáng 9/7, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai vẫn bố trí bác sĩ ngồi phòng khám Nội tiết ở Khoa Khám bệnh, đảm bảo điều trị cho những bệnh nhân nội trú tại Khoa Nội tiết đang phong tỏa. Nếu có bệnh nhân mới nhập viện, Bệnh viện sẽ chuyển tạm đến các khoa khác để điều trị.  

Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết, ngoài nữ bác sĩ trên, sáng 9/7, toàn tỉnh ghi nhận thêm 24 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, 9 ca liên quan các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại Công ty trách nhiệm hữu hạn thức ăn thủy sản Growmax (Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn, huyện Long Thành), 11 trường hợp liên quan đến chợ đầu mối Bình Điền và chợ Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh), 3 ca liên quan chợ đầu mối Tân Biên (thành phố Biên Hòa) và 1 ca là lái xe Công ty VN Nisshin Seifun (Khu công nghiệp Amata). Lực lượng chức năng đã tiến hành phong tỏa các khu vực dân cư liên quan đến các trường hợp dương tính mới này, đồng thời thực hiện điều tra dịch tễ, phun khử khuẩn, cách ly các trường hợp tiếp xúc gần theo quy định.  

 

V.T/Báo Tin tức
Sẵn sàng triển khai nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 trên phạm vi toàn quốc
Sẵn sàng triển khai nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 trên phạm vi toàn quốc

Theo thông tin từ phía Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) ngày 9/7, đơn vị này đã sẵn sàng triển khai nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 trên phạm vi toàn quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN