Trung bình mỗi ngày có 13.982 ca nhiễm mới
Tính từ 16 giờ ngày 4/12 đến 16 giờ ngày 5/12, Việt Nam ghi nhận 14.314 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; trong ngày có 199 ca tử vong, 1.711 ca khỏi bệnh. Trong số các ca nhiễm mới, có 2 ca nhập cảnh và 14.312 ca ghi nhận trong nước (có 8.142 ca trong cộng đồng), tăng 319 ca so với ngày trước đó.
Tuy nhiên, so với ngày 5/12, số ca mắc COVID-19 mới trong ngày 1/12 cao nhất trong tuần với hơn 14.500 ca. Như vậy, trong tuần qua cả nước có 97.930 ca nhiễm mới với 1.378 ca tử vong do COVID-19. Trung bình mỗi ngày, Việt Nam có 13.982 ca nhiễm mới.
TP Hồ Chí Minh vẫn là địa phương dẫn đầu cả nước về ca F0 với 9.164 ca nhiễm mới trong tuần. Riêng trong ngày 5/11, TP Hồ Chí Minh có 1.491 ca nhiễm, đã giảm 145 ca so với ngày trước đó; các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Bình Định (tăng 225 ca), Cần Thơ (tăng 134 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (tăng 90 ca).
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.309.092 ca nhiễm. Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.303.823 ca, trong đó có 1.006.460 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 197 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 26.260 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.
Hà Nội, Lào Cai điều chỉnh lịch học sinh học trực tiếp
Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngày 5/12, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đãcó văn bản về việc điều chỉnh việc tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh các trường THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trên địa bàn các quận, huyện, thị xã.
Theo đó, sẽ chỉ học sinh khối 12 các trường THPT, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tại 30 quận, huyện, thị xã có mức độ dịch ở cấp độ 1 (vùng xanh), cấp độ 2 (vùng vàng) đi học trực tiếp kết hợp trực tuyến kể từ thứ hai (ngày 6/12/2021). Trong đó, 50% số học sinh khối 12 đi học trực tiếp thứ hai, thứ tư, thứ sáu; các ngày còn lại học trực tuyến; 50% số học sinh lớp 12 đi học trực tiếp thứ ba, thứ năm, thứ bảy; các ngày còn lại học trực tuyến.
Ở các huyện, thị xã: Học sinh lớp 9 THCS tiếp tục học trực tiếp như kế hoạch trước đó. Học sinh cấp tiểu học, các lớp 6,7,8 cấp THCS; lớp 10, 11 THPT và các Trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp tiếp tục học trực tuyến; khối mầm non nghỉ tại nhà.
Đối với các quận: Học sinh cấp tiểu học, THCS và lớp 10, 11 trường THPT, các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tiếp tục học trực tuyến, khối mầm non nghỉ tại nhà.
Hiệu trưởng các trường THPT, Trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp lưu ý chỉ bố trí cho học sinh đến trường học 1 buổi/ngày. Các nội dung khác tiếp tục thực hiện theo Công văn 4156/SGDĐT-CTTT ngày 3/12 của Sở GD&ĐT. Căn cứ tình hình diễn biến của dịch bệnh, Sở GD&ĐT sẽ có thông báo mới về việc tổ chức đi học trở lại trực tiếp cho học sinh.
Trước đó, ngày 3/12, Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các trường THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn các xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2 cho học sinh một số khối lớp trở lại trường học sau thời gian tạm dừng để phòng, chống dịch COVID-19.
Cụ thể, đối với các huyện, thị xã, học sinh các khối lớp 10, 11, 12 của các trường THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đi học trực tiếp (khối lớp 9 tiếp tục triển khai học trực tiếp theo kế hoạch trước đó); học sinh cấp Tiểu học và học sinh khối lớp 6, 7, 8 học trực tuyến; trẻ Mầm non nghỉ tại nhà. Đối với các quận, học sinh các khối lớp 10, 11, 12 của các trường THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đi học trực tiếp; học sinh cấp Tiểu học và THCS học trực tuyến; trẻ Mầm non nghỉ tại nhà.
Việc điều chỉnh thời gian học trực tiếp của học sinh là do có nhiều ý kiến lo lắng của phụ huynh, nhà trường về thời điểm này. Bởi trong những ngày gần đây, số ca F0 trong cộng đồng của Hà Nội liên tục tăng. Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 18 giờ ngày 3/12 đến 18 giờ ngày 4/12, số ca mắc COVID-19 mới tại Hà Nội tiếp tục tăng, với 628 ca bệnh; trong đó 190 ca cộng đồng. Tính đến nay, số ca mắc ở Hà Nội đã vượt ngưỡng 12.710 ca.
Tương tự, hàng loạt trường học ở Lào Cai cũng dừng dạy học trực tiếp từ ngày 6/12. Cụ thể, ngày 5/12, UBND thành phố Lào Cai đã ban hành văn bản số 81/UBND-VP về việc triển khai một số biện pháp khẩn cấp trong phòng, chống dịch bệnh.
Tại văn bản này, Chủ tịch UBND thành phố Lào Cai chỉ đạo dừng tổ chức dạy học đối với tất cả các trường mầm non, lớp mẫu giáo độc lập trên địa bàn các phường Kim Tân, Bắc Cường, Cốc Lếu, Lào Cai từ ngày 6-8/12/2021; triển khai phương án dạy học trực tuyến đối với các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn các phường Kim Tân, Bắc Cường, Cốc Lếu, Lào Cai từ ngày 6- 8/12/2021.
Ngoài ra, để thực hiện hiệu quả các hoạt động giáo dục thích ứng với quy định về an toàn phòng, chống dịch COVID-19, Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo các trường: Trường Trung học phổ thông số 3 huyện Bảo Thắng, Trung học phổ thông số 3 thành phố Lào Cai, Trung học phổ thông số 2 huyện Mường Khương dừng tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục trực tiếp; chuyển sang hình thức trực tuyến từ ngày 6/12/2021 đến khi đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng, chống dịch COVID-19.
Tăng tốc tiêm và thúc đẩy sản xuất thuốc, vaccine điều trị COVID-19
Cũng trong ngày 5/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp với các bộ, ngành, đơn vị về thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc điều trị COVID-19 trong nước và nhập khẩu vaccine, thuốc điều trị COVID-19.
Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thế giới nói chung, ngay các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... có biện pháp chống dịch rất quyết liệt, có nền y học tiên tiến, song cũng bị tác động bởi chủng virus mới Omicron, Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Trong những biện pháp phòng, chống dịch thì vaccine, thuốc điều trị và ý thức của người dân có tính chất rất cơ bản, quan trọng. Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai chiến lược vaccine trong nhiều tháng nay, vừa qua bổ sung thêm vấn đề thuốc điều trị. Công việc này có khối lượng, quy mô lớn, lại tiến hành trong thời gian ngắn, chưa có tiền lệ nên có khó khăn, lúng túng.
“Chính phủ rất sốt ruột về vấn đề trên trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Chúng ta phải rút ngay kinh nghiệm trong đợt tiêm chủng vừa qua từ bảo quản, vận chuyển, tổ chức tiêm, liên quan hạn sử dụng vaccine”, Thủ tướng bày tỏ.
Theo Bộ Y tế, tổng số vaccine đã nhận và dự kiến tiếp nhận đến hết năm 2021 từ các nguồn mua, viện trợ, tài trợ đã có cam kết là khoảng 211 triệu liều; số vaccine đã tiếp nhận đến hết ngày 3/12 là hơn 150 triệu liều. Hiện nay, Việt Nam đang chuyển giao công nghệ nghiên cứu, thử nghiệm các loại vaccine phòng COVID-19 gồm: Nanocovax, COVIVAC, ARCT-154, HIPRA, Sputnik V, Shionogi và một số loại vaccine của Cuba, Ấn Độ...
Cùng với đó, việc nghiên cứu thuốc điểu trị COVID-19 cũng đã được tiến hành từ năm 2020, cả các nghiên cứu thuốc điều trị đặc hiệu và điều trị triệu chứng. Đáng chú ý, hiện có 6 nhà máy trong nước nộp hồ sơ đăng ký thuốc điều trị COVID-19 với năng lực sản xuất ít nhất 1 triệu liều/ngày, nếu được cấp phép đáp ứng nhu cầu thuốc Molnupiravir cho công tác phòng, chống dịch của cả nước.
Lực lượng quân y vào hỗ trợ các tỉnh phía Nam
Liên quan đến TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam có dịch COVID-19 tăng nhanh trong thời gian gần đây, ngày 4/12, đã có hơn 300 cán bộ, học viên lên đường vào địa bàn Quân khu 7 và Quân khu 9 để tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Hơn 300 cán bộ, học viên lên đường được chia thành 2 đoàn công tác. Đoàn công tác số 1 gồm 111 đồng chí thực hiện nhiệm vụ tăng cường tại địa bàn Quân khu 9. Đoàn công tác số 2 gồm 209 đồng chí được tăng cường thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn Quân khu 7. Cả 2 đoàn thực hiện theo sự điều động của Sở chỉ huy phòng, chống dịch Bộ Quốc phòng tại khu vực phía Nam.
Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y nhấn mạnh: Hơn 300 chiến sĩ được điều động vào phía Nam chống dịch hôm nay sẽ được chia thành 100 tổ và đều là những bác sĩ, sinh viên năm cuối đã từng tham gia chống dịch tại tỉnh Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh. Nhiệm vụ chính của đoàn công tác là tăng cường, hỗ trợ địa phương điều trị và chăm sóc các trường hợp F0 tại nhà.
Những người đã được tiêm chủng vaccine vẫn có thể mắc bệnh
Lý giải số F0 vẫn tăng nhanh, Bộ Y tế cho biết, những người đã tiêm vaccine, khi mắc bệnh vẫn sẽ là nguồn lây bệnh cho gia đình, cho cộng đồng, từ đó làm lây lan dịch bệnh, nhất là ở những vùng có tỉ lệ tiêm chủng thấp, đặc biệt dễ lây cho người lớn tuổi, người mắc bệnh nền, sức đề kháng kém và trẻ em.
Mặt khác, khi một người đã được tiêm chủng đủ liều vaccine phòng COVID-19, khả năng miễn dịch cũng sẽ giảm dần theo thời gian và cần được tiêm tăng cường. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo: Không nên chỉ dựa vào vaccine mà lơ là phòng dịch COVID-19, không nên quá phụ thuộc vào việc tiêm phòng mà coi nhẹ các biện pháp bảo vệ khác.
Việc tiêm phòng giúp giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong nhưng vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh và lây bệnh cho người khác.
Tăng cường rà soát công tác tiêm vaccine
Trước đó, ngày 2/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng đã ký Công điện về việc tăng cường rà soát công tác tiêm vaccine; quản lý, điều trị người bị nhiễm COVID-19.
Công điện nêu rõ, những ngày gần đây, số ca mắc, số ca tử vong do COVID-19 có xu hướng gia tăng. Trong các nguyên nhân, có bất cập trong quản lý, hỗ trợ, điều trị người bị nhiễm COVID-19; dù đã đủ vaccine nhưng vẫn còn một số lượng đáng kể người già, người có bệnh nền chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19, có nguy cơ tử vong cao nếu nhiễm bệnh.
Trước vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tiêm vaccine cho toàn bộ người dân trong độ tuổi được chỉ định. Đặc biệt lưu ý những người cao tuổi, người có bệnh nền; chỉ đạo các bệnh viện phối hợp với hệ thống y tế dự phòng để tiêm an toàn, nhanh nhất. Triển khai khẩn trương việc tiêm mũi bổ sung, tăng cường.
Bộ Y tế phân bổ ngay thuốc kháng virus dạng viên để các tỉnh, thành phố tổ chức cấp phát cho tất cả những người bị nhiễm virus uống ngay sau khi được xác định dương tính.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai hệ thống theo dõi, quản lý sức khỏe cho tất cả những người bị nhiễm virus; không để xảy ra tình trạng người nhiễm virus không liên hệ được với cơ sở y tế, không được phát thuốc điều trị ngay (bao gồm cả thuốc kháng virus nêu trên).
Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện các thủ tục cấp phép, công tác mua sắm bảo đảm đủ thuốc điều trị; tổ chức tăng cường lực lượng cho các địa phương có yêu cầu.
Tiếp nhận sớm, điều trị F0 tại nhà chặt chẽ để giảm số ca tử vong do COVID-19
Ngoài ra, trong chiều 1/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cũng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo Bộ Y tế, một số bệnh viện trung ương và các địa phương khu vực phía Nam gồm: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang… về công tác điều trị, giảm tử vong do dịch COVID-19.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các địa phương bảo đảm đầy đủ trang thiết bị bảo hộ an toàn cho đội ngũ nhân viên y tế cũng như chế độ, chính sách. Trong công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, bên cạnh thuốc điều trị, cần lưu ý đến chế độ ăn uống, dinh dưỡng, động viên, chăm sóc về tinh thần.
Bộ Y tế khẩn trương phân bổ thuốc điều trị, nhất là thuốc kháng virus cho các địa phương; hoàn thiện quy trình điều trị tại nhà, trong đó có cơ chế giám sát y tế đến từng bệnh nhân, hướng dẫn sử dụng các loại thuốc kháng đông, kháng viêm.
Phó Thủ tướng yêu cầu, không để bệnh nhân ở nhà mà không được thăm khám từ xa mà phải kết hợp với chăm sóc trên thực địa. Bên cạnh đó, các địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng các cơ sở, trung tâm điều trị đủ lớn, nhiều tầng trong tình huống ca bệnh tăng lên để khắc phục bất cập trong công tác chuyển tuyến giữa các bệnh viện khác nhau.
Phó Thủ tướng đề nghị, các địa phương khẩn trương tổ chức tiêm vét vaccine cho đối tượng người già, người có bệnh nền. Bộ Y tế lên kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi thứ 3; khẩn trương tham khảo ý kiến của các chuyên gia, tổ chức y tế quốc tế về khoảng thời gian tiêm giữa mũi 2 và mũi 3.
Về việc gia hạn sử dụng vaccine phòng COVID-19 của Pfizer
Ông Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, ngày 31/12/2020, WHO đã phê duyệt vaccine Pfizer-BioNTech COVID-19 và đưa vào Danh sách Sử dụng khẩn cấp của WHO. Đây là vaccine đầu tiên được WHO phê duyệt.
Ngày 8/1/2021, WHO đưa ra khuyến nghị về việc sử dụng và các yêu cầu bảo quản đối với vaccine Pfizer-BioNTech COVID-19 như sau: Vaccine dùng cho người từ 16 tuổi trở lên; hai liều cách nhau từ 21 đến 28 ngày; mỗi liều dung tích 0,3 ml, hàm lượng 30 microgram, tiêm bắp ở cơ Delta; bảo quản trong môi trường tủ âm sâu tới 6 tháng. Những khuyến nghị này dựa trên dữ liệu khoa học có được vào thời điểm đó.
Nhà sản xuất đã tiếp tục nghiên cứu và phát triển sau giai đoạn phê duyệt ban đầu. Các cơ quan quản lý vaccine quốc gia đã cập nhật các điều kiện phê duyệt sau khi xem xét các bằng chứng và dữ liệu khoa học mới do nhà sản xuất cung cấp.
Cập nhật gồm có: Mở rộng nhóm tuổi tiêm từ 16 tuổi trở lên thêm nhóm từ 12 tuổi trở lên; tăng hạn sử dụng từ 6 tháng lên 9 tháng.
WHO đã xem xét và phê duyệt các điều kiện cập nhật này. WHO đồng ý phê duyệt gia hạn sử dụng vào tháng 8/2021 và việc gia hạn sử dụng lên 9 tháng áp dụng với tất cả các loại vaccine Pfizer được sản xuất kể từ khi được phê duyệt đầu tiên vào cuối tháng 12 năm 2020.
Liên quan đến việc giải thích về gia hạn vaccine Pfizer , nguyên nhân trong 2 ngày 1 và 2/12, huyện Hoằng Hóa tổ chức chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 cho 6.690 học sinh ở độ tuổi từ 15 đến dưới 18 tuổi tại 37 xã, thị trấn. Đây là lô vaccine được gia hạn với 117.000 liều vaccine Pfizer phòng COVID-19.
Sau ngày tiêm đầu tiên, tại địa phương này ghi nhận 86 học sinh có phản ứng sau tiêm, phải nhập viện theo dõi. Được biết, sau tiêm, các em học sinh này có biểu hiện phổ biến là buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, ớn lạnh nên các nhà trường và gia đình đã đưa các em đến các cơ sở y tế gần nhất. Sau khi được chăm sóc y tế, hiện sức khỏe và tâm lý của các em đã ổn định. Các cơ sở y tế trên địa bàn huyện Hoằng Hóa sẽ tiếp tục theo dõi sức khỏe cho các em học sinh, bảo đảm an toàn, hiệu quả tiêm phòng.
Khẩn trương chuẩn bị phương án phòng, chống dịch với biến chủng mới Omicron
Ngày 30/11, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 do biến chủng Omicron trên thế giới và dự báo tình hình dịch COVID-19 trong nước, để chủ động kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế:
Tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do biến chủng Omicron gây ra; trên cơ sở khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, khẩn trương chuẩn bị các phương án về vaccine, thuốc điều trị và các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2.
Chỉ đạo các địa phương, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch; đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; tăng cường lực lượng, vật tư, trang thiết bị y tế cho các địa bàn, địa phương có diễn biến dịch phức tạp và chủ động triển khai các biện pháp phù hợp điều trị sớm các trường hợp nhiễm mới để hạn chế trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong.
Chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, đơn vị khẩn trương nhập khẩu, sản xuất thuốc điều trị COVID-19; thúc đẩy thử nghiệm, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine, thuốc điều trị COVID-19 trong nước.
Nâng cao năng lực y tế cơ sở trong ứng phó với biến chủng Omicron
Ngày 30/11, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết, Việt Nam đang tăng cường giám sát, xét nghiệm, đẩy mạnh tiêm chủng và nâng cao năng lực y tế cơ sở trong ứng phó với biến chủng Omicron.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã nêu 3 vấn đề cần trao đổi và muốn nghe ý kiến của WHO, CDC Khu vực Đông Nam Á và CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam là: Các giải pháp ứng phó trong phòng, chống dịch COVID-19 với sự xuất hiện của biến chủng Omicron; Công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, trong đó có tiêm cho trẻ em; Vấn đề điều trị, giảm tử vong ở bệnh nhân COVID-19.
Bộ Y tế và WHO, CDC đã cùng bàn bạc việc tăng cường đẩy mạnh việc giám sát ssối với biến chủng Omicron. Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, đến sáng 30/11, Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 với biến chủng này. Ngay sau khi có thông tin về biến chủng Omicron, để chủ động ứng phó và kiểm soát tình hình dịch COVID-19 trong nước và đồng thời ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng mới Omicron vào Việt Nam từ các quốc gia đã ghi nhận và lây lan biến chủng mới, ngày 28/11, Bộ Y tế đã đề xuất với Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến, đi về từ các quốc gia nói trên.
WHO và CDC Khu vực Đông Nam Á và CDC Hoa Kỳ đều nhấn mạnh đến 4 yếu tố trong việc kiểm soát và ứng phó với biến chủng Omicron, bao gồm: Tăng cường giám sát và xét nghiệm để phát hiện sớm ca bệnh có biến chủng mới Omicron; Đẩy mạnh công tác tiêm chủng để bao phủ vaccine phòng COVID-19; Tăng cường hệ thống y tế, trong đó chú trọng y tế cơ sở, nhằm nâng cao năng lực ứng phó trong điều trị khi tình huống khi ca bệnh tăng cao, trong đó có ca bệnh mang biến chủng Omicron; Đẩy mạnh công tác truyền thông về các biện pháp phòng chống dịch, công bố thông tin rộng rãi về kết quả giải trình tự gene các ca bệnh COVID-19 để các nhà khoa học có thêm thông tin nghiên cứu về biến chủng mới.
Bộ Y tế cử 14 bệnh viện trung ương hỗ trợ 11 tỉnh, thành phố phía Nam điều trị COVID-19
Ngày 30/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký quyết định phân công 14 bệnh viện tuyến trên trực tiếp hỗ trợ chuyên môn trong quản lý, điều trị COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh và 10 tỉnh phía Nam. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế phân công các bệnh viện tuyến trên trực tiếp hỗ trợ chuyên môn trong quản lý, điều trị COVID-19 tại các tỉnh, thành phố gồm:
Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Thống Nhất tiếp tục hỗ trợ chuyên môn về hồi sức tích cực cho các cơ sở y tế của Thành phố Hồ Chí Minh.
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phụ trách hỗ trợ chuyên môn về hồi sức tích cực điều trị người bệnh COVID-19 cho các cơ sở y tế của tỉnh Bình Dương.
Bệnh viện Phổi Trung ương phụ trách hỗ trợ chuyên môn về hồi sức tích cực điều trị người bệnh COVID-19 cho các cơ sở y tế của tỉnh Đồng Nai.
Bệnh viện Lão khoa Trung ương hỗ trợ chuyên môn về hồi sức tích cực điều trị người bệnh COVID-19 cho các cơ sở y tế của tỉnh Đồng Tháp.
Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên phụ trách hỗ trợ chuyên môn về hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 cho cơ sở y tế của tỉnh Long An.
Bệnh viện Hữu Nghị phụ trách hỗ trợ chuyên môn về hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 cho cơ sở y tế của tỉnh Tiền Giang.
Bệnh viện K phụ trách hỗ trợ chuyên môn về hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 cho cơ sở y tế của tỉnh Kiên Giang.
Bệnh viện E phụ trách hỗ trợ chuyên môn về hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 cho cơ sở y tế của tỉnh Tây Ninh. Bệnh viện Nội tiết Trung ương phụ trách hỗ trợ chuyên môn về hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 cho cơ sở y tế của tỉnh Sóc Trăng.
Bệnh viện Nhi Trung ương phụ trách chuyên môn về hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 cho cơ sở y tế của tỉnh Vĩnh Long. Bệnh viện Bạch Mai phụ trách hỗ trợ chuyên môn về hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 cho cơ sở y tế của tỉnh An Giang.
Tại quyết định nói trên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu các bệnh viện tuyến trên theo phân công chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ đánh giá, tổ chức thu dung điều trị, các điều kiện hiện có về giường bệnh, hệ thống oxy, trang thiết bị, thuốc, vật tư, nhân lực của các cơ sở y tế để xác định những khó khăn, bất cập và đề xuất với Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch tỉnh, thành phố để chỉ đạo và hỗ trợ khắc phục.
Hà Nội quyết định thí điểm điều trị cho F0 không triệu chứng tại nhà
Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội, hiện nay, dịch bệnh trên địa bàn Thành phố đang được kiểm soát, tuy nhiên có nguy cơ bùng phát và có thể xuất hiện nhiều các ca bệnh mới do mầm bệnh tồn tại ngoài cộng đồng, còn những ca bệnh chưa được phát hiện; dịch xâm nhập từ bên ngoài, tỉnh, thành phố có dịch, người nhập cảnh vào Việt Nam và Hà Nội; tâm lý chủ quan của một số bộ phận người dân, cơ quan, đơn vị. Chủng vi rút biến thể lây lan nhanh khó lường (hiện Việt Nam đã có 7 biến thể).
Đáng chú ý, tỷ lệ F1 chuyển thành F0 có xu hướng gia tăng nhanh. Trước diễn biến mới của dịch COVID-19 trên địa bàn, Thường trực Thành ủy Hà Nội nhất trí với đề xuất quản lý, điều trị, cách ly F0 thể nhẹ tại nhà; củng cố hệ thống y tế cơ sở, huy động các lực lượng y tế và tăng cường tập huấn , hướng dẫn đối với lực lượng y tế cơ sở; Triển khai quản lý, điều trị, cách ly F0 thể nhẹ tại nhà khi đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của ngành y tế; Chuẩn bị sẵn sàng các phương án theo dõi, phân luồng, cơ số thuốc điều trị để hạn chế tối đa bệnh nhân phải chuyển tầng điều trị; Thường xuyên cập nhật trên phần mềm theo dõi, quản lý F0 của Thành phố.