Tổng hợp COVID-19: Từ ngày 23/8 TP Hồ Chí Minh thực hiện ‘ai ở đâu ở yên đó’, Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội đến ngày 6/9

Ngày 20/8, cả nước ghi nhận 10.657 ca mắc mới và đã có 12.756 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, từ ngày 23/8 người dân Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện quy định về giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó”. Thành uỷ Hà Nội đồng ý chủ trương tiếp tục giãn cách xã hội đến 6 giờ ngày 6/9/2021.

Chú thích ảnh
Các trường hợp F0 được đưa đi cách ly y tế. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Ghi nhận 10.657 ca mắc mới  

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tính từ 19 giờ ngày 19/8 đến 18 giờ 30 ngày 20/8, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 10.657 ca mắc mới, trong đó 7 ca nhập cảnh và 10.650 ca trong nước. Như vậy trong 24 giờ qua, số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 11 ca. Tỉnh Bình Dương tăng 9 ca, Thành phố Hồ Chí Minh giảm 1.050 ca, Đồng Nai tăng 29 ca, Long An giảm 50 ca, Tiền Giang giảm 111 ca.

Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 323.2 ca mắc, đứng thứ 72/222 quốc gia và vùng lãnh thổ; ở tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 169/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.288 ca nhiễm). Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 319.209 ca, trong đó có 130.041 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Cả nước có 7/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước là: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Hải Phòng, Yên Bái. Ba tỉnh không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua là: Kon Tum, Hà Giang, Thái Bình. Năm tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là Thành phố Hồ Chí Minh (164.524 ca), Bình Dương (55.601 ca), Long An (16.552 ca), Đồng Nai (15.602 ca), Tiền Giang (5.619 ca), Đồng Tháp (5.554 ca).

Trong ngày 20/8, cả nước có 12.756 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 132.815 ca. 666 bệnh nhân nặng đang điều trị ICU; 24 ca nguy kịch đang điều trị ECMO.

Cũng trong ngày 20/8, Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thông báo: Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận 390 ca tử vong. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh (312 ca), Bình Dương (41 ca), Long An (8 ca), Đồng Nai, Tiền Giang (mỗi địa phương 7 ca), Khánh Hòa, Sóc Trăng (mỗi địa phương 3 ca), Cần Thơ (2 ca), Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bình Thuận , Hải Dương, Nam Định, Trà Vinh (mỗi địa phương 1 ca).  

Tính đến ngày 20/8, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam là 7.540 ca, chiếm 2,3% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới.  Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 178.0 xét nghiệm cho 376.152 lượt người. Từ ngày 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm 9.056.328 mẫu cho 26.1.265 lượt người.

TP Hồ Chí Minh thực hiện quy định về giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó”

Chiều 20/8, Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ về thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các tỉnh phía Nam đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh về triển khai kết luận của Thủ tướng Chính phủ (tại cuộc họp tối 19/8) trong cách tổ chức, phối hợp giữa các lực lượng, nhằm thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, đồng thời đảm bảo vấn đề an sinh, trật tự xã hội, nhất là việc người dân được tiếp cận dịch vụ y tế mọi lúc, mọi nơi.

Chú thích ảnh
Các tình nguyện viên chuẩn bị đưa Trạm y tế lưu động số 1 vào vận hành phục vụ chăm sóc sức khỏe cho các trường hợp bị nhiễm COVID-19 trên địa bàn phường 11, Quận 3. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Phạm Thị Thắng cho biết, từ ngày 23/8, người dân Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện quy định về giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó”, nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, khu phố/ấp cách ly khu phố/ấp, phường/xã/thị trấn cách ly phường/xã/thị trấn”.

Triển khai việc không phát phiếu đi chợ trong thời gian tới, Thành phố đang chỉ đạo Sở Công Thương, phối hợp 24 quận, huyện, thành phố Thủ Đức và triển khai xuống phường/xã để thống kê số lượng cửa hàng tiện lợi, tiện ích cũng như khảo sát nhu cầu của người dân; từ đó siết chặt hơn một bước không để người dân tự đi chợ mà tổ chức "cung ứng" theo hai hình thức (người dân tự trả tiền và được hỗ trợ miễn phí).  

Liên quan đến vấn đề này, Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ cho biết, lực lượng Quân đội sẽ lập các đội công tác, phối hợp với Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… các cấp để vừa làm công tác tuyên truyền, vừa giám sát thực hiện cách ly; chuyển gói an sinh, lương thực, thực phẩm đến tận từng nhà dân.

Ngoài ra, lực lượng quân y sẽ cùng với các Trạm Y tế lưu động, Tổ Y tế cộng đồng tham gia điều trị, hỗ trợ y tế cho người mắc COVID-19 đang điều trị tại nhà cũng như các trường hợp y tế khẩn cấp khác. Để đảm bảo lương thực, thực phẩm cho gần 10 triệu người dân trong 15 ngày, Thượng tướng Võ Minh Lương đề nghị các bộ, ngành, trong đó có lực lượng bộ đội, công an, ngành Công Thương hợp tác giải quyết vấn đề này.

Trên tinh thần “chống dịch phải an dân”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên yêu cầu hạn chế thiệt hại, ảnh hưởng đến người dân nói riêng, công tác an sinh xã hội nói chung. Các hành động vào cuộc phải tương xứng với biện pháp, mục tiêu đã đề ra. Toàn hệ thống chính trị của Thành phố sẽ quyết tâm cao nhất để chống dịch với sự hỗ trợ của lực lượng quân đội, công an, các bộ, ngành Trung ương…

Bí thư Thành ủy Hồ Chí Minh yêu cầu thực hiện nghiêm giãn cách xã hội để chống dịch (xét nghiệm, bóc tách F0, quản lý điều trị F0 tại nhà, tổ chức tiêm vaccine…) hiệu quả. Cùng với chống dịch, các lực lượng phải lưu ý nhiệm vụ an dân, thông qua chăm sóc y tế, bảo đảm cung ứng hàng hóa, thực phẩm, thuốc men đến tận nhà cho từng người dân, đặc biệt hỗ trợ đầy đủ, “không bỏ sót bất cứ ai”, nhất là người khó khăn, không có điều kiện.

Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại phương châm “rõ - nghiêm - chắc - hiệu quả” ngay từ những ngày đầu Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Trong thời gian tới, Thành phố phải tiếp tục quán triệt phương châm này trong thực hiện giãn cách xã hội, chú ý đảm bảo vấn đề an sinh như ăn ở, y tế… cho người dân.

Tăng cường lực lượng quân y giúp các tỉnh, thành phố phía Nam chống dịch COVID-19

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, ngày 20/8, Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần) - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Bộ Quốc phòng có công điện hỏa tốc về việc tăng cường lực lượng phòng, chống dịch COVID-19 cho Quân khu 7 và các tỉnh phía Nam.

Chú thích ảnh
Bộ Quốc phòng tăng cường lực lượng phòng, chống dịch COVID-19 cho Quân khu 7 và các tỉnh phía Nam. Ảnh: TTXVN

Theo đó, Cục Quân y đề nghị Học viện Quân y huy động 300 bác sỹ và học viên đại học tăng cường cho Quân khu 7 và các tỉnh phía Nam, trong đó có 120 bác sỹ là học viên đang đào tạo sau đại học thuộc các đơn vị của Học viện; 180 học viên đại học từ năm thứ hai trở lên. Số bác sỹ, học viên trên chia thành các tổ, mỗi tổ 5 người gồm 2 bác sỹ và 3 học viên, sẵn sàng lên đường ngay khi có lệnh. Học viện Quân y lập danh sách chia tổ cụ thể và báo cáo về Cục Quân y và danh sách toàn bộ lực lượng tăng cường báo cáo về Cục Vận tải (Tổng cục Hậu cần).

Lực lượng tăng cường này sẽ có nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm, tiêm phòng vaccine; quản lý, điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu các bệnh thông thường, quản lý, chăm sóc các trường hợp F0 cách ly, điều trị tại gia đình, phối hợp vận chuyển, chuyển tuyến khi có yêu cầu và thực hiện các nhiệm vụ khác khi được giao. Học viện Quân y có nhiệm vụ tổ chức tập huấn, huấn luyện chuyên môn nghiệp vụ theo nhiệm vụ cho số bác sỹ, học viên trên.  

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng chủ trương tiếp tục thành lập các bệnh viện dã chiến để thu dung, điều trị bệnh nhân trên địa bàn này. Nhằm kịp thời cơ động lực lượng cán bộ, nhân viên quân y và các trang thiết bị đến các địa bàn có dịch, cùng ngày, Cục Vận tải (Tổng cục Hậu cần) đã có văn bản về việc vận chuyển lực lượng cán bộ, nhân viên y tế chi viện phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Theo đó, từ 21 - 23/8, dự kiến sẽ có thêm 1.000 cán bộ, nhân viên quân y và các trang thiết bị được vận chuyển vào Nam chống dịch theo đường hàng không (từ sân bay Nội Bài vào sân bay Tân Sơn Nhất). Tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trong vùng dịch, trước đó, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Tổng cục Hậu cần, Quân khu 7 và Quân khu 9 triển khai thành lập 7 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn phía Nam. Theo Cục Quân y, tại TP Hồ Chí Minh, lực lượng quân y tham gia chống dịch hiện có khoảng trên 2.000 cán bộ, y bác sỹ, nhân viên...

Thành uỷ Hà Nội đồng ý chủ trương tiếp tục giãn cách xã hội đến 6 giờ ngày 6/9/2021

Chiều 20/8, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội chủ trì cuộc họp thông tin về các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố. Thông tin từ cuộc họp: Thành uỷ Hà Nội đồng ý chủ trương tiếp tục giãn cách xã hội đến 6 giờ ngày 6/9/2021 trên toàn thành phố.

Chú thích ảnh
Toà nhà HH4C Linh Đàm (giữa) bị phong tỏa. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Trước diễn biến mới của dịch COVID-19, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá cao mô hình "vùng xanh", huy động được lực lượng rất lớn nhân dân tham gia. Tuy nhiên, Phó Bí thư Thành ủy cho rằng, dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng nguy cơ vẫn rất cao. Vẫn còn có F0 trong cộng đồng; dịch bệnh ở phía Nam và các tỉnh lân cận vẫn diễn biến phức tạp; một số mục tiêu của việc giãn cách đặt ra như hạn chế mức thấp nhất người ra đường vẫn chưa đạt được.  

Trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy đồng ý với đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND Thành phố: Tiếp tục giãn cách sau ngày 23/8 đến 6 giờ ngày 6/9/2021. Giao Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo UBND Thành phố ban hành Công điện mới về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 17 của UBND Thành phố trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, mục tiêu trong giai đoạn tới là tận dụng ngày giãn cách xã hội để tiếp tục đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng, trọng tâm để bóc tách F0; tăng cường tiêm vaccine; nâng cao năng lực của y tế Thủ đô để chủ động hơn một bước, chuẩn bị cao hơn một bước so với thực tế để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh. Thành phố cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện các nội dung công việc còn bộc lộ hạn chế trong thời gian vừa qua, như thực hiện giãn cách nhưng trên thực tế lượng người ra đường vẫn còn đông.

"Việc này Thành phố đã giao Công an Thành phố có đánh giá cụ thể về lượng người ra đường, giấy tờ cấp cho người đi đường, đối tượng ra đường để tổng hợp, tham mưu với Sở chỉ huy phòng, chống dịch của Thành phố về giải pháp phù hợp hơn, sát tình hình thực tiễn hơn, đảm bảo giãn cách quyết liệt, thực chất và hiệu quả hơn nữa", ông Nguyễn Văn Phong nêu rõ.

TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ 10 nhóm đối tượng ngoài Nghị quyết của Chính phủ. Chính sách này được người dân hết sức hoan nghênh. Đáng chú ý, Thành phố đã có chủ trương sau khi dịch bệnh giảm đi, Thành phố sẽ dùng 500 tỷ đồng từ vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho các doanh nghiệp vay hỗ trợ giải quyết việc làm.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Phong, Thành phố cũng triển khai hỗ trợ một số nước bạn trong phòng, chống dịch; hỗ trợ bằng tiền mặt, trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm cho thành phố Hồ Chí Minh và 18 tỉnh, thành phố phía Nam. Hà Nội cũng cảm ơn sự hỗ trợ của các tỉnh, thành bạn, đã chia sẻ một phần khó khăn đối với Hà Nội trong thời gian qua.

Chuyển 200 máy thở chức năng cao vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam  

Ngày 20/8, Bộ Y tế đã tiếp nhận 200 máy thở chức năng cao do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trao tặng phục vụ công tác điều trị bệnh nhân COVID-19. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, ngay trong ngày, 200 máy thở này sẽ được chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để phục vụ công tác điều trị.  Thay mặt ngành y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trân trọng cảm ơn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có nhiều hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho công tác phòng chống dịch.  

Chú thích ảnh
Chiếc xe xét nghiệm lưu động do Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tặng Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN phát

Do đặc thù của đợt dịch COVID-19 thứ 4, Bộ Y tế đã tiến hành phân tầng điều trị theo 3 tầng. Tầng 1 là chăm sóc, điều trị và quản lý F0 có điều kiện tại nhà và tại các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu. Tầng 2, các địa phương đã và đang mở rộng quy mô giường bệnh để người bệnh có thêm giường điều trị. Tầng 3 là tầng điều trị cao nhất, dành cho bệnh nhân nặng, rất nặng cần đến máy thở nhiều.  

Ở tầng điều trị này, Bộ Y tế lập 1 Bệnh viện hồi sức COVID-19 ( hiện công suất 1.000 giường đã lấp đầy) và 4 Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quy mô 500 giường một trung tâm do 4 Bệnh viện tuyến trung ương (Bệnh viện Việt Đức; Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh) vận hành, chịu trách nhiệm về chuyên môn. Tại các trung tâm này, hầu như đều là bệnh nhân nặng, rất nặng, do đó hồi sức cho bệnh nhân rất quan trọng.

Với số lượng ca bệnh tăng nhanh chóng, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam phải tập trung cao độ cho công tác điều trị. Để đồng hành và hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam, Bộ Y tế đã huy động lực lượng lớn khoảng hơn 13.000 cán bộ y tế hỗ trợ chống dịch COVID-19; đồng thời chuyển đến nhiều trang thiết bị phục vụ điều trị.  

Bộ Y tế đã trao đổi và thống nhất thiết lập mô hình trạm y tế lưu động tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam với 2 nhiệm vụ là chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân trên địa bàn và thăm khám, tổ chức sơ cứu các trường hợp bệnh ngoài COVID-19, kết nối, chuyển tuyến; tổ chức điều trị, chăm sóc các ca F0.  

Về vấn đề máy thở cho người bệnh, Bộ Y tế phối hợp với nhiều bộ, ngành tiến hành đàm phán để mua nhưng cũng gặp khó khăn vì tình hình dịch bệnh phức tạp trên thế giới. Do đó việc có thêm 200 máy thở phục vụ điều trị bệnh nhân nặng là vô cùng cần thiết.  

Trong đợt dịch thứ 4 này, Bộ Y tế thiết lập Kho dã chiến tại Thành phố Hồ Chí Minh để tập kết vật tư, trang thiết bị y tế hỗ trợ. Từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay, Bộ Y tế đã cấp phát 4.975 máy thở (trong đó có 4080 máy HFNC), 191 máy xét nghiệm RT-PCR, 93 máy tách chiết, 10 máy ECMO, 50 máy lọc máu và hàng triệu sinh phẩm xét nghiệm cho công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam...  

Chú thích ảnh
Đến nay đã có gần 1.000 cán bộ, bác sĩ, sinh viên Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên chi viện cho các tỉnh chống dịch COVID-19. Ảnh: Trần Trang/TTXVN

Hỗ trợ nhân lực y tế cho các tỉnh, thành phố phía Nam chống dịch COVID-19

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn vừa ký Công văn số 5766/VPCP-KGVX về việc hỗ trợ nhân lực y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.  

Trước tình hình dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam đang diễn biến rất phức tạp. Để hỗ trợ các địa phương này nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương huy động nhân lực y tế (bác sỹ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên) tăng cường cho Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam. Nội dung công văn nhấn mạnh đây là nhiệm vụ rất quan trọng, cấp bách, thời gian rất khẩn trương; đồng thời đề nghị gửi danh sách cán bộ y tế về Bộ Y tế trước 14h00 ngày 21/8/2021 để tổ chức điều phối hỗ trợ cho các địa phương.     

V.T/Báo Tin tức
Thuốc Remdesivir đang được sử dụng trong điều trị bệnh nhân COVID-19 như thế nào?
Thuốc Remdesivir đang được sử dụng trong điều trị bệnh nhân COVID-19 như thế nào?

Nhiều người đặt câu hỏi, có phải bệnh nhân COVID-19 nào cũng có thể điều trị bằng thuộc thuốc Remdesivir?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN