Tiếp công dân gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo
Đại biểu Quách Thế Tản (Hòa Bình) nêu câu hỏi: Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tiếp công dân định kỳ của chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp hầu hết chưa đạt yêu cầu theo quy định của Luật Tiếp công dân; đối thoại với công dân còn hình thức, kết quả giải quyết vụ việc chưa cao và còn nhiều vụ việc khiếu kiện đông người vượt cấp. Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng có nhận định tương tự. Đại biểu đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng này.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái thừa nhận, bên cạnh những địa phương, bộ, ngành làm tốt công tác tiếp công dân, vẫn còn một số người đứng đầu không thực hiện nghiêm quy định của Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, nhất là về thời gian tiếp công dân, số lượng tiếp công dân trong một năm, việc tiếp nhận và xử lý đơn thư, thời hạn ra quyết định giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo…
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, những vấn đề này cần được thực hiện nghiêm trong thời gian tới. Cụ thể, cần thực hiện nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan của Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, huyện, xã. Theo đó, Chủ tịch UBND xã tiếp công dân mỗi tuần một ngày, Chủ tịch UBND huyện tiếp công dân mỗi tháng 2 ngày, Chủ tịch UBND tỉnh thì mỗi tháng tiếp một ngày.
Đồng thời, cần tăng cường tiếp công dân để phát hiện những khiếu nại, tố cáo, chấn chỉnh những thiếu sót và sai phạm; xử lý nghiêm những hành vi sai sót theo quy định của luật cũng như trách nhiệm của người đứng đầu. Mặt khác, để nhân dân giám sát kết quả thanh tra và đánh giá đầy đủ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cần phải công khai những nơi làm tốt, nơi làm không tốt.
Bên cạnh đó, việc tiếp công dân phải gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo, nếu chỉ tiếp mà không giải quyết khiếu nại, tố cáo thì không đạt yêu cầu. Do vậy phải nâng cao chất lượng tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, nhất là trong việc chấp hành pháp luật về đất đai.
Cần sửa Luật Thanh tra
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ về tình trạng thanh tra chồng chéo, trùng lắp khiến doanh nghiệp hàng năm phải tiếp rất nhiều đơn vị thanh tra. "Phải xử lý vấn đề này như thế nào?", đại biểu đặt câu hỏi.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, thanh tra nhà nước hoạt động theo Luật Thanh tra, trong hệ thống có Thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh, huyện, thanh tra các bộ, ngành và thanh tra chuyên ngành thuộc Sở. Hoạt động kiểm toán được điều chỉnh bởi Luật Kiểm toán Nhà nước. Việc chồng chéo, trùng lắp giữa hoạt động thanh tra và kiểm toán có thể xảy ra ở cả khu vực nhà nước cũng như khu vực ngoài nhà nước.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, Điều 16 Luật Thanh tra quy định Tổng Thanh tra Chính phủ có nhiệm vụ chủ trì xử lý sự chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động của hệ thống thanh tra nhà nước. "Với vai trò này, hàng năm Thanh tra Chính phủ có định hướng đối với toàn hệ thống thanh tra kể cả thanh tra nhà nước và thanh tra tỉnh. Việc tổ chức thực hiện, chọn đối tượng cụ thể, nếu có chồng chéo giữa các bộ thì tự xử lý với nhau, không xử lý được Tổng Thanh tra Chính phủ sẽ xử lý", ông Lê Minh Khái nêu rõ.
Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước đã có Quy chế phối hợp. Hai bên sẽ trao đổi với nhau trước khi xây dựng kế hoạch trên tinh thần định hướng chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ. "Chúng tôi chia sẻ thông tin và thống nhất với nhau kế hoạch thanh tra và kiểm toán để tránh chồng chéo, trùng lắp", ông Khái nói.
Nhấn mạnh việc kiên quyết xử lý sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra và kiểm toán, Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng trước mắt phải sửa Luật Thanh tra. Đồng thời nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 01/2014/TT-TTCP quy định việc xây dựng, phê duyệt định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra và Thông tư 05/2014/TT-TTCP quy định về tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác của đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra; nghiên cứu tổng kết quy chế phối hợp với Kiểm toán Nhà nước để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.