27 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng
Theo báo cáo công tác 6 tháng đầu năm 2023, Thanh tra Chính phủ cho biết thanh tra toàn ngành đã triển khai hơn 4.000 cuộc thanh tra hành chính và 94.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra, đã phát hiện vi phạm về kinh tế gần 179.000 tỉ đồng, 404 ha đất, trong đó kiến nghị thu hồi 148.000 tỉ đồng và 9 ha đất. Cơ quan thanh tra đã chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 208 vụ, 316 đối tượng có sai phạm bị phát hiện trong quá trình thanh tra. Một số địa phương được liệt kê do phát hiện nhiều vi phạm ở các lĩnh vực gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Nghệ An… Theo cơ quan thanh tra, các cấp ngành đã chuyển đổi vị trí công tác đối với 26.000 cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng.
Đáng chú ý, 27 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, đã xử lý kỷ luật 18 người. Trong 6 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã phát hiện 49 vụ việc tham nhũng (tăng 63,3%), 72 người (tăng 80%). Trong đó, hoạt động kiểm tra nội bộ đã phát hiện 7 vụ, 14 người; hoạt động thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 26 vụ, 45 người. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 13 vụ, 13 người liên quan đến tham nhũng.
Cơ quan thanh tra cho biết có hơn 272.000 người đã thực hiện kê khai tài sản, thu nhập. Cơ quan chức năng tiến hành xác minh hơn 4.400 người kê khai tài sản, thu nhập. Hai người bị kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.
Đánh giá về công tác hoạt động toàn ngành Thanh tra, Thanh tra Chính phủ cho rằng, Thanh tra các bộ, ngành, địa phương bám sát định hướng và sự chỉ đạo. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Một số cuộc thanh tra còn kéo dài khi xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra.
"Việc thực hiện kết luận, kiến nghị về thanh tra, nhất là tỉ lệ thu hồi tiền, tài sản có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra" - báo cáo của Thanh tra Chính phủ nêu rõ.
Một số nội dung theo kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng triển khai còn chậm. Nguyên nhân là một số quy định còn thiếu hoặc bộc lộ bất cập. Trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức thanh tra còn hạn chế, tinh thần, trách nhiệm chưa cao, có trường hợp vi phạm, tiêu cực; sự phối hợp, kết hợp trong công tác thanh tra còn chưa chặt chẽ...
Khẩn trương chuyển cơ quan điều tra vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự
Kết luận hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong khẳng định: 6 tháng đầu năm 2023, Thanh tra Chính phủ và toàn ngành Thanh tra đã nỗ lực cố gắng, khắc phục mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều kết quả tích cực trên các mặt công tác.
Về công tác thanh tra, Thanh tra các cấp, các ngành đã tổ chức thực hiện đẩy nhanh tiến độ và nâng cao được chất lượng các cuộc thanh tra so với cùng kỳ năm 2022. Qua thanh tra đã chấn chỉnh khắc phục nhiều bất cập, sơ hở trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và kiến nghị bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật trên nhiều lĩnh vực.
Tổng Thanh tra Chính phủ dẫn chứng những kết quả đạt được như: Số cuộc thanh tra, kiểm tra tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2022. Số tiền, tài sản vi phạm phát hiện qua thanh tra tăng hơn 6 lần (615%), trong đó, số tiền kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước tăng 13 lần (1.343%). Số vụ việc, đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự chuyển cơ quan điều tra tăng 49 vụ (30%), tăng 277 đối tượng (255%).
Công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra tiếp tục có chuyển biến tích cực. Số kết luận thanh tra được đôn đốc, kiểm tra tăng 110%. Số kết luận thanh tra đã hoàn thành toàn bộ các nội dung phải thực hiện tăng 149% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngành Thanh tra đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để tiếp công dân, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài, góp phần ổn định an ninh, trật tự.
Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, qua thanh tra đã phát hiện, chuyển Cơ quan điều tra số vụ việc, đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự 6 tháng đầu năm tăng 49 vụ (30%), tăng 277 đối tượng (255%). Việc xác minh kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn tăng 2.826 người (176,5%) và đã phát hiện, kiến nghị xử lý nhiều trường hợp kê khai tài sản, thu nhập thiếu trung thực...
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của ngành Thanh tra vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, cán bộ, công chức, viên chức ngành Thanh tra, đặc biệt là các lãnh đạo cơ quan, đơn vị cần nghiêm túc nhìn nhận lại, nhất là nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế thực tiễn ở cơ quan, đơn vị nơi mình đang công tác để nghiên cứu, có những giải pháp hữu hiệu, nhằm sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế đó để góp phần hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị, trong thời gian tới, ngành Thanh tra cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp chỉ đạo, điều hành, tạo sự chuyển biến tích cực, quyết tâm, quyết liệt, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ năm 2023.
Toàn ngành Thanh tra tiếp tục bám sát định hướng chương trình thanh tra năm 2023, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra và việc phát hiện, xử lý vi phạm qua thanh tra.
Tổng Thanh tra nhấn mạnh về việc tăng cường hơn nữa công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra, nhất là về tiền, tài sản, đất đai và xử lý cán bộ vi phạm; đồng thời tập trung hoàn thiện Đề án 153 “Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố” theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ.
Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố làm tốt công tác tiếp công dân, chủ động nắm bắt tình hình khiếu kiện của công dân, tập trung giải quyết ngay từ cơ sở; tiếp tục rà soát, giải quyết đứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài. Trong quá trình thực hiện, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ và các ban, bộ ngành Trung ương với quyết tâm không để phát sinh “điểm nóng” về khiếu nại, tố cáo, góp phần bảo đảm ổn định chính trị, xã hội, an ninh, trật tự phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương.
Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị: "Khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, khẩn trương chuyển cơ quan điều tra xử lý, không chờ ban hành kết luận thanh tra; tập trung ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong thực thi công vụ".
Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị tiếp tục củng cố và xây dựng bộ máy thanh tra tinh gọn, hoạt động hiệu quả, hiệu lực, xây dựng lực lượng cán bộ thanh tra chuyên nghiệp, kỷ cương, trách nhiệm, liêm chính, có bản lĩnh, đi đầu trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nội bộ, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm, nhất là đối với việc chấp hành các quy định của Đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra theo yêu cầu "phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực".