Theo Sở Tư pháp thành phố, trường hợp trẻ mồ côi, trẻ không ai nuôi dưỡng do mất cha, mẹ, người thân vì dịch bệnh COVID-19, chính quyền phường, xã, thị trấn nơi trẻ em cư trú phải hỗ trợ, nuôi dưỡng. Đồng thời, quyết định các biện pháp chăm sóc thay thế, đăng ký giám hộ cho trẻ theo quy định.
Trong trường hợp trẻ không có người giám hộ, địa phương cử người giám hộ. Trình tự, thủ tục việc đăng ký giám hộ, cử người giám hộ được thực hiện theo quy định của Luật Hộ tịch. Nếu chưa thực hiện được các biện pháp chăm sóc thay thế cho trẻ, địa phương phải thực hiện tốt nhất các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, quản lý tài sản của trẻ trong thời gian chưa tìm được người giám hộ.
Đối với di sản do cha, mẹ, người thân của trẻ bị mất để lại, Sở Tư pháp đề nghị Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn thực hiện công tác quản lý trong trường hợp chưa xác định được người thừa kế, người quản lý di sản và giao lại di sản khi có yêu cầu của người thừa kế theo quy định. Công tác quản lý di sản trong trường hợp chưa xác định được người thừa kế, người quản lý di sản được thực hiện theo khoản 1, Điều 617 Bộ luật Dân sự.
Trước đó, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã yêu cầu chính quyền các quận, huyện và thành phố Thủ Đức rà soát, lập danh sách cụ thể từng trường họp trẻ em mồ côi mất cha, mẹ và mất cả cha lẫn mẹ; tổ chức thăm hỏi, động viên, nắm bắt nguyện vọng của người thân đang nuôi dưỡng để thành phố xây dựng chính sách chăm lo, nuôi dưỡng, hỗ trợ các trẻ từ nhỏ đến khi trưởng thành.
Hiện thành phố có nhiều trường hợp trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ trong đại dịch COVID-19, gia đình, người thân chưa kịp về nên các địa phương đang thu xếp, tính toán những kế hoạch chi tiết về việc quản lý, giữ gìn tài sản trước mắt cho các trẻ. Về cách thức, phương hướng hỗ trợ đối với trẻ em rơi vào cảnh mồ côi do dịch COVID-19, lãnh đạo thành phố cho biết, sẽ tính toán chu toàn nhất để các em nhỏ có chỗ dựa, phát triển lâu dài, không phải chịu thiệt thòi.