Đó là nhận định của ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết khi nói về thực trạng sử dụng đất công trên địa bàn thành phố.
Nhiều khu đất công đang được cho doanh nghiệp thuê lại để tăng nguồn thu ngân sách trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. |
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, thành phố phát triển các dự án dựa vào kế hoạch do Chính phủ phê duyệt. Thời gian qua thành phố nỗ lực chuyển mục đích sử dụng đối với hơn 4.000 dự án, nhiều diện tích đất đưa sang xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân… Mặc dù nỗ lực triển khai các dự án phát triển, tuy nhiên có tình trạng nhà đầu tư chậm triển khai dự án gây lãng phí cho người dân, thất thu ngân sách. Thậm chí, nhiều đơn vị cho thuê lại mặt bằng, hoặc sử dụng không đúng mục đích, công năng. Theo đó, giai đoạn 2016 – 2020, thành phố có 2.000 dự án thì các dự án mang tính xã hội chiếm 46%, tuy nhiên có 40 – 60 dự án giao triển khai cho lĩnh vực này nhưng chậm xây dựng.
Nhiều sở, ngành, quận huyện cũng thừa nhận có tình trạng đất công chậm triển khai dự án, sử dụng không đúng mục đích, trong khi đất dành cho giáo dục, y tế, văn hóa ở địa phương vẫn còn thiếu. Việc thu hồi đất công chậm triển khai là do các đơn vị sử dụng không đúng mục đích, công năng, như cho thuê một phần hoặc toàn bộ nhà đất, bị chiếm dụng một phần diện tích, đang có khiếu nại tranh chấp tại tòa…
Ông Bùi Thanh Tân, Phó Chủ tịch UBND quận 4, cho biết trên địa bàn tồn tại 4 trường hợp đất công rất vô lý. Đất công này là các tổ chức kinh tế thuê lại, nhưng không còn sử dụng mặt bằng phục vụ cho việc kinh doanh hơn chục năm nay nhưng quận không thể xử phạt hoặc thu hồi được. Nguyên nhân là các trường hợp này đang thực hiện thủ tục phá sản tại tòa. Ví dụ như khu đất số 131 Nguyễn Khoái do Công ty nuôi trồng thủy sản sử dụng, TAND TP Hồ Chí Minh đã mở thủ tục phá sản từ tháng 7/2005, đến nay công ty vẫn sử dụng mặt bằng và đem cho thuê lại.
Trong khi đó, theo thống kê của Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố có 12.832 địa chỉ nhà, đất công. Thành phố quản lý hơn 10.800 địa chỉ, còn lại là do các cơ quan trung ương quản lý. Trong số này có hơn 7.900 địa chỉ tiếp tục sử dụng, 320 địa chỉ phải thu hồi và gần 1.750 địa chỉ được duyệt bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất của cả hai khối trung ương và TP Hồ Chí Minh. Vừa qua, những địa chỉ đất công trên đã bán đấu giá và chuyển nhượng quyền sử dụng đất 423/9 mặt bằng, thu được hơn 3.800 tỷ đồng. Bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các tổ chức đang thuê 167/569 địa chỉ, thu gần 4.000 tỷ đồng.
Bà Trương Lê Mỹ Ngọc, Phó Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP Hồ Chí Minh, cho rằng bài toán đất công sử dụng sai mục đích cần được giải quyết nhanh chóng, tránh gây lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước tăng. Hiện nay, nguồn đất phát triển cơ sở hạ tầng cho ngành y tế, giáo dục, văn hóa đang thiếu, việc xử lý các đất công sử dụng sai mục đích, bỏ hoang… sẽ giúp các đơn vị sở ngành trên có nguồn đất sạch để nâng cao đời sống tinh thần, văn hóa, giáo dục cho người dân.
Liên quan đến vấn đề sử dụng đất công trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cũng đã yêu cầu các sở, ngành liên quan nhanh chóng xem lại những dự án đất công đã “xí phần” nhưng bỏ hoang, cho thuê... để có những kiến nghị giải pháp giải quyết, nếu thuộc cấp thành phố xử lý thì cần xử lý, giải quyết ngay. Nếu thuộc thẩm quyền của cấp cao hơn thì thành phố sẽ có văn bản kiến nghị cấp trên để tìm hướng giải quyết nhanh nhất.
"Trước mắt, Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên Môi trường cần tập trung rà soát lại tất cả dự án để xem dự án nào thực hiện được và dự án nào không thực hiện đang bỏ hoang, hay sử dụng sai mục đích. Đối với những dự án không thực hiện được phải tính toán lại không để tình trạng trục lợi từ các dự án phát triển, tránh lãng phí, gây thất thoát tài sản của nhà nước", ông Phong chỉ đạo.