Tối 30 Tết, đường xá thành phố vốn luôn tấp nập trong ngày cuối năm đã trở nên vắng vẻ hơn so với thường lệ những đêm Giao thừa trước đây. Thay vào đó là không khí quây quần bên người thân, gia đình là không khí “chủ đạo” trong việc đón năm mới.
Để chuẩn bị chào đón năm mới Tân Sửu 2021, đã thành thông lệ hàng năm, khắp các tuyến đường từ trung tâm Thành phố đến ngoại thành cũng được trang hoàng rực rỡ với những thiết kế họa tiết bằng đèn led, hoa cảnh đủ sắc màu, cùng với cờ phướn, pano, áp phích, đặc biệt không thể thiếu cờ đỏ sao vàng năm cánh, cờ đỏ búa liềm. Tất cả tạo không khí Xuân rực rỡ khắp phố phường. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch COVID-19 diễn biến phức tạp vào những ngày cận Tết, chấp hành nghiêm các khuyến cáo của ngành y tế, chính quyền thành phố trong việc thực hiện các quy định về phòng chống dịch bệnh, trong đó có việc hạn chế tập trung đông người, đi lại không cần thiết, người dân Thành phố đã lựa chọn việc đón Giao thừa ở nhà.
Tất bật chuẩn bị mâm cỗ cúng ông bà tổ tiên trong đêm 30 Tết, gia đình anh Phạm Văn Việt, ở phường 8, quận Gò Vấp, chia sẻ: Năm nay các hoạt động đón Giao thừa đều bị hủy bỏ do dịch COVID-19, nên hai vợ chồng quyết định ở nhà, không đi vào trung tâm Thành phố đón Giao thừa như mọi năm. Tuy cũng có chút hụt hẫng nhưng an toàn, thực hiện tốt việc phòng tránh dịch bệnh. Theo anh Việt, năm qua kinh tế, thu nhập cũng có khó khăn hơn mọi năm nên việc chuẩn bị đón Tết cũng đơn giản, gọn nhẹ. Điều quan trọng, vui mừng nhất là mọi thành viên trong gia đình vẫn luôn mạnh khỏe.
Với nhiều gia đình, những kế hoạch chơi Tết phải thay đổi, buộc phải lựa chọn đón Tết ở Thành phố, ở nhà cũng là cơ hội để chuẩn bị trang hoàng nhà cửa, ăn Tết cũng kỹ càng, chăm chút hơn. Vợ chồng anh Lê Văn Ngọc, ở phường Phú Hữu, thành phố Thủ Đức đã quyết định hủy chuyến đi du lịch đi Tây Bắc dịp Tết để ăn Tết ở nhà. Anh Ngọc chia sẻ: Cả nhà dự định sau khi đón giao thừa là lên đường đi du Xuân như mọi năm nhưng đã quyết định hủy vé vào phút cuối do tình hình dịch phức tạp. Kế hoạch thay đổi, hai vợ chồng bắt tay ngay vào việc sắm Tết để ăn Tết tại nhà. Theo anh Ngọc, lựa chọn đón Tết ở nhà cũng là dịp để chăm chút kỹ càng hơn cho không gian đón Tết, chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa, trang trí hoa trái, thực hiện lễ cúng ông bà tổ tiên cũng đầy đủ hơn mọi năm.
Cùng trải qua một năm đầy thách thức với với dịch bệnh, nhiều gia đình có người thân ở các tỉnh thành khác cũng quyết định ở thành phố đón Tết. Chị Nguyễn Thanh Huyền, quê ở Hải Dương, chia sẻ: Mọi năm, gia đình chị thường về quê đón Tết với bố mẹ. Năm nay, do ảnh hưởng dịch COVID-19 ở cả quê và Thành phố nên gia đình chị quyết định “đang ở đâu ở yên đó”. Đón Tết xa quê, xa người thân cũng buồn lắm, nhất là mấy đứa nhỏ rất háo hức về quê với ông bà nội ngoại. “Nhưng dịch dã thế này, ở lại cho an toàn cũng là dịp “thử nếm mùi” không khí Xuân phương Nam ra sao”, chị Huyền vừa hóm hỉnh chia sẻ, vừa chuẩn bị cơm cúng đêm 30 Tết.
Có thể nói, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến mọi mặt của đời sống kinh tế - văn hóa, xã hội, trong đó việc đón Tết cũng không thể tránh khỏi. Việc tổ chức đón Tết, chơi Tết trong bối cảnh dịch bệnh cũng phải thay đổi cho phù hợp với các biện pháp phòng chống dịch.
Trước thềm đón năm mới Tân Sửu 2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cũng đã gửi gắm đến nhân dân Thành phố thông điệp: “Vui Tết tại nhà, từng gia đình, tạo không khí vui tươi, đầm ấm và an lành”, đồng thời “mong các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang... cùng chia sẻ công việc khi dịch bệnh diễn ra đúng dịp Tết”. Lời chia sẻ của người đứng đầu Đảng bộ Thành phố cũng là sự động viên rất lớn đối với những người đang làm nhiệm vụ chống dịch COVID-19 bất kể ngày đêm, trong những ngày Tết.
Tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi – nơi đang điều trị cho 43 bệnh nhân mắc COVID-19, chiều 30 Tháng Chạp không khí cũng rộn rã hơn ngày thường. Bác sỹ Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Bệnh viện Dã chiến Củ Chi cho biết, trong những ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu có 40 cán bộ, nhân viên y tế “trực chiến” tại bệnh viện. Để động viên tinh thần, lãnh đạo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Dã chiến Củ Chi đã chuẩn bị một bữa cơm tất niên nho nhỏ cho toàn thể cán bộ, nhân viên y tế tại đây. Bên cạnh đó không thể thiếu các loại bánh mứt, trái cây để mọi người cùng vui Xuân đón Tết. Riêng đối với các bệnh nhân, do điều kiện phải cách ly nghiêm ngặt nên Bệnh viện hạn chế các hoạt động tập thể, thay vào đó cho phép người nhà tiếp tế các loại thực phẩm, trái cây để người bệnh đón Tết ngay tại phòng bệnh.
“Đây là cái Tết đặc biệt nhất từ trước đến nay của tất cả nhân viên y tế chúng tôi và các bệnh nhân. Năm mới chúng tôi cầu mong các bệnh nhân nhanh chóng khỏi bệnh để sớm trở về nhà, mong hơn nữa là dịch COVID-19 chấm dứt để mọi người đều được đoàn viên với gia đình, người thân”, Bác sỹ Dũng chia sẻ.
Trong điều kiện “bình thường mới”, dịch COVID-19 lây lan trong cộng đồng, một số khu vực ở Thành phố Hồ Chí Minh phải thực hiện việc phong tỏa để kiểm soát dịch bệnh lây lan. Hàng nghìn hộ dân đã phải thực hiện việc “cách ly” với bên ngoài ngay trước Tết cũng gặp khó khăn. Tuy nhiên, với tinh thần “tương thân, tương ái”, chính quyền và cộng đồng đã sẵn sàng chung tay chuẩn bị, chăm lo Tết cho người dân trong khu phong tỏa.
Tại khu vực Mả Lạng, phường Nguyễn Cư Trinh (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), nơi có gần 2.000 hộ dân ảnh hưởng của việc phong tỏa do trong khu vực có người mắc COVID-19, chính quyền địa phương nới đây và người dân, doanh nghiệp xung quanh đã có nhiều hoạt động thiết thực, hỗ trợ người dân trong khu phong tỏa kịp thời. Cán bộ, nhân viên và người dân phường Nguyễn Cư Trinh đã chuẩn bị gói bánh chưng, nấu thịt kho hột vịt và hàng trăm phần quà, thực phẩm cung cấp cho người dân. Tương tự, người dân ở tại hơn 30 điểm phong tỏa ở các nơi trên địa bàn Thành phố cũng được hỗ trợ, đảm bảo được đón Tết đủ đày.
Có lẽ, tất cả đang thực hiện tốt phương châm “Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một tổ chiến đấu; mỗi quận, huyện là một pháo đài vững chắc phòng chống dịch”.
Cùng với câu chuyện của dịch bệnh, với Đảng bộ và chính quyền, nhân dân thành phố mang tên Bác, năm 2020 vừa qua, trong tình hình rất khó khăn nhưng với sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức của nhân dân, doanh nghiệp, quyết tâm thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì và phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh, kinh tế Thành phố dù tăng trưởng thấp nhưng vẫn có những kết quả đáng ghi nhận. Kinh tế Thành phố tăng trưởng dương, đạt 1,39% so với cùng kỳ năm trước; hoạt động thu ngân sách có nhiều nỗ lực, ước tính thu ngân sách năm 2020 là 352.000 tỷ đồng, đạt 86,74% dự toán; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước tính chiếm 35% tổng GRDP. Công tác y tế đã hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, quản lý các bệnh viện. Cùng với đó, công tác chăm lo, hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách được thực hiện thường xuyên, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố được tăng cường và giữ vững.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng tổ chức thành công Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ Thành phố. Đại hội đã thông qua 51 chương trình, đề án để thực hiện 3 chương trình đột phá và 1 chương trình trọng điểm giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng năm 2030. Ngay trước khi bước qua năm Tân Sửu, Thành phố đã hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, gắn với khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là động lực phát triển của Thành phố trong thời gian tới, ghi dấu ấn về việc lần đầu tiên thành lập thành phố trong thành phố trực thuộc Trung ương. Đây được xem là động lực đột phá trong phát triển kinh tế cũng như mô hình chính quyền đô thị của Thành phố thời gian tới, sẽ đóng góp khoảng 30-35% GRDP của Thành phố, tương đương đóng góp 7% GDP quốc gia.
Bước vào năm Tân Sửu 2021, với những nền tảng đạt được trong nhiều năm qua trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, cùng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng với sự chung sức của các tầng lớp nhân dân công tác phòng, chống dịch COVID-19, tất cả người dân Thành phố đều cầu mong dịch bệnh qua mau, mọi hoạt động của cuộc sống trở lại bình thường mới, tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa.