TP Hồ Chí Minh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững - Bài 2

Trước những mặt hạn chế, đồng thời để đáp ứng yêu cầu trong quá trình hội nhập, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai thực hiện chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời gian tới.


Xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu hội nhập


Trước những mặt hạn chế, đồng thời để đáp ứng yêu cầu trong quá trình hội nhập, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai thực hiện chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời gian tới; xác định đây là một trong những yếu tố quyết định để tăng lợi thế cạnh tranh, đẩy nhanh tốc độ phát triển, hội nhập và thu hút đầu tư của thành phố.

Tăng cường kết nối nhà trường và doanh nghiệp

Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Trong điều kiện hiện nay, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cần được quan tâm hàng đầu nhằm phát triển lực lượng lao động có kiến thức, nắm bắt khoa học công nghệ, có tay nghề, kỹ năng, đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ cao. Để thành phố trở thành đầu tàu phát triển kinh tế tri thức, trung tâm văn hóa, xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, vấn đề đầu tư cho nguồn lực con người sẽ tiếp tục được thành phố chú trọng.

Để thực hiện yêu cầu trên, một trong những giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đó là tập trung đổi mới chương trình đào tạo gắn với thực tiễn. Quá trình đào tạo gắn với công tác điều tra, khảo sát xây dựng hệ thống thông tin nhu cầu thị trường nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cho 9 ngành dịch vụ, 4 ngành công nghiệp trọng yếu và xuất khẩu lao động. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh công tác tư vấn, định hướng người học, khắc phục tình trạng “khập khiễng” trong cung và cầu lao động. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực lao động - xã hội cho rằng, các cơ sở giáo dục đào tạo cần tăng cường hợp tác, liên kết với các tổ chức sử dụng lao động để tìm hiểu nhu cầu nhân lực và tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên thực tập tốt nghiệp, tham quan thực tế.

May hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH may 888 (Tổng công ty May 10) ở Quảng Xương, Thanh Hóa. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội dệt may thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngành dệt may là ngành có đông lao động nên sự thành công của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào nguồn nhân lực. Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp có quy mô trung bình, nhỏ đang khó khăn trong tuyển dụng những lao động vừa có trình độ chuyên môn vừa có khả năng quản lý và đào tạo lực lượng lao động mới. “Chúng tôi có ý tưởng sẽ liên kết các doanh nghiệp để kết nối với các trường trong quá trình đào tạo, cùng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, sử dụng chương trình đào tạo sát với yêu cầu công việc của doanh nghiệp. Bởi thực tế, nhân lực yếu rất khó để tồn tại chứ chưa nói đến vấn đề phát triển”, ông Phạm Xuân Hồng nói.

Ở góc độ nhà quản lý, ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng: Hiện nay, các doanh nghiệp thay đổi công nghệ liên tục còn các trường đào tạo nghề chưa theo kịp sự thay đổi đó. Do vậy, giải pháp quan trọng là phải có sự kết nối chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp. Trên cơ sở những nhu cầu của doanh nghiệp, các trường sẽ đầu tư thêm trang thiết bị, đưa học sinh đi thực tập tại các doanh nghiệp để bổ sung những kiến thức thực hành bị thiếu hụt trong quá trình đào tạo.

Thời gian qua, vấn đề liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp đã được Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh với nhiều hình thức, như liên kết bố trí cho học viên đến thực tập, doanh nghiệp tham gia hội đồng chấm thi của nhà trường, tuyển học sinh tốt nghiệp ở cơ sở đào tạo và đặt hàng cho cơ sở đào tạo nghề đào tạo bổ sung công nhân. Tuy chưa nhiều song các mô hình liên kết này đã bước đầu mang lại lợi ích cho cả hai bên. Không chỉ xây dựng các mối liên kết giữa doanh nghiệp với nhà trường, trong vài năm gần đây, nhiều trường trung cấp, cao đẳng nghề của thành phố đã liên kết, hợp tác với các trường quốc tế để nâng cao các kỹ năng nghề cho sinh viên, đồng thời bồi dưỡng kiến thức, phương pháp đào tạo quốc tế cho đội ngũ giáo viên.

Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu hội nhập

Đến cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập có tác động trực tiếp đến vấn đề lao động của các nước. Cụ thể, cho phép tự do dịch chuyển lao động chất lượng cao ở 8 ngành nghề: nha sĩ, bác sĩ, điều dưỡng, kiến trúc, kỹ sư, kế toán, giám sát viên và du lịch. Các chuyên gia cho rằng, nhóm 8 ngành nghề này tuy chỉ chiếm số lượng rất nhỏ (1%) trong tổng số lực lượng lao động, nhưng đây là những ngành yêu cầu trình độ chuyên môn cao và mức thu nhập cũng cao (chủ yếu ở các công ty có vốn đầu tư nước ngoài). Nếu không đáp ứng được yêu cầu, lao động Việt Nam sẽ không thể cạnh tranh được với những lao động có kỹ năng, có ngoại ngữ, có tác phong chuyên nghiệp từ nước ngoài tràn vào.

Theo số liệu phân tích của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay lao động trong ngành kiến trúc tại thành phố nhiều hơn nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, do nhu cầu tuyển dụng ngành này đang giảm dần. Đơn cử, năm 2014 nhu cầu của doanh nghiệp ngành này giảm 40% so với năm 2013. Cùng với đó ngành kế toán cũng có lượng cầu không cao. Trong khi đó, 6 ngành còn lại đang thiếu lao động, chất lượng lao động chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường. Mặc dù ngành thừa, ngành lại thiếu, song các chuyên gia về lĩnh vực lao động có chung nhận định rằng: Khả năng mất việc vào tay những lao động nước ngoài hoặc không đủ điều kiện để sang làm việc tại các nước trong khu vực là điều có thể xảy ra nếu tay nghề và kỹ năng của lao động của thành phố không đạt yêu cầu.

Các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, để tự tin và phát triển tốt trong thời kỳ hội nhập, thành phố tiếp tục xác định phát triển nguồn nhân lực theo chuẩn quốc tế, đặc biệt những ngành nghề trọng điểm, mũi nhọn. Đồng thời, để tạo thuận lợi trong quá trình hội nhập, thành phố cần chuyển dịch cơ cấu kinh tế sao cho phù hợp với thị trường của thành phố cũng như hướng tới xuất khẩu lao động sang các nước bạn.

Bên cạnh việc đào tạo lại, đào tạo bổ sung đối với các lao động sẵn có, thành phố cần đặc biệt quan tâm và định hướng cụ thể việc phát triển nguồn nhân lực từ trong giai đoạn còn học tập tại trường phổ thông cho tới giáo dục chuyên nghiệp, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng giỏi cả về trình độ chuyên môn nghiệp vụ lẫn các kỹ năng mềm, ngoại ngữ, công nghệ thông tin.


“Tăng năng suất lao động dựa trên phương pháp đổi mới sáng tạo về khoa học công nghệ thông qua hoạt động nghiên cứu và phát triển sẽ là yếu tố quyết định mức độ tăng trưởng kinh tế bền vững của đất nước. Do vậy, để thúc đẩy tăng cường đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ, trước hết cần cải thiện nguồn lực con người, trong đó đối tượng cần hướng đến đó là thanh niên”, Tiến sĩ Bạch Long Giang, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (Thành phố Hồ Chí Minh) nhận định.

Với góc nhìn của một người làm công tác dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, để chuẩn bị cho hội nhập, người lao động không nên quá ngộ nhận về bằng cấp mà quên mất vai trò quan trọng của trải nghiệm thực tế và xác định mục tiêu nghề nghiệp để phấn đấu. Nhà đào tạo cũng cần có cái nhìn thực tiễn hơn, gắn đào tạo với nhu cầu phát triển của xã hội. Doanh nghiệp cũng cần có sự tương tác, kết nối cùng nhà trường để hỗ trợ trong đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, phù hợp với yêu cầu thị trường và vị trí công việc.

Trong kế hoạch thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo, Thành phố Hồ Chí Minh xác định tiếp tục đẩy mạnh đổi mới chương trình đào tạo gắn với yêu cầu thực tiễn trong các lĩnh vực đào tạo nghề, đào tạo đội ngũ doanh nhân, đội ngũ các nhà quản lý làm công tác quản lý, công tác chính trị, đồng thời chú trọng thu hút nhân tài trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật – thể dục thể thao, đào tạo đội ngũ y bác sĩ phù hợp với yêu cầu phát triển và hiện đại hóa ngành y tế.

Thu Hoài - Nguyễn Cúc (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững - Bài 1
TP Hồ Chí Minh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững - Bài 1

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong 6 chương trình đột phá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ IX (nhiệm kỳ 2011-2015).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN