Sáng ngày 11/7, kỳ họp thứ 9 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa IX đã chuyển sang ngày làm việc thứ hai với nội dung tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội 6 tháng đầu năm. Nhiều đại biểu đã bày tỏ quan ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay là do việc người dân vô tư xả rác bừa bãi và ngang nhiên phá hủy di sản văn hóa… trên địa bàn.
Ngày làm việc thứ hai của HĐND TP Hồ Chí Minh lần thứ 9 tập trung bàn giải pháp xử lý hành vi xả rác nơi công cộng. |
Xử phạt nặng hành vi xả rác
Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê cho biết công tác thu gom rác trên địa bàn hiện nay đang còn nhiều bất cập, người dân vẫn vô tư xả rác ra môi trường. Biện pháp chế tài xử lý hành vi xả rác ra công cộng vẫn chưa đủ răn đe. Đại biểu này còn dẫn chứng, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) sau mỗi sự kiện lớn, cả tuyến đường này gần như ngập trong rác, thậm chí có đêm các công nhân vệ sinh phải thu gom rác đến 4 giờ sáng mới hết. Hoặc như tại khu vực đầu hầm Thủ Thiêm (quận 2), sau mỗi đợt bắn pháo hoa đều có một bãi rác khổng lồ xuất hiện. Ngoài ra, sau nhiều lần đi giám sát tại địa phương, nhiều cử tri cũng phản ánh vào ngày thứ bảy và chủ nhật, rác thải luôn ngập các tuyến đường khiến họ rất bức xúc.
“TP Hồ Chí Minh đang thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù, vì vậy thành phố cần xây dưng một khung xử phạt, chế tài thật nặng để tăng mức độ răn đe. Trước mắt để răn đe, ngăn chặn tình trạng vô tư xả rác ra nơi công cộng, gây ô nhiễm môi trường, cần nâng cao ý thức người dân để cùng chung tay bỏ rác đúng nơi quy định, bảo vệ môi trường sống, xứng đáng với tên gọi thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, ông Như Khuê cho biết thêm.
Các đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh cho rằng cần tăng mức xử phạt hành vi xả rác để có sức răn đe. |
Đồng quan điểm với đại biểu Như Khuê, đại biểu Trần Thanh Trí cho biết việc xử lý thu gom rác thải đã được nêu ra từ kì họp thứ VII, thứ VIII và đến kỳ họp này vẫn chưa được giải quyết triệt để. Hiện nay, tại các quận huyện đang tồn tại bất cập về việc thu gom rác sinh hoạt. Các loại rác như tủ, bàn ghế hỏng, đệm, chăn gối…không được các đơn vị thu gom rác tiếp nhận nên người dân thường lén lút vứt bừa bãi ra các khu đất trống, xuống kênh rạch và dưới dòng sông… gây tắc nghẽn dòng chảy và ô nhiễm môi trường. Thậm chí, có một số cán bộ dù nhìn thấy hành vi này cũng phải làm ngơ do không biết xử lý ra sao, bởi dù có xử phạt thì mức phạt củng chỉ là hành chính khoảng 500 ngàn/lần xả rác. Mức phạt này không đủ sức răn đe.
Ông Thanh Trí cho biết: "Để ngăn chặn hành vi xả rác ra công cộng, pháp luật phải được thực thi mạnh mẽ hơn, kỹ cương hơn và cứng rắn hơn. Chẳng hạn như cũng là đối tượng đó, nhưng khi qua nước Singapore họ lại không dám quăng rác ra môi trường".
Trong khi đó, bà Phan Thị Thắng, Giám đốc Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh cho biết, mỗi năm TP Hồ Chí Minh dành khoảng 4.000 tỷ đồng để thu gom rác thải và nước thải, trong đó có gần 1.200 tỷ đồng dành cho việc xử lý nước thải sinh hoạt, 700 tỷ đồng chi cho việc quét rác, 88 tỷ đồng chi cho việc phân loại rác tại nguồn, 1.800 tỷ đồng chi cho khâu xử lý rác thải…
"Số kinh phí này mới chỉ là kinh phí trích ra từ nguồn ngân sách nhà nước và chưa tính tới hàng nghìn tỉ đồng từ việc người dân phải đóng tiền rác hàng tháng. Mặc dù kinh phí dành cho việc thu gom rác thải khá cao, xong hiệu quả giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ rác vẫn chưa được như mong muốn, gây bức xúc trong dân trong thời gian qua. Đã đến lúc các nhà quản lý cần xem xét lại cách xử lý vấn đề này để đảm bảo môi trường sống trong lành, không ô nhiễm cho người dân", bà Phan Thị Thắng nhấn mạnh.
Trả lời các vấn đề về việc thu gom rác công cộng mà các đại biểu đặt ra, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, cho biết thành phố là một đô thị lớn nên áp lực về rác thải đô thị cũng rất lớn. Theo thống kê, lượng rác thải được xả ra nơi công cộng tăng khoảng 6%/ mỗi năm. “Để việc xử lý hành vi vi phạm rác thải công cộng ngoài việc tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức người dân, pháp luật còn có quy định với 4 hành vi xả rác nơi công cộng với mức xử phạt thấp nhất 500 ngàn đồng và cao nhất 7 triệu đồng,được giao về quận huyện xử lý. Ngoài ra, đơn vị cũng đang cũng cần gắn kết với hệ thống camera an ninh của quận huyện để lấy chứng cứ làm chứng cứ xác lập hành vi xử lý vi phạm xả rác…”, ông Toàn Thắng cho biết thêm.
Lập danh sách bảo tồn di sản văn hóa
Nhắc đến câu chuyện Dinh Thượng Thư (hiện nay là trụ sở Sở Thông tin Truyền thông TP Hồ Chí Minh) sắp bị đập bỏ để phục vụ cho việc mở rộng trụ sở UBND TP Hồ Chí Minh, nhiều đại biểu đã đặt ra các câu hỏi về việc TP Hồ Chí Minh đang bảo tồn đi sản văn hóa như thế nào .
Trụ sở UBND TP Hồ Chí Minh là một biểu tượng kiến trúc văn hóa lưu giữ nhiều kí ức cộng đồng. |
Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm cho rằng, vấn đề bảo vệ văn hóa thực chất là việc ban hành chính sách và thực thi chính sách quản lý đô thị. Việc bảo tồn di sản kiến trúc đô thị có thành công hay không phụ thuộc vào việc kết hợp giữa bảo tồn và phát triển. "Nếu chúng ta thực hiện dự án phát triển mà phá hủy di sản văn hóa, lịch sử ngay trong vùng lõi TP Hồ Chí Minh thì đó là việc đánh đổi di tích lịch sử văn hóa cũng như ký ức cộng đồng để lấy sự hiện đại mà thiếu bản sắc và nhân văn. Thậm chí, nhiều di sản văn hóa bị xâm phạm thì chúng ta đang làm nghèo về văn hóa", bà Trâm chia sẻ.
Cũng theo đại biểu Tố Trâm, việc quyết định đập bỏ hay không mà chỉ dựa vào di tích lịch sử hoặc không phải di tích lịch sử thì hầu như mọi đặc sắc của TP Hồ Chí Minh sẽ bị phá hủy và thay thế.
Tương tự, đại biểu Đinh Thị Thanh Thủy cho biết, để chuẩn bị tốt cho việc giám sát về bảo tồn di sản cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa Thể thao TP Hồ Chí Minh cần có những bước chuẩn bị thật kỹ. Trước hết, ần thống kê, rà soát tổng thể quá trình lập bản đồ bảo vệ di tích năm 1999 đến nay và lập danh mục kiểm kê di tích giai đoạn 2016-2020.
Đại biểu Thủy cho hay:"Hành động này là để tránh trường hợp như Dinh Thượng Thư vừa qua. Nếu chúng ta chuẩn bị tốt thì việc giám sát sẽ tốt, từ đó nắm được thực trạng và có giải pháp cụ thể cho việc quản lý bảo tồn di sản cảnh quan kiến trúc đô thị của thành phố".
Tiếp lời các đại biểu, ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP Hồ Chí Minh cho biết, năm 2017 UBND TP Hồ Chí Minh đã có quyết định lập 100 danh mục địa điểm khảo sát lập hồ sơ, các di tích để công nhận di tích lịch sử văn hóa cần bảo tồn. Ngoài ra, hàng năm, đơn vị cũng thường xuyên phối hợp quận huyện rà soát, kiểm tra các địa điểm di sản văn hóa để đầu tư kinh phí trùng tu di tích.
Từ năm 2012, thành phố đã bỏ ra 300 tỷ đồng để đầu tư duy tu sửa chữa các di tích xuống cấp. Ngoài ra, thành phố cũng đã vận động được 33 tỷ đồng xã hội hóa để duy tu các di tích lịch sử văn hóa. Từ nay đến năm 2025, theo quyết định của thành phố, còn 43 di tích lịch sử văn hóa có yêu cầu sửa chữa, trùng tu với tổng kinh phí hơn 1000 tỷ đồng. Hiện nay, thành phố có khoảng 172 di tích được công nhận di tích văn hóa cấp quận, cấp tỉnh, thành phố, trong đó có 2 di tích thuộc cấp đặc biệt.
Sau khi nghe các đại biểu đặt câu hỏi và 4 sở ngành trả lời vào buổi sáng nay, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh kết luận các đơn vị cần thay đổi nhận thức người dân đối với hành vi xả rác nơi công cộng, trước mắt cần tăng cường việc quản lý nhà nước về xử phạt thật nghiêm minh mới mong thay đổi nhận thức của người dân.
Ngoài ra, Sở Tài nguyên môi trường và Sở giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cần nghiên cứu, bàn bạc để cùng thống nhất có giải pháp đồng bộ và hiệu quả nhất về vấn đề xử lý rác thải nơi công cộng. Đối với việc bảo tồn di sản văn hóa, Sở Văn hóa Thể thao cần nghiên cứu kỹ để có danh sách bảo tồn di sản văn hóa chính xác, cụ thể; tiếp tục tuyên truyền nâng cao kiến thức về việc bảo tồn di sản văn hóa kiến trúc trên địa bàn thành phố...
HĐND TP Hồ Chí Minh chiều nay sẽ tiếp tục làm việc về giám sát, quản lý việc sử dụng tài nguyên đất trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.