Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng và triển khai 6 chiến lược lớn gồm: Chiến lược bao phủ vaccine phòng COVID -19 đến từng người dân trên địa bàn Thành phố; kiểm soát dịch COVID-19 trong giai đoạn bình thường mới; quản lý và chăm sóc F0 tại nhà; điều trị F0 tại các bệnh viện; truyền thông nâng cao nhận thức thay đổi hành vi của người dân và cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch COVID -19; nâng cao năng lực phòng, chống dịch.
Về chiến lược bao phủ vaccine COVID-19 đến từng người dân trên địa bàn Thành phố, Thành phố Hồ Chí Minh xác định đây một trong những chiến lược then chốt, quan trọng để phòng, chống dịch bệnh, giúp bảo vệ người dân giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc diễn biến nặng do COVID-19 và bảo vệ cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Để thực hiện chiến lược này, Thành phố tập trung vào các giải pháp gồm: Ưu tiên tiêm vaccine cho nguời dân quay về Thành phố từ các địa phương khác; “đi từng ngõ, gõ từng nhà” không bỏ sót bất kỳ ai, nhất là những người thuộc nhóm nguy cơ cao; xây dựng dữ liệu lớn về tiêm vaccine COVID-19; tăng cường truyền thông vận động người dân tham gia tiêm vaccine COVID-19 và mở rộng độ bao phủ vaccine cho trẻ em đến 3 tuổi và triển khai mũi tiêm tăng cường.
Đối với chiến dịch kiểm soát dịch bệnh trong giai đoạn bình thường mới, Thành phố triển khai các giải pháp gồm xét nghiệm COVID-19 trong tình hình mới; nâng cao năng lực giám sát và cảnh báo dịch; nâng cao năng lực giám sát và cảnh báo dịch; xử lý ổ dịch, hạn chế lây lan; giám sát lưu hành và sự xuất hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.
Liên quan đến chiến lược quản lý và chăm sóc F0 tại nhà, Thành phố thực hiện các giải pháp như chủ động phát hiện và cập danh sách người F0 và người thuộc nhóm nguy cơ trên từng địa bàn quận, huyện; hài hòa giữa cách ly điều trị tại nhà và cách ly điều trị tập trung; “Mỗi F0 điều trị tại nhà- Một hồ sơ bệnh án điện tử”; huy đông mọi nguồn lực tham gia công tác quản lý và chăm sóc F0 tại nhà.
Đối với chiến lược điều trị F0 tại các bệnh viện, Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu tất cả các cơ sở điều trị phải luôn sẵn sàng tiếp nhận người bệnh; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác điều trị; “Đánh chặn từ xa” kết hợp “4 tại chỗ”.
Ở nhóm chiến lược truyền thông, Thành phố triển khai thực hiện truyền thông đa phương thức; thông điện truyền thông phù hợp với từng nhóm đối tượng; đa dạng hóa các nguồn lực tham gia công tác truyền thông.
Cuối cùng, đối với chiến lược nâng cao năng lực phòng, chống dịch, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung thực hiện các nhóm giải pháp gồm nâng cao năng lực Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Thành phố Hồ Chí Minh ngang tầm các nước trong khu vực; nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở trong công tác phòng, chống dịch bệnh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác giám sát, dự báo dịch bệnh. Đồng thời, phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 phường, xã, thị trấn; phát huy hiệu quả phối hợp giữa y tế với lực lượng vũ trang nhân dân, huy động sự tham gia của hệ thống y tế tư nhân vào công tác phòng, chống dịch.
UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc xác định và phát triển các chiến lược y tế trong giai đoạn hiện nay nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dân luôn được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu trong công tác phòng, chống dịch. Những nguyên tắc khi xây dựng và triển khai các chiến lược y tế là đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng, huy động hệ thống chính trị cùng tham gia, đề cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch. Đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở; quán triệt và triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch ngay tại phường, xã, thị trấn; trong tổ chức thực hiện, phường, xã, thị trấn phải thật sự là “pháo đài”, người dân phải thật sự là “chiến sĩ, người dân phải thật sự là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch.
Các chiến lược cũng tiếp tục đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; bảo đảm cho người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở; phát huy vai trò trung tâm của người dân trong phòng, chống dịch. Công tác phòng, chống dịch phải được tiến hành thường xuyên, lâu dài trên cơ sở áp dụng đồng bộ công tác tiêm chủng, xét nghiệm, cách ly, điều trị, tuân thủ 5K, đề cao ý thức người dân và áp dụng công nghệ thông tin.