Ngày 8/10, HĐND TP Hồ Chí Minh khóa IX đã tổ chức kỳ họp bất thường (kỳ họp thứ X) để xem xét một số tờ trình liên quan đến việc triển khai cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh theo Nghị quyết 54 của Quốc hội và một số nội dung khác.
Tham dự kì họp có ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh; bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; bà Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh…
Phát biểu tại kì họp, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, đã trình HĐND TP Hồ Chí Minh tờ trình về dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP Hồ Chí Minh ở khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) để các đại biểu thảo luận, cho ý kiến và thông qua tờ trình.
Theo ông Liêm, trước đây vào thời Pháp, thành phố có 3 nhà hát là Nhà hát Opera (nay là Nhà hát TP Hồ Chí Minh), Nhà hát Phiharmonie (nay là Kho bạc TP Hồ Chí Minh) và Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, tuy nhiên đến nay chỉ còn Nhà hát TP Hồ Chí Minh. Trong khi đó, các nhà hát xây dựng sau giải phóng như Hòa Bình, Bến Thành hiện đang xuống cấp cũng như không đạt tiêu chuẩn để có thể tổ chức các buổi diễn theo yêu cầu của các đoàn, nghệ sĩ đẳng cấp quốc tế.
“TP Hồ Chí Minh là một thành phố văn minh, hiện đại, là đầu mối giao lưu không chỉ về kinh tế, khoa học mà còn các giá trị văn hóa xã hội khác nên rất cần những công trình văn hóa xứng tầm. UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã đặt mục tiêu xây dựng công trình văn hóa nghệ thuật chuyên ngành, hiện đại, xứng tầm với một trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội lớn của đất nước. Công trình đó là Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch mới ở khu đô thị mới Thủ Thiêm - công trình văn hóa mới này sẽ là công trình tiêu biểu của TP Hồ Chí Minh, góp phần khẳng định vị thế của TP Hồ Chí Minh với bạn bà quốc tế”, ông Liêm cho biết thêm.
Theo đó, Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch mới có sức chứa 1.700 chỗ với phòng lớn 1.200 chỗ và phòng nhỏ 500 chỗ. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2018 - 2020. Tổng kinh phí đầu tư dự án hơn 1.500 tỷ đồng, từ nguồn thu bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn (quận 1). Sau khi xây xong, dự án sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển, nâng cao chất lượng và quản lý tốt các hoạt động văn hóa theo hướng văn minh, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và các giá trị tinh thần mang nét đặc trưng của TP Hồ Chí Minh.
Sau khi xem qua nội dung của tờ trình, đa số các đại biểu tham dự đều đồng tình với việc cần phải xây dựng Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch mới ở quận 2. Tuy nhiên, các đại biểu cũng nêu quan điểm UBND TP Hồ Chí Minh cần chọn nhà thầu có năng lực và tránh lãng phí khi xây dựng nhà hát mới.
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, cho biết Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch mới khi đi vào hoạt động sẽ góp phần giữ gìn, nâng cao chất lượng và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc nói chung cũng như các giá trị tinh thần mang nét đặc trưng của thành phố nói riêng. Tuy nhiên, muốn xây dựng một nhà hát lớn, tầm cỡ quốc tế thì nên khảo sát nhu cầu thị trường, tránh tình trạng cung – cầu lệch pha. Khi đưa vào sử dụng cần làm rõ thêm giá trị văn hóa kinh tế của nhà hát ra sao và người dân được tiếp cận những gì từ nhà hát mới.
Liên quan đến Nhà hát giao hưởng Nhạc Vũ kịch mới, đại biểu Vương Đức Hoàng Quân cũng cho biết: “Đây là loại nhạc tương đối khó, kén chọn người nghe nên để đảm bảo phát huy hiệu quả của nhà hát khi đưa vào sử dụng cần có kế hoạch sử dụng hiệu quả lâu dài, sáng đèn thường xuyên. Đặc biệt theo tôi, nên có một chương trình phổ biến kiến thức nhạc giao hưởng cho người dân để Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch hoạt động hiệu quả hơn, có ý nghĩa thiết thực hơn”.
Chia sẻ thông tin về hiện trạng của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch hiện nay, NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP Hồ Chí Minh, cho biết không có nhà hát nào có số phận long đong như Nhà hát giao hưởng Nhạc Vũ kịch thành phố (HBSO). Hiện nay, khối văn phòng của HBSO trụ ở tầng hầm Nhà hát TP Hồ Chí Minh; đoàn vũ kịch đang thuê hội trường của Thư viện Khoa học tổng hợp (quận 1) để tập; giao hưởng và hợp xướng thì tập ở rạp Thanh Vân (quận 3) sau khi rạp cải tạo lại. Mỗi lần có đoàn nước ngoài đến diễn hay dựng những vở lớn cần tập trung giao hưởng, nhạc kịch và vũ kịch thì hàng trăm con người lại cùng chui rúc tập tành chật chội ở rạp Thanh Vân. Vì vậy, đã đến lúc các đơn vị, ban ngành thành phố cần bắt tay vào xây dựng một nhà hát Giao hưởng Nhạc và vũ kịch ở quận 2.
“Vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã đầu tư 47 tỉ đồng cho các loại nhạc cụ của dàn nhạc HBSO, tuy nhiên do chưa có trụ sở chính nên số nhạc cụ tiền tỷ trên cũng long đong như số phận của các nghệ sĩ lẫn nhà hát. Có lẽ không nơi nào các nhạc cụ cồng kềnh, đắt tiền, cần không gian bảo quản đúng chuẩn nhưng lại cứ chở đi chở về trên xe tải sau mỗi đêm diễn như ở HBSO TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh rất cần một Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch mới, không chỉ hướng để phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa, hướng đến người dân thành phố mà còn là điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, phục vụ các có các đoàn nghệ sỹ nước ngoài đến lưu diễn tại Việt Nam”, đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung cho biết thêm.
Liên quan đến việc xây dựng Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch mới, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh cho biết, việc xây dựng nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch đã được TP Hồ Chí Minh ấp ủ từ nhiều nhiệm kỳ. Sau khi thông qua tờ trình này, các đơn vị khi xây dựng nhà hát cần lưu ý về kiến trúc nhà hát phải có thiết kế độc đáo, đạt chuẩn quốc tế, xứng tầm là nơi hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của người dân, là địa điểm độc đáo để thu hút khách du lịch quốc tế.
Kỳ họp thứ 10 HĐND TP Hồ Chí Minh khoá IX đã thảo luận và cho ý kiến các báo cáo như: Báo cáo việc huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2018 - 2022; báo cáo việc sắp xếp các cơ quan, ban quản lý dự án của thành phố, quận, huyện, ban quản lý đầu tư các khu đô thị, Ban Quản lý đầu tư các dự án ODA.
HĐND TP Hồ Chí Minh cũng xem xét quyết định các tờ trình, ban hành nghị quyết về kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của thành phố; xem xét quyết định phân cấp ủy quyền; quyết định bán đấu giá tài sản trên đất chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố; quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công nhóm A và các dự án thuộc thẩm quyền của HĐND TP Hồ Chí Minh; xem xét và quyết định việc thực hiện đề án chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc của trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn.