Dự lễ có Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam; ông Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành Thành phố; đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội thành phố; các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; đại diện nhân sĩ, trí thức, dân tộc, tôn giáo Thành phố; đại diện các tầng lớp nhân dân Thành phố cùng các thân nhân gia đình liệt sỹ, thương binh và Tăng, Ni, Phật tử huyện Củ Chi.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh Nguyễn Phước Lộc bày tỏ lòng thành kính tri ân và tưởng nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, tưởng nhớ đến các thế hệ tiền bối cách mạng, các mẹ Việt Nam Anh hùng, các anh hùng liệt sỹ, đồng chí đồng bào đã hy sinh xương máu, tuổi thanh xuân của mình, cuộc đời của mình cho dân tộc, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; gửi lời tri ân sâu sắc đến các mẹ Việt Nam Anh hùng, mẹ liệt sỹ, vợ liệt sỹ, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công thức, các tướng lĩnh, cựu chiến binh, các cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, dân quân tiêu biểu của mọi miền đất nước và TP Hồ Chí Minh.
Nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Ăn quả nhớ người trồng cây”, lãnh đạo Thành phố cho biết, suốt 49 năm qua, TP Hồ Chí Minh luôn coi trọng đưa lên hàng đầu chính sách đối với người có công với đất nước, gắn liền với phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố và xem đó là nhiệm vụ chính trị thường xuyên và quan trọng của thành phố. Thực hiện tốt chính sách người ưu đãi có công mạng, xác định công tác chăm lo thương binh, liệt sỹ, người có công là trách nhiệm, tình cảm thiêng liêng và vinh dự, thể hiện sự biết ơn sâu sắc đối với người đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, độc lập, tự do, thống nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, vì sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân.
Đảng bộ và hệ thống chính trị của Thành phố trong nhiều năm qua đã chỉ đạo thông qua nhiều hoạt động, nhiều công trình, nhiều việc làm, nhiều mô hình thiết thực, ý nghĩa nhân văn sâu sắc đầy trách nhiệm và nghĩa tình; đã huy động nguồn lực to lớn từ trong Đảng, hệ thống quản lý nhà nước, trong toàn xã hội, tổ chức nhiều hoạt động chăm lo chính sách đối với người có công; không để người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước và chính sách đặc thù của Thành phố.
Nhân dịp này, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, các ngành, các tầng lớp trí thức, đội ngũ doanh nhân, hệ thống chính trị của Thành phố tiếp tục có những công trình phần việc thể hiện tinh thần truyền thống “uống nước nhớ nguồn” gắn hoạt động đền ơn đáp nghĩa với hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng yêu nước, đoàn kết toàn dân tộc, đảm bảo gia đình người có công với đất nước, sống trung bình khá trở lên... chung sức, đồng lòng phát triển thành phố và hướng đến kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…
Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng lãnh đạo Thành phố, các đại biểu tham dự buổi lễ cùng dâng hương tưởng niệm anh linh các anh hùng, liệt sỹ tại chính điện Đền tưởng niệm Bến Dược.
Cùng ngày, Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hồ Chí Minh tổ chức lễ cầu siêu theo nghi thức Phật giáo để tưởng niệm tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sỹ tại Đền Bến Dược.
Đền tưởng niệm Bến Dược nằm trong Khu Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, là nơi tưởng nhớ 44.520 anh hùng liệt sỹ, mẹ Việt Nam Anh hùng được khắc tên trong Đền, trong đó có 9.322 liệt sỹ là con em của 40 tỉnh, thành phố của đất nước đã chiến đấu anh dũng, hy sinh trên vùng đất Sài Gòn- Gia Định - Chợ Lớn trong hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ.