Linh thiêng lễ dâng hương các vua Hùng tại Đắk Lắk
Ngày 21/4 (nhằm ngày 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử quốc gia Đình Lạc Giao (thành phố Buôn Ma Thuột), Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2021.
Buổi Lễ diễn ra các nghi thức trang trọng như: Lễ dâng lễ vật và hương hoa lên bàn thờ Vua Hùng; lễ báo công, chúc văn ôn lại lịch sử hào hùng của các vị Vua Hùng thời dựng nước, lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Đây là hoạt động truyền thống được tổ chức hàng năm nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước, tưởng nhớ công lao của cha ông ta và củng cố, phát huy khối đại đoàn kết của 49 dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh; góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Báo công trước anh linh của các vị Vua Hùng, ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho biết, năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 song Đắk Lắk đã vượt qua khó khăn, hoàn thành cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Đại diện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cũng thể hiện quyết tâm của nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát huy những kết quả đạt được trong năm 2020 và khắc phục khó khăn tồn tại, thi đua, phấn đấu để năm 2021 hoàn thành tốt kết hoạch đề ra.
Chương trình Lễ Giỗ tổ Hùng Vương năm 2021 được thực hiện theo hướng tinh gọn, đảm bảo an ninh trật tự và trật tự an toàn giao thông, phòng, chống dịch COVID-19 song không kém phần thiêng liêng, trang trọng với sự tham dự của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành và đông đảo tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Ông Nguyễn Đức Tính (phường Tân Thành, thành phố Buôn Ma Thuột) cho biết, ông tự hào là người con được sinh ra ở quê hương Phú Thọ. Ngày giỗ Tổ hàng năm, ông Tính cùng gia đình, hội đồng hương Phú Thọ ở Đắk Lắk đến dâng hương tại Di tích lịch sử quốc gia Đình Lạc Giao. Sau Lễ Giỗ Tổ, Hội đồng hương tổ chức gặp mặt để trao đổi tâm tư, tình cảm, hoạt động trong một năm của từng gia đình hội viên.
Em Nguyễn Thái Khương Duy, học sinh Trường Trung học cơ sở Hùng Vương (thành phố Buôn Ma Thuột) cho biết rất tự hào khi được học trong ngôi trường mang tên Vua Hùng và tự hứa sẽ cố gắng học thật giỏi, hoàn thiện bản thân để mai sau giúp ích cho đất nước.
Thành kính, tưởng nhớ công ơn các Vua Hùng tại Kiên Giang
Sáng 21/4 (mùng 10/3 âm lịch), tại Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương, ấp Đông Bình, thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang diễn ra Lễ dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 năm Tân Sửu 2021. Đại diện lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, đại diện các sở, ban, ngành trong tỉnh, lãnh đạo huyện Tân Hiệp và đông đảo người dân đã đến tham dự Lễ dâng hương.
Do tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp nên Giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương năm nay chỉ tổ chức phần lễ, bao gồm: Trống hội khai lễ; đọc chúc văn tưởng nhớ các Vua Hùng; diễn văn của lãnh đạo UBND huyện Tân Hiệp; đại biểu dâng hương.
Trong diễn văn tưởng nhớ các Vua Hùng, quyền Chủ tịch UBND huyện Tân Hiệp Huỳnh Ái Lan bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng, các bậc tiền nhân đã có công dựng nước; nguyện khắc sâu và làm theo lời dạy của Bác Hồ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”; cầu mong Đức Quốc Tổ phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đất nước yên vui, thịnh vượng. Bà Huỳnh Ái Lan kêu gọi nhân dân huyện Tân Hiệp cùng nhau chung sức, đồng lòng vì sự phát triển của quê hương Tân Hiệp giàu đẹp; xây dựng và phát triển Đền thờ Quốc Tổ xứng đáng là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, trở thành trung tâm văn hóa truyền thống. Nơi đây vừa là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, đáp ứng nhu cầu chiêm bái, ngưỡng vọng của người dân, vừa là nơi giáo dục truyền thống dân tộc cho các thế hệ trẻ địa phương.
Lễ dâng hương nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương là hoạt động văn hóa tâm linh để người dân và khách hành hương trong, ngoài huyện bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ công ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước. Qua đó, giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”; giáo dục lòng yêu nước, luôn hướng về cội nguồn, giúp giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; phát huy giá trị Di tích lịch sử - văn hóa Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương Tân Hiệp - Kiên Giang, góp phần bảo tồn di sản văn hóa “Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng” đã được UNESCO công nhận.
Sau diễn văn tưởng nhớ các Vua Hùng, các đại biểu là đại diện lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, đại diện các sở, ban, ngành trong tỉnh, lãnh đạo huyện Tân Hiệp và đông đảo người dân địa phương đã dâng hương các Vua Hùng trong không khí trang nghiêm, tôn kính; đảm bảo an toàn và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Người dân và du khách về Đà Lạt dự Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương
Sáng 21/4, tại đền thờ Âu Lạc (tọa lạc trên đỉnh núi Phượng Hoàng thuộc Khu du lịch thác Prenn Đà Lạt, phường 3, thành phố Đà Lạt), UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Do tình hình dịch COVID -19 diễn biến còn phức tạp nên ngoài tổ chức phần lễ, nội dung phần hội chỉ diễn ra một số hoạt động văn hóa dân gian truyền thống; hội thi tráng trí mâm ngũ quả, lẵng hoa dâng các Vua Hùng.
Với chủ đề "Chung một cội nguồn", nghi thức Giỗ Tổ đã diễn ra trong không khí trang nghiêm theo đúng nghi lễ truyền thống, tỏ lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã kiên cường, bất khuất trong chống giặc ngoại xâm.
Sau phần nghi thức cúng tế, đã diễn ra nhiều hoạt động như trò chơi dân gian, hội chợ văn hóa ẩm thực, văn nghệ dân gian như leo cột, nhảy sạp, đánh cờ tướng. Ngoài ra, ban tổ chức còn phục vụ những món ăn truyền thống, đặc trưng các vùng, miền cho người dân. Đặc biệt, tại buổi Lễ có biểu diễn đờn ca tài tử Nam bộ của các nghệ nhân, nghệ sĩ đến từ Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh An Giang.
Hoạt động này nhằm tôn vinh giá trị tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng, tưởng nhớ cội nguồn dân tộc, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, bồi đắp tinh thần đại đoàn kết dân tộc; đồng thời, giới thiệu những tinh hoa văn hóa truyền thông dân tộc như nghi thức cúng tế, đám rước, trò chơi dân gian, diễn xướng dân gian, ẩm thực dân gian góp gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.