Trao đổi bên lề Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội) cho biết, xử lý nợ xấu là vấn đề khó khăn mà hệ thống tổ chức tín dụng phải đối mặt thường xuyên trong hoạt động kinh doanh. Để xử lý nợ xấu phải gồm một loạt cơ chế chính sách đảm bảo tính xuyên suốt, yêu cầu cả bộ máy chính trị tham gia.
Đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội) tại buổi thảo luận.
|
Hiện nay, dự thảo nghị quyết xử lý nợ xấu cũng xây dựng theo hướng không sử dụng ngân sách trong xử ký nợ xấu. Tuy nhiên, nếu không sử dụng ngân sách xử lý nợ xấu thì chúng ta phải tạo ra những cơ chế, những chính sách quy định để tạo điều kiện tốt nhất cho tổ chức tín dụng xử lý, giải quyết khoản nợ gắn với tài sản bảo đảm.
Ông Thắng cũng cho biết thêm, một trong những vấn đề cần quan tâm là quy trách nhiệm của người để xảy ra tình trạng nợ xấu. Hiện nay, pháp luật quy định đầy đủ tại Bộ Luật Hình sự về nội dung liên quan. Riêng về quy định về xử lý hình sự tội phạm ngân hàng được phản ánh đầy đủ trong bộ luật.
“Từ trước đến nay, pháp luật rất nghiêm minh với cán bộ thẩm định cho vay nhưng phải xem xét khách quan, khi nào người quyết định khoản tín dụng gây thất thoát phải chịu trách nhiệm hình sự? Điều này còn phụ thuộc vào việc tuân thủ quy định quy trình, nghiệp vụ ngân hàng, khi xem xét thẩm định cho vay thì cán bộ có tư lợi trong vấn đề này hay không? Có thiếu trách nhiệm trong xử lý các khoản tín dụng không? Có cán bộ triển khai đúng quy trình nhưng do thị trường khó khăn mà khách hàng không trả được nợ thì không thể xem xét trách nhiệm hình sự với người mà thẩm định ra quyết định được”, đại biểu Thắng cho biết.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) |
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: “Khi xử lý nợ xấu phải dựa trên nguyên tắc công bằng, phải bảo vệ người cho vay và đi vay, tránh lợi dụng xử lý nợ xấu để hợp thức hóa khoản làm sai của ngân hàng.”.
Theo nhiều đại biểu, hiện nay vẫn còn nợ xấu chưa xử lý được. Suốt giai đoạn qua, việc xử lý nợ xấu chủ yếu do ngân hàng thương mại xử lý, chủ yếu đôn đốc động viên khách hàng trả nợ và xử lý tài sản đảm bảo theo con đường thông thường là khởi kiện ra tòa. Để giải quyết nợ xấu, phải tăng hiệu quả của thị trường mua bán nợ xấu, trong đó, người mua nợ sẽ quan tâm đến khoản nợ gắn với tài sản đảm bảo, gắn với quyền sử dụng đất.
Theo quy định mới được đưa ra, mọi tổ chức, cá nhân có thể mua nợ xấu. Nhiều người băn khoăn về việc bán nợ cho nước ngoài có đảm bảo an toàn hay không? Về nội dung này, đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội) cho biết: “Tôi hoàn toàn đồng tình có quyền bán nợ xấu cho mọi đối tượng nhưng phải xác định rõ tài sản đảm bảo gắn với khoản nợ này là những gì, nếu như những tài sản này thuộc diện pháp luật đang hạn chế người nước ngoài được sở hữu sử dụng thì trong trường hợp đó, việc bán khoản nợ thì không phù hợp".