Tạo nên sự đồng thuận cao
Việc tranh luận không chỉ diễn ra giữa đại biểu Quốc hội với các thành viên Chính phủ mà còn tranh luận giữa các đại biểu Quốc hội để làm rõ vấn đề, tạo nên sự đồng thuận cao trong hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng.
Đánh giá lại công tác tranh luận trên nghị trường,
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. Ảnh: TTXVN |
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chia sẻ, công tác tranh luận đã đi đến cùng các vấn đề, đặc biệt khi các vấn đề này còn có ý kiến khác nhau. Việc tranh luận diễn ra công khai, dân chủ để các đại biểu có thể nói rõ quan điểm, lập luận, chính kiến của mình. Qua đó, các cơ quan có thẩm quyền có thêm cơ sở để cân nhắc, quyết định các vấn đề quan trọng một cách chắc chắn, đầy đủ và chính xác hơn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, khi một vấn đề đưa ra báo cáo Quốc hội thường làm theo quá trình, ví dụ như có đánh giá tác động và nghiên cứu tổng kết thực tiễn của việc thi hành pháp luật vấn đề đó, đồng thời có rút kinh nghiệm từ các nước. Nhưng cách tiếp cận vấn đề của mỗi đại biểu từ góc độ, điều kiện đang còn khác nhau. Chính vì vậy, tranh luận là nơi để đại biểu nói sâu và đầy đủ hơn vì sao phải dùng chính sách này, ban hành chính sách kia…, đây chính là điều kiện để cọ xát, trao đổi để đi đến chọn ra được phương án tốt nhất.
Dấu ấn quan trọng của kỳ họp là việc đổi mới cách thức thảo luận, tăng cường tính đối thoại và tranh luận. Ảnh : TTXVN |
Bên cạnh đó, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, việc tranh luận trên nghị trường đã cung cấp thông tin, cơ sở lý luận thực tiễn để các ban soạn thảo chọn ra được phương án tối ưu.
Có lo ngại tranh luận dẫn đến "mất đoàn kết"?Một trong những vấn đề dư luận đặt ra là, liệu sau những phiên tranh luận thì có xảy ra “mất đoàn kết” giữa các đại biểu?
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, nói như vậy thì hơi nặng nề, nhưng cũng có thể chạm đến sự không hài lòng của nhau. Đó là tâm lý của người phương Đông, nặng nề hơn, còn phương Tây chuyện đó lại nhẹ nhàng hơn. Nhưng tôi nghĩ, đây là hoạt động tại nghị trường và các đại biểu phải quen với việc này.
Về thời gian dành cho các đại biểu trao đổi trên nghị trường, ông Lưu chia sẻ, đoàn chủ tọa đã nói với đại biểu là do điều kiện thời gian, cho nên không thể mời tất cả các đại biểu đã đăng ký hoặc muốn tranh luận. Tuy nhiên, vẫn còn có các diễn đàn, hội nghị, hội thảo để các đại biểu trao đổi với nhau. Tuy nhiên, đây là bước cải tiến, hướng đi đúng trong hoạt động lập pháp của Quốc hội hiện nay. Đánh giá tổng thể chất lượng tranh luận là rất tốt.
Nói về việc còn nhiều lúc các đại biểu “vượt rào” bằng cách “chen luận”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, bản thân mỗi đại biểu cũng nhận ra điều đó. Khi đại biểu nào phát biểu có tính “chen luận” khiến các đại biểu khác có phản ứng và thái độ thì cũng cần phải rút kinh nghiệm.
Khi được hỏi về việc có nên kéo dài thời gian tranh luận, vì nhiều đại biểu muốn tranh luận nhưng đã hết thời gian phiên họp. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, chúng ta phải từng bước rút kinh nghiệm. Có thể khi nào hết công việc của chương trình nghị sự thì lúc đó Quốc hội mới nghỉ. Nhưng điều đó cũng phải có sự đồng thuận của Quốc hội. Quốc hội sẽ tổng kết, đánh giá và sau đó đưa ra thành quy định để tạo sự đồng thuận để thống nhất thực hiện.