Phát biểu tại lễ trao giải, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Đây là năm thứ 3, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam”, nhằm tôn vinh những cống hiến, đóng góp của các phóng viên, nhà báo nói riêng và cơ quan thông tấn báo chí nói chung trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Giải năm nay ghi nhận sự vượt trội về chất lượng, nội dung và hình thức thể hiện của các tác phẩm dự thi. Nhiều tác phẩm được đầu tư công phu và ghi dấu ấn rõ ràng sự dấn thân của tác giả trong tác nghiệp. Đề tài của tác phẩm dự thi cũng được khai thác phong phú; ghi nhận những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo trong dạy – học; những tấm gương nhà giáo hy sinh thầm lặng, dành cả thanh xuân của mình để bám trường, bám lớp, đem con chữ đến với học trò ở các bản làng xa xôi của Tổ quốc.
Tại lễ trao giải, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng chính thức phát động Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2021.
Ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam ghi nhận, các tác phẩm được vào chung khảo, đặc biệt các tác phẩm được trao giải A, B đều là tác phẩm xuất sắc, thể hiện tinh thần trách nhiệm, lao động sáng tạo, sự dấn thân của các nhà báo. Đây cũng là giải báo chí toàn quốc quan trọng bên cạnh Giải báo chí quốc gia, có ý nghĩa chính trị và ý xã hội sâu sắc.
Những vấn đề nóng bỏng nhất của giáo dục Việt Nam trong năm qua đã được thể hiện một cách sắc sảo, trực diện, đa chiều và khá thấu đáo. Đơn cử như vấn đề: Sự tồn tại của trường chuyên; chất lượng đào tạo thạc sĩ; vấn đề giấy khen và việc khen thưởng trong các trường; kịch bản dạy học thời dịch COVID-19; chất lượng dạy học trực tuyến; văn minh học đường - văn hóa ứng xử trong trường học; chọn trường cho con, nhà vệ sinh trong trường học... Đặc biệt, có nhiều bài, loạt bài nổi trội về chất lượng, có sự phát hiện mới mẻ về đề tài, có sự phân tích đa chiều, nhìn nhận từ nhiều góc độ.
Năm 2020, hơn 700 tác phẩm được gửi về tham dự Giải. Hội đồng giám khảo đã chấm và lựa chọn 62 tác phẩm vào vòng Chung khảo. Kết quả đã có 50 tác phẩm đạt giải, trong đó: 4 giải Nhất, 8 giải Nhì, 12 giải Ba, 26 giải Khuyến khích, 1 giải Đặc biệt được Hội đồng giám khảo chọn từ 4 giải A và 3 nhân vật tiêu biểu được chọn trong 2 tác phẩm đạt giải.
Bốn tác phẩm giải Nhất gồm: tác phẩm “Lễ khai giảng xúc động trên đỉnh Ngọc Linh” (loại hình báo in), tác giả Thái Bá Dũng, Báo Tuổi Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh; tác phẩm “Đổi mới giáo dục từ dịch COVID-19” (loại hình báo điện tử), tác giả: Đặng Thị Chung, Nguyễn Thị Thùy Linh, Phạm Thị Thảo Anh, Vi Tô Thế, Trần Duy Hưng - Báo Lao động điện tử; tác phẩm “Tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục” (loại hình báo phát thanh), tác giả: Đào Thị Minh Hường, Nguyễn Thị Thu Hiền - Ban Thời sự (VOV1) - Đài Tiếng nói Việt Nam; Series phim tài liệu Cha mẹ thay đổi (loại hình báo Truyền hình) - nhóm tác giả: Vũ Thị Việt Nga, Nguyễn Kim Anh, Nguyễn Hồng Hạnh, Trịnh Thanh Hà, Phạm Hoàng Quỳnh Phương, Nguyễn Thị Phương Thảo, Phạm Thùy Linh, Nguyễn Lan Chi, Đặng Thị Ngọc Trâm, Nguyễn Hà Thương, Chu Diệu Cẩm Nhung, Trịnh Phương Anh - Trung tâm Sản xuất các chương trình Giáo dục (Kênh VTV7) - Đài Truyền hình Việt Nam
Tác phẩm đoạt giải Đặc biệt được chọn từ 4 tác phẩm đoạt Giải Nhất, đó là "Lễ khai giảng xúc động trên đỉnh Ngọc Linh" của tác giả Thái Bá Dũng - Báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong tác phẩm đặc biệt này, một lễ khai giảng đơn sơ với hình ảnh của hai cô giáo tuổi mới đôi mươi tổ chức chu tất cho các em nhỏ vùng cao đã thật sự đánh thức bao ký ức đẹp đẽ, nguyên vẹn về nghề dạy học.
Nhà báo Thái Bá Dũng xúc động cho biết: Khi nhận được tin đoạt giải, thực sự cảm xúc khó diễn tả thành lời. Với người làm báo, bài viết được đón nhận đã là niềm vui. Chưa bao giờ chúng ta chứng kiến sự quan tâm của toàn dân đối với ngành giáo dục như ít năm trở lại đây. Cũng chưa bao giờ mà quyết tâm đổi mới căn bản, toàn diện được lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành, Bộ Giáo dục và Đào tạo thể hiện mạnh mẽ như thời gian qua. Những người làm báo chúng tôi luôn đồng hành và xin là cánh tay nối dài để chuyển tải những thông tin nóng hổi, những thông điệp đổi mới từ ngành giáo dục.