Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; nhà báo Lê Quốc Minh, Phó Tổng giám đốc TTXVN đã tham dự lễ trao giải.
Giải Biếm họa báo chí Việt Nam lần V – Cúp Rồng Tre lần V - 2018 có chủ đề: "Ứng xử văn hóa; Xã hội văn minh".
Giải Nhất được trao cho tác phẩm “Chực chờ” của họa sĩ Lê Diệu Bang (bút danh Méo).
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi hoan nghênh báo Thể thao và Văn hóa, TTXVN đã tiếp tục tổ chức Giải Biếm họa báo chí Việt Nam, đồng thời có sáng kiến đưa triển lãm biếm họa ra phố đi bộ Hồ Gươm, để đông đảo người dân có thể tiếp cận, nhằm lan truyền thông điệp "Ứng xử văn hóa; Xã hội văn minh”.
Chúc mừng các họa sĩ đã đạt giải, nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh: Thành công của Giải cho thấy biếm họa vẫn thực sự là vũ khí sắc bén trong tay các nhà báo - họa sĩ, các cơ quan báo chí. Lực lượng các nhà báo vẽ vẫn còn sung sức để đưa những vấn đề trọng yếu của xã hội lên trước công luận bằng những bức tranh biếm họa có khả năng tác động trực diện, trực quan vào nhận thức của mọi tầng lớp công chúng, không phân biệt trình độ, tuổi tác, ngôn ngữ.
Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), họa sĩ Vi Kiến Thành cho biết: Giải Biếm họa báo chí Việt Nam - Cúp Rồng Tre năm nay chọn đề tài "Ứng xử văn hóa; Xã hội văn minh" rất trúng và đúng. Gần đây báo chí nói rất nhiều đến những vụ bạo hành học đường, văn hóa giao thông, rồi lạm dụng mạng xã hội… qua đó cho thấy văn hóa ứng xử vẫn là một điểm nóng mà các họa sĩ biếm họa nói riêng và giới báo chí nói chung, thông qua những tác phẩm của mình lên tiếng phản ánh, cảnh tỉnh mỗi cá nhân, cũng như các cơ quan quản lý lưu tâm điều chỉnh, làm lành mạnh hóa đời sống xã hội hiện nay. Các tác phẩm đoạt giải và được triển lãm năm nay có ngôn ngữ đồ họa mạch lạc và các vấn đề nêu ra cũng rất thu hút sự chú ý của công chúng.
Trưởng ban Tổ chức Giải, Tổng Biên tập báo Thể thao và Văn hóa Lê Xuân Thành chia sẻ: Biếm họa báo chí Việt Nam - Cúp Rồng Tre được khởi động trở lại sau mấy năm gián đoạn. Năm nay, Giải được tổ chức từ nguồn kinh phí của báo Thể thao và Văn hóa. Sau 8 tháng phát động (từ 4/2018 - 12/2018), Giải đã thu hút khoảng 400 tác phẩm dự thi cùng hàng chục tác phẩm gửi để dự triển lãm. Qua các tác phẩm dự thi, các tác giả sử dụng sức mạnh của biếm họa để phê phán những biểu hiện lệch lạc trong văn hóa ứng xử, cổ vũ những hành động văn hóa, văn minh trong các quan hệ ứng xử trong xã hội ngày nay, bày tỏ mong muốn về một môi trường xã hội thực sự văn minh... Trong 400 tác phẩm tham dự có tới trên 30% số tác phẩm về đề tài văn hóa ứng xử trên mạng xã hội, chính là một màn tổng kết để "phản tỉnh" chúng ta trong văn hóa ứng xử, qua đó góp phần làm cho xã hội nền nếp, văn minh hơn.
Là "kiến trúc sư" của Giải Biếm họa báo chí Việt Nam từ mùa giải đầu tiên đến nay, họa sĩ Lý Trực Dũng nhận xét: "Ứng xử văn hóa; Xã hội văn minh" là đề tài thực sự khó bởi nó tương đối trừu tượng. Tuy nhiên, khi chấm 400 bức tranh, Ban Giám khảo rất phấn khởi vì chọn được tranh tốt. Tôi nghĩ Cúp rồng tre lần 5 này đã thành công, rất nhiều bạn nước ngoài quan tâm đến Giải này. Trong đó, giáo sư người Canada từng làm nhiều sách tranh hí họa của châu Á đã đề nghị giới thiệu Cúp rồng tre cũng như các tác phẩm tiêu biểu trong những ấn phẩm sắp tới. Đó cũng là một dấu hiệu vui cho biếm họa Việt Nam.
Dịp này, một cuốn sách tranh dày 60 trang được xuất bản nhằm giới thiệu những tác phẩm tiêu biểu của Giải tới công chúng. Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng tuyển chọn 60 tác phẩm tiêu biểu in khổ lớn để triển lãm trong 2 ngày, từ 12 - 13/1, tại phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội).