Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, các hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử vận động bầu cử được tiến hành từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử (ngày 27/4/2021) và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ (trước 7 giờ ngày 22/5/2021).
Cam kết, trách nhiệm
Việc các ứng cử viên tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử chính là cuộc sát hạch trực diện để hai bên hiểu biết lẫn nhau, hướng tới đích cuối cùng là lời hứa và sự kỳ vọng hòa cùng một nhịp. Trong đó, cử tri nhận diện ứng cử viên nào thực sự đáp ứng kỳ vọng, mong mỏi của mình, xứng đáng là người đại diện cho tiếng nói của mình ở cơ quan quyền lực nhà nước. Ngược lại, các ứng cử viên sẽ nắm được tâm tư, nguyện vọng của cử tri, đưa ra những lời hứa, cam kết cùng những chương trình hành động, giải pháp thiết thực, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Là người đã có kinh nghiệm trải qua một khóa làm đại biểu Hội đồng nhân dân huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, song những ngày tham gia các hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử của bà Phan Thanh Yên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Yên Bình vẫn mang đến những áp lực không nhỏ, thậm chí còn nặng nề hơn so với lần đầu tiên. “Phải nói rằng rất áp lực. Trong 5 năm qua, người dân đã biết được những hành động và cam kết lúc vận động bầu cử của mình có thực hiện được hay không. Do đó, trong lần tái ứng cử này, tôi đứng trước áp lực phải làm mới bản thân mình, bằng những cam kết, chương trình hành động có tính đột phá nhưng vẫn phải bám sát thực tiễn, tâm tư, nguyện vọng của cử tri, đặc biệt là phụ nữ trong huyện”, bà Yên chia sẻ.
Những áp lực mà bà Phan Thanh Yên gặp phải cũng chính là áp lực mà hầu hết các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp dù là lần đầu hay tái cử gặp phải trong quá trình vận động bầu cử. Bởi theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, dân trí của cử tri, người dân ngày càng được nâng lên, những gửi gắm mong muốn của lãnh đạo địa phương và cử tri ngày càng cụ thể, kỳ vọng cao hơn, do đó yêu cầu đặt ra đối với mỗi ứng cử viên là rất lớn. Bên cạnh sự gần gũi, giản dị, chân thành, các ứng cử viên cần đưa ra chương trình hành động cụ thể, thể hiện rõ cam kết, trách nhiệm của mình với cử tri khi trở thành đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
Đồng quan điểm với Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho biết, trong kỳ bầu cử lần này, Hội đồng Bầu cử Quốc gia và Ban Công tác đại biểu (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đã có cải tiến, đó là yêu cầu các ứng cử viên nộp chương trình hành động làm cơ sở theo dõi, giám sát lời hứa của ứng cử viên khi trở thành đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Đây là một đổi mới quan trọng để đánh giá đại biểu và trong đổi mới hoạt động của Quốc hội cũng tiến tới việc đánh giá cụ thể chất lượng hoạt động của các đại biểu Quốc hội, gắn trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trước nhân dân, cử tri và trước Quốc hội.
Theo Phó Trưởng ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) Lưu Bình Nhưỡng, chương trình hành động là một dạng lời hứa, một sự cam kết có tính chất cá nhân. Cam kết, lời hứa này chỉ bị ràng buộc và có khả năng thực hiện khi ứng cử viên đó trúng cử, trở thành đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Vì đây là lời hứa, cam kết của cá nhân nên mỗi ứng cử viên có thể chọn các nội dung cam kết theo khả năng của mình mà không bắt buộc đồng nhất về nội dung. Tuy nhiên, nếu ứng cử viên trúng cử, cử tri và nhân dân sẽ giám sát, đánh giá việc thực hiện lời hứa khi vận động bầu cử trong suốt quá trình hoạt động của đại biểu. Do vậy, Phó Trưởng ban Dân nguyện nhấn mạnh, Chương trình hành động phải chứa đựng cam kết, trách nhiệm rất cao của ứng cử viên chứ không thể hứa suông, hứa rồi để đó.
Chia sẻ những áp lực mà các ứng cử viên đại biểu Quốc hội phải đối mặt, nhất là các ứng cử viên lần đầu, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, các ứng cử viên dựa trên thế mạnh của bản thân, cố gắng tìm hiểu tình hình tại địa phương, lường trước các tình huống thực tế đặt ra để trao đổi với cử tri một cách hợp lý. Cùng với đó, các ứng cử viên nên trình bày chương trình hành động ngắn gọn, thuyết phục, chuẩn bị nội dung chương trình hành động, kỹ năng vận động quần chúng sao cho tự tin, chân thành, hấp dẫn, phát huy kinh nghiệm và kiến thức để cử tri tin tưởng bỏ phiếu.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội Đặng Văn Thanh chỉ rõ, mỗi ứng cử viên phải bằng tiếng nói của mình thể hiện rằng, nếu là đại biểu Quốc hội sẽ đem lại lợi ích gì cho người dân, sẽ tiếp thu và chuyển tải những tâm tư, nguyện vọng của người dân đến Quốc hội như thế nào; từ cương vị công tác, từ dân tộc của mình mà phản ánh tâm nguyện, ý chí của cử tri đến Quốc hội ra sao.
Ông Đặng Văn Thanh lưu ý, đại biểu Quốc hội không chỉ đại diện cho cử tri thuộc lĩnh vực công tác của mình, thuộc giai tầng xã hội của mình nói riêng mà còn là người đại diện cho cử tri nói chung, nên phải thể hiện được sự quan tâm về những vấn đề của đất nước nói chung và trực tiếp là vấn đề mình đang đảm nhiệm, lĩnh vực mình hiểu biết.
Ví dụ, ứng cử viên là giáo viên sẽ quan tâm đến giáo dục, đào tạo nhân tài, chất lượng nguồn nhân lực… Ứng cử viên là cán bộ y tế thể hiện sự quan tâm đến sức khỏe của người dân, không chỉ là khám, chữa bệnh, mà còn phòng, chữa bệnh cho người dân, sức khỏe cộng đồng. Mỗi người trên cương vị công tác, với sự hiểu biết của mình sẽ tham gia với Quốc hội từ lĩnh vực đó. Nếu được tín nhiệm trở thành đại biểu Quốc hội, mỗi đại biểu phải học hỏi, tìm hiểu, trau dồi thêm kiến thức từ những lĩnh vực khác, không bó hẹp kiến thức của mình. Nhưng trong khi vận động bầu cử, các ứng viên phải thể hiện trước hết thế mạnh vốn có, sự hiểu biết, trí tuệ của mình với cử tri.
Trong quá trình vận động bầu cử, khi thực hiện cam kết trước cử tri cần cân nhắc theo đúng chức năng, nhiệm vụ của người đại biểu, phù hợp với điều kiện, khả năng, vị trí công tác của mình để “sàng lọc” những vấn đề sẽ hứa với cử tri. Cử tri là người sáng suốt, họ sẽ biết được ứng cử viên nào xứng đáng là người đại diện cho mình; ứng cử viên nào nói được, làm được.
Nói đi đôi với làm
Tiến sỹ Nguyễn Hải Long, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo đại biểu dân cử cho rằng, cử tri khi được tiếp cận với ứng cử viên theo hình thức nào thì cũng cố gắng tìm hiểu kỹ. Nếu như được tham dự các cuộc vận động bầu cử thì lắng nghe, trao đổi, hỏi lại để làm rõ hơn những nội dung mình quan tâm; nếu qua phương tiện thông tin đại chúng có thể nghe, đọc rồi so sánh giữa các ứng cử viên để từ đó tìm ra người đại diện được cho mình. Cũng có thể tranh thủ mọi phương tiện có thể tiếp cận được với ứng cử viên, có những ứng cử viên nổi tiếng có thể tìm hiểu thông tin trên mạng để hiểu rõ hơn quá trình hoạt động của họ.
Thực tế cho thấy, tại các hội nghị tiếp xúc cử tri đã diễn ra vừa qua, nhiều cử tri luôn dành một thời lượng nhất định để nghiên cứu kỹ chương trình hành động, đồng thời chăm chú lắng nghe lời cam kết của các ứng cử viên nếu trúng cử. Điều cử tri mong mỏi nhất, đặt kỳ vọng nhất ở mỗi ứng cử viên sau khi trúng cử là phải có kế hoạch, giải pháp cụ thể, thiết thực để triển khai chương trình hành động, biến những cam kết thành hiện thực.
Phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc cử tri với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, Đơn vị bầu cử số 1 của thành phố Hà Nội, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên đại biểu Quốc hội, cử tri quận Ba Đình đề nghị: Nếu các ứng viên được nhân dân khu vực tín nhiệm thì yêu cầu trước hết phải thực hiện nghiêm túc chương trình hành động của mình; là người đại biểu thực sự của nhân dân; mọi hoạt động phải thực sự hướng về lợi ích chính đáng của nhân dân, lợi ích quốc gia; kiên quyết đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, xâm phạm đến lợi ích của nhân dân, của quốc gia.
Đồng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Đình Phong, Giảng viên Cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ, không chỉ riêng ông mà tất cả nhân dân mong muốn, những người được bầu vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp phải có phẩm chất đạo đức chính trị và năng lực chuyên môn. Khi đã trở thành đại biểu phải đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, của cách mạng, của Đảng lên trên hết, đặc biệt tránh xa vòng danh lợi. Những người được bầu khi đứng vào đội ngũ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải xứng đáng với sự tín nhiệm của người dân.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Đình Phong cho rằng, để giữ được lời hứa với cử tri, mỗi đại biểu phải luôn luôn tự rèn mình như lời Bác Hồ dạy là “tu thân chính tâm” hằng ngày và suốt đời. Nếu chỉ một phút sao nhãng, quên đi lợi ích của Tổ quốc, người đó sẽ rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân. Ông Phong kỳ vọng, các đại biểu được bầu sẽ luôn “tu thân chính tâm” để xứng đáng với niềm tin của nhân dân.
Sáng tạo, linh hoạt, phù hợp, hiệu quả
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra trong thời điểm đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường. Do vậy, công tác bảo đảm an ninh chính trị, an toàn xã hội được đặt lên hàng đầu. Vượt khó, các địa phương đã triển khai nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp, bảo đảm quyền vận động bầu cử của người ứng cử, đồng thời đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh.
Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Lào Cai, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lào Cai Giàng Seo Vần cho biết, tỉnh đã linh hoạt tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri cho ứng cử viên theo hai hình thức song song. Đó là tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri trực tiếp kết hợp với trực tuyến để bảo đảm giãn cách.
Theo đó, tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến cho các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV, các ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; riêng cấp xã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri trực tiếp nhưng đảm bảo các điều kiện, phương án phòng, chống dịch COVID-19. Tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở điểm cầu chính, các ứng cử viên trình bày chương trình hành động, các cử tri dự tại các điểm cầu đều được theo dõi và phát biểu nguyện vọng, mong muốn của mình. Ủy ban Bầu cử cấp huyện sử dụng hệ thống loa phát thanh của xã, phường, thị trấn để truyền thanh trực tiếp nội dung cuộc tiếp xúc cử tri đến các tầng lớp nhân dân.
Theo ông Giàng Seo Vần, cách làm này vẫn bảo đảm đầy đủ thành phần tham dự hội nghị theo quy định; đồng thời bảo đảm được hiệu quả công tác phòng, chống dịch, không tập trung đông người, rút ngắn được thời gian và số lần tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri. Ngoài ra, điều này cũng đảm bảo được sự công bằng giữa các ứng cử viên, đảm bảo các ứng cử viên được tiếp xúc với rộng rãi các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh. Vừa qua, ứng cử viên đại biểu Quốc hội ở đơn vị bầu cử số 1 (gồm: thành phố Lào Cai và các huyện Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai) đã tiếp xúc với 2.800 cử tri trong cùng một thời điểm. Ứng cử viên đại biểu Quốc hội ở đơn vị bầu cử số 2 (gồm: thị xã Sa Pa và các huyện: Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn) đã tiếp xúc với 2.370 cử tri ở 72 điểm cầu, ở 4 huyện, thị xã, thành phố. “Thực tế cho thấy, việc tiếp xúc cử tri bằng hình thức trực tuyến rất phù hợp trong bối cảnh cả nước đang triển khai phòng, chống dịch”, ông Giàng Seo Vần nhấn mạnh.
Từ ngày 11 - 16/5/2021, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa X thực hiện các cuộc tiếp xúc cử tri vận động bầu cử trực tuyến từ 3 điểm cầu chính tại Hội trường Trung tâm Hành chính thành phố, Hội trường Hội đồng nhân dân thành phố, Hội trường Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố kết nối với các điểm cầu tại Hội trường Ủy ban nhân dân các phường, xã thuộc đơn vị bầu cử (56 điểm cầu). Trong các buổi tiếp xúc, tại 3 điểm cầu chính không quá 30 người/điểm cầu.
Theo ông Dương Đình Liễu, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng, trong quá trình tổ chức thực hiện, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết cho Hội nghị trực tuyến tại các điểm cầu; tổ chức lực lượng phục vụ, kỹ thuật, bảo vệ an ninh trật tự, tiếp công dân, nhân viên y tế đảm bảo công tác phòng, chống dịch theo quy định.
Đa số cử tri chia sẻ, đồng tình với hình thức vận động bầu cử này. Cử tri Cao Xuân Hiệu, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng cho rằng, việc tổ chức tiếp xúc cử tri trực tuyến hạn chế cử tri đến dự, nhưng không ảnh hưởng chất lượng nội dung tiếp xúc. Ông Cao Xuân Hiệu cho rằng, đây là biện pháp thiết thực trong tình hình hiện nay. Do dịch COVID-19 nên số cử tri đi dự ít hơn, nhưng vẫn đảm bảo tính đại diện. Các cử tri tham dự sẽ về truyền đạt lại kết quả buổi tiếp xúc với các cử tri khác.
Có chung quan điểm, cử tri Dương Thị Minh Đỗ, Phường 11, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Dù không được gặp trực tiếp với ứng cử viên đại biểu Quốc hội tại điểm cầu chính, nhưng bà vẫn có được cơ hội hiểu thêm về quá trình làm việc, những dự kiến hành động của các ứng cử viên. Bà vẫn có dịp để trao đổi, bày tỏ mong muốn của mình đối với các ứng cử viên, thậm chí còn có cơ hội để biết thêm nhiều hơn những mối quan tâm khác của cử tri ở các nơi khác trong quận mình.
Giữa bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, với chỉ đạo kịp thời của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cấp ủy, chính quyền địa phương, các hội nghị tiếp xúc cử tri dưới các hình thức trực tiếp hay kết hợp trực tuyến đã diễn ra suôn sẻ, thành công, không những không hạn chế sự tương tác giữa ứng cử viên và cử tri mà ngược lại, nó có ý nghĩa lan toả mạnh mẽ thông điệp, hành động của các ứng viên tới đông đảo cử tri. Tất cả những điều đó tạo nên động lực, niềm tin vững chắc để các tầng lớp nhân dân trong cả nước hồ hởi hướng đến Ngày hội non sông.
Bài 4: Vinh dự và trách nhiệm thực hiện quyền làm chủ