Tại buổi lễ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã bày tỏ cảm ơn cá nhân ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam và Cơ quan Liên hợp quốc đã hỗ trợ tích cực cho Việt Nam trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Với vai trò là Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, ông Kamal Malhotra đã tích cực thúc đẩy chương trình nghị sự của Liên hợp quốc nhằm giúp Việt Nam ứng phó hiệu quả hơn với biến đổi khí hậu và thiên tai, cũng như quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên và môi trường thông qua Kế hoạch chiến lược chung giai đoạn 2017 – 2021 giữa Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc tại Việt Nam. Hiện nay, Liên hợp quốc đã và đang đồng hành cùng các cơ quan của Chính phủ Việt Nam, trong đó có Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực hiện các nỗ lực chung ứng phó với biến đổi khí hậu, tập trung vào Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris của Việt Nam với trọng tâm là Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).
Bày tỏ vinh dự được trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tài nguyên và Môi trường”, ông Kamal Malhotra cho biết, đảm nhiệm vị trí Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam trong những năm qua là công việc vinh dự nhất, mang lại cho ông nhiều kỷ niệm sâu sắc nhất. Khẳng định, Việt Nam ngày càng có vai trò, tiếng nói quan trọng tại Liên hợp quốc do sự tham gia, đóng góp chủ động, tích cực, có trách nhiệm vào công việc chung của cộng đồng quốc tế và Liên hợp quốc, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc Kamal Malhotra nhấn mạnh sẽ tiếp tục ủng hộ Việt Nam.
Trong thời gian qua, Liên hợp quốc đã có những đóng góp quan trọng và tích cực đối với Việt Nam trong việc hoạch định chính sách vĩ mô, cũng như hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho việc xây dựng và thực hiện các chính sách về biến đổi khí hậu, quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên và môi trường.
Liên hợp quốc đã tham gia hỗ trợ quá trình hoàn thiện và sửa đổi một số luật quan trọng như Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020; góp phần hỗ trợ xây dựng bộ hướng dẫn kỹ thuật cho các kế hoạch bảo vệ môi trường và nâng cao năng lực thể chế quốc gia về quản lý chất thải, tiêu chuẩn hóa các quy trình phân tích, thu thập dữ liệu, giám sát và báo cáo. Với sự hỗ trợ của Liên hợp quốc, năng lực của nhiều bên liên quan cũng được xây dựng để quản lý, xử lý và cuối cùng loại bỏ các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) và các chất thải nguy hại khác ra khỏi đất nước.
Trong lĩnh vực quản lý tài nguyên thiên nhiên, Liên hợp quốc đã góp phần hỗ trợ nâng cao năng lực của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản trị đại dương và quy hoạch không gian biển phù hợp với việc thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển bền vững nền kinh tế biển của Việt Nam. Tổ chức này cũng hỗ trợ lồng ghép khái niệm kinh tế tuần hoàn vào việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường.
Liên hợp quốc đã hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp và một số cơ quan nhà nước để tăng cường sản xuất các-bon thấp và tiết kiệm năng lượng, bao gồm cả việc thúc đẩy chuyển đổi các khu công nghiệp thành các khu công nghiệp sinh thái (EIP), tiếp thu các công nghệ mới và các phương pháp vận hành tốt nhất trong công nghiệp. Cụ thể trong sử dụng nồi hơi tiết kiệm năng lượng và công nghệ sản xuất gạch không nung, cũng như giới thiệu các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà hiện có và mới, góp phần giúp tiết kiệm nguồn tài chính và năng lượng, cũng như giảm lượng khí thải CO2, nước thải và chất thải rắn.