Hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B là toàn bộ hồ sơ, giấy tờ, kỷ vật được hình thành trong quá trình hoạt động của cán bộ, công nhân viên thuộc các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể địa phương được cử vào Nam công tác và từ các cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc công tác, an dưỡng, chữa bệnh, sau đó trở về miền Nam.
Trước khi vào Nam, theo quy định, các cán bộ đi B phải gửi lại toàn bộ tư trang, hành lý, đồ dùng, vật dụng, giấy tờ và cả tài sản cá nhân… (gọi là hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B) cho Ủy ban Thống nhất Chính phủ quản lý. Trong mỗi bộ hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B, ngoài tài liệu phản ánh những thông tin cá nhân như sơ yếu lý lịch, phiếu cán bộ, thẻ Đảng, sổ Đoàn… còn có nhiều kỷ vật như Huân chương, Huy chương, Giấy khen, Bằng khen, album ảnh, nhật ký, sổ tay... Theo đó, Trung tâm Lưu trữ lịch sử Quảng Ninh đã tiếp nhận 149 hồ sơ của cán bộ quê tỉnh Quảng Ninh đi B giai đoạn 1965 - 1975 tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.
Tại Hội nghị, Sở Nội vụ đã trao trả trực tiếp 57 hồ sơ cho cán bộ và thân nhân cán bộ đi B. Những hồ sơ còn lại của những cán bộ trong tỉnh không tới được vì lý do sức khỏe hoặc ở ngoại tỉnh sẽ được Sở Nội vụ gửi đến tận tay cán bộ và thân nhân của họ.
Xúc động khi nhận lại hồ sơ đi B, ông Nguyễn Mạnh Hùng (sinh năm 1949, phường Cẩm Trung, thành phố Cẩm Phả) chia sẻ, ông rất vui khi được nhận lại hồ sơ đi B của mình. Đó là những tư liệu lịch sử quý đối với cá nhân và gia đình ông. Đặc biệt hơn, thông qua hội nghị này, ông nhận lại được hồ sơ đi B của em trai (đã mất năm 1979). Việc này giống như được "chạm vào" và "gặp lại" người em của mình sau nhiều năm xa cách. Đó là kỷ vật, kỷ niệm thiêng liêng được tìm lại.
Bà Bùi Thị Bính, Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ninh thông tin, những hồ sơ, kỷ vật này không chỉ lưu lại thông tin cá nhân và quá trình phấn đấu của cán bộ đi B mà còn là nguồn sử liệu vô cùng quý giá, minh chứng cho tinh thần yêu nước, cách mạng của các thế hệ cán bộ đi B tỉnh Quảng Ninh nói riêng, cả nước nói chung trong giai đoạn cách mạng hào hùng; góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Việc trao trả lại hồ sơ đi B là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thể hiện sự tôn vinh, tri ân với những người có công trong kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.
Đối với các hồ sơ còn lại chưa tìm được địa chỉ, Trung tâm Lưu trữ lịch sử, Sở Nội vụ sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương liên quan để tìm kiếm, xác minh để hồ sơ sớm trở về với chủ nhân cũng như của thân nhân người đã mất.