Với mục tiêu đưa ra các sáng kiến, giải pháp, đóng góp cho sự nghiệp đổi mới sáng tạo của đất nước trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam với khu vực và toàn cầu, các đại biểu tham dự Diễn đàn đã chia nhóm thảo luận, đề xuất các giải pháp tập trung vào 4 nội dung: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; bảo vệ tài nguyên môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; công nghệ và quản lý trong nền kinh tế số; nâng cao năng suất lao động và đảm bảo công bằng xã hội.
Một trong những điểm mới năm nay là bên cạnh các chủ đề về khoa học - công nghệ - giáo dục, Diễn đàn cũng đưa vào thảo luận các nội dung về phát triển và công bằng xã hội nhằm thu hút mối quan tâm cũng như định hướng các giá trị trong trí thức trẻ, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Tại nhóm thảo luận về công nghệ và quản lý trong nền kinh tế số, các đại biểu đã nghe phần trình bày về “Việt Nam và Internet vạn vật (IoT - Internet of Things): Tầm nhìn cho Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, khái quát về tầm nhìn của Chính phủ về IoT cũng như quá trình hoàn thiện các cơ chế, chính sách và pháp luật nhằm chuẩn bị cho Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, qua đó thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái IoT và chuyển đổi số; tầm nhìn đào tạo và tầm nhìn doanh nghiệp trong việc chủ động triển khai IoT và số hóa hoạt động; tham gia vào hệ sinh thái quốc gia, hợp tác cùng có lợi với các doanh nghiệp khác, gia tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp nội địa.
Ngoài ra, các đại biểu tham dự cũng thảo luận về một số chuyên đề khác như quản lý thị trường công nghệ cao trong nền kinh tế số, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về vấn đề liên quan từ ứng dụng của các quốc gia như Hàn Quốc, Singapore…
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng suất lao động và đảm bảo công bằng xã hội cũng là chủ đề nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu dự Diễn đàn năm nay, với những chia sẻ về các công trình nghiên cứu có tính ứng dụng như: “Sử dụng game mô phỏng (simulation) trong đào tạo và huấn luyện về phát triển bền vững”, “Các nhân tố ảnh hưởng đến động lực làm việc của người lao động trong doanh nghiệp: Nghiên cứu trường hợp các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tại Việt Nam”, “Thiết kế, chế tạo máy phát hiện thiết bị công nghệ cao dùng gian lận trong thi cử”, "Ứng dụng công nghệ blockchain trong quản lý giáo dục”, “Các nhân tố thành công cốt lõi (CSFs) trong việc phát triển bền vững nhà ở xã hội ở Việt Nam”, “Xây dựng và đẩy mạnh chế định về điều kiện làm việc linh hoạt trong pháp luật lao động Việt Nam”…
Với nội dung về bảo vệ tài nguyên môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, các đại biểu đem tới Diễn đàn năm nay một số chủ đề thảo luận về: “Tổng hợp và ứng dụng chế phẩm nano sắt để loại bỏ các kim loại nặng phổ biến từ nước và nước thải”, “Khảo sát nồng độ của hợp chất đa vòng thơm (PAHs) trong không khí ở Thành phố Hồ Chí Minh”, “Năng lượng tái tạo ở Việt Nam - Tiềm năng và thách thức”…
Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II, năm 2019 kết thúc vào ngày 28/11/2019. Dự kiến các đại biểu sẽ thông qua Báo cáo đề xuất, khuyến nghị của Diễn đàn; Báo cáo chuyên môn về các lĩnh vực ưu tiên trong phát triển bền vững; Báo cáo ghi nhận các cơ chế, khuyến nghị nhằm phát huy vai trò của trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu và kỷ yếu Diễn đàn, danh sách các nhóm nghiên cứu chuyên sâu.