Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì Hội nghị.
Những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành kết luận, quy hoạch về đẩy mạnh xây dựng phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Hệ thống văn bản pháp quy về công nghiệp quốc phòng từng bước được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Trên cơ sở định hướng chiến lược và các văn bản quy phạm pháp luật về công nghiệp quốc phòng, các mặt công tác quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng được duy trì và thực hiện nghiêm túc, đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực. Đặc biệt, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đã nghiên cứu, chế tạo và thử nghiệm thành công nhiều loại vũ khí, khí tài, đạn dược, có hàm lượng khoa học cao, đáp ứng yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị trong toàn quân.
Hội nghị xác định, trong thời gian tới, nhiệm vụ xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng cần tập trung theo hướng tự chủ, tự cường, hiện đại và lưỡng dụng. Theo đó, tiếp tục hoàn thiện các thể chế và cơ chế lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với công nghiệp quốc phòng; tăng cường công tác xây dựng Đảng, công tác chính trị; không ngừng xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ, công nhân, thợ kỹ thuật công nghiệp quốc phòng nòng cốt tại các nhà máy, xí nghiệp...
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Phan Văn Giang đề nghị tập trung tổ chức tổng kết 12 năm thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng để tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quốc hội những vấn đề mới nhằm củng cố, hoàn thiện hệ thống tổ chức và cơ chế quản lý, chỉ huy, điều hành đối với các lĩnh vực công nghiệp quốc phòng nòng cốt, trọng yếu. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, tạo hành lang pháp lý để công nghiệp quốc phòng phát triển và hội nhập với nền công nghiệp quốc gia.
Ngoài ra, cần hoàn thiện cơ chế bảo đảm kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng tại các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng; tăng cường mở rộng và phối hợp với các cơ sở khoa học công nghệ, sản xuất dân sinh trong đào tạo, nghiên cứu; phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng của Đảng, Nhà nước và Quân đội, góp phần nâng cao tiềm lực và sức mạnh quân sự, quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.