Tại Hội nghị, các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm trong việc định hướng nội dung thông tin, công tác chỉ đạo, quản lý báo chí hoạt động theo đúng định hướng, mục đích, tôn chỉ đã đề ra; cách tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí trong bối cảnh dịch COVID-19 tại tâm dịch TP Hồ Chí Minh cũng như đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, đạo đức cho lực lượng báo chí hiện nay...
Giữ vững định hướng hoạt động
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Nguyễn Phạm Duy Trang cho biết, trong năm 2021, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy Trung ương Đoàn chỉ đạo hoạt động của các cơ quan báo chí của Đoàn đạt được những kết quả tích cực, thực hiện tốt chức năng cơ quan ngôn luận của tổ chức Đoàn, Hội, Đội; là diễn đàn, là cầu nối giữa ý Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội với nhân dân, thanh thiếu nhi trong nước và nước ngoài.
Trong định hướng nội dung thông tin, công tác chỉ đạo, định hướng được Ban Bí thư, Ban Thường vụ Đảng ủy Trung ương Đoàn thực hiện thường xuyên, quyết liệt, bám sát tình hình thực tiễn, chủ động nắm bắt các sự kiện, kịp thời thông tin định hướng cho các cơ quan báo chí của Đoàn, góp phần giữ vững định hướng, hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích. Các chủ trương, định hướng mới của Đảng, Nhà nước về công tác thông tin, tuyên truyền được cập nhật kịp thời tới các cơ quan báo chí, xuất bản.
Trước các sự kiện, hoạt động lớn, quan trọng của Đoàn, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã chỉ đạo các báo xây dựng Kế hoạch tuyên truyền tổng thể; định hướng, theo dõi, đôn đốc công tác tuyên truyền trên mặt báo. Trên cơ sở kế hoạch chung, các báo triển khai các tuyến tin, bài đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, đúng định hướng, tạo sức lan tỏa tốt cho các hoạt động.
Cùng với đó, công tác chấn chỉnh, nhắc nhở thông tin sai phạm trong hoạt động báo chí được tăng cường. Công tác quản lý, giải quyết các đề xuất, kiến nghị của các cơ quan báo chí liên quan chuyên môn, tổ chức, cán bộ được thực hiện kịp thời. Ban Bí thư, Ban Thường vụ Đảng ủy Trung ương Đoàn đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, nắm bắt tình hình tư tưởng, duy trì và nâng cao chất lượng công tác Đảng, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở đối với các cơ quan báo chí thuộc Trung ương Đoàn. Công tác nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí của Đoàn được thực hiện thường xuyên, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh về tư tưởng, giải quyết nguyện vọng chính đáng để đảng viên, cán bộ, người lao động vững niềm tin, yên tâm công tác…
Đối với công tác quản lý về tổ chức, cán bộ của các cơ quan báo chí thuộc Trung ương Đoàn, triển khai Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 của Chính phủ và Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã thực hiện rất sớm, rất nghiêm túc, theo đúng quy trình, cẩn trọng, kỹ lưỡng và hoàn thành việc sáp nhập các cơ quan báo chí thuộc Trung ương Đoàn trong năm 2020.
Để thực hiện tốt công tác báo chí, Đảng ủy, Ban Bí thư Trung ương Đoàn xác định một số nhiệm vụ như tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, định hướng báo chí của Đoàn; định hướng phát triển báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số; trong giao nhiệm vụ, kế hoạch cho các cơ quan báo chí năm 2022, tập trung giao các báo nghiên cứu chuyển đổi mô hình theo hướng Tòa soạn điện tử, tiến tới lấy báo điện tử và kênh thông tin ứng dụng công nghệ mới làm trụ cột phương thức tổ chức hoạt động; thực hiện tốt công tác cán bộ, nhất là việc tuyển dụng, quản lý phóng viên, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ; làm tốt công tác Đảng, công tác quần chúng, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở…
Truyền thông là một trong những trụ cột chống dịch
Chia sẻ kinh nghiệm tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí trong tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 của Trung tâm Báo chí TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng cho biết, trong khoảng 100 ngày cao điểm phòng, chống dịch, từ giữa tháng 6 đến hết tháng 9, cả thành phố đã trải qua những ngày tháng khó quên khi phải đối diện và xử lý những việc rất mới, khó, chưa ai từng gặp và tất nhiên là không thể có kinh nghiệm.
Khi áp lực từ dịch bệnh gia tăng, việc giãn cách xã hội thực hiện triệt để, các hoạt động cơ bản của thành phố đều phải dừng lại. Chính lúc này, nhu cầu thông tin của người dân lại được đẩy lên rất cao. Chủ trương xuyên suốt của Trung ương và TP Hồ Chí Minh là công khai, minh bạch, không giấu dịch, tạo điều kiện tốt nhất để các cơ quan báo chí cập nhật thông tin nhanh chóng, chính xác. TP Hồ Chí Minh xác định tinh thần “truyền thông an dân” phải trở thành một trong những trụ cột chống dịch, coi đây là yêu cầu quan trọng hàng đầu trong cuộc chiến này.
Nêu 6 kinh nghiệm và bài học về việc cung cấp thông tin cho báo chí, ông Lâm Đình Thắng cho biết, những thay đổi có tính chất cơ bản từ công tác truyền thông phải nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện tối đa và thống nhất từ người đứng đầu của cấp ủy, chính quyền xuống tới cấp dưới. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp phải tuân thủ nghiêm kỷ luật phát ngôn theo Nghị định 09 của Chính phủ, người được giao trách nhiệm phát ngôn phải đầu tư thời gian để trau dồi kỹ năng để ứng xử và cung cấp thông tin cho báo chí một cách chuyên nghiệp; tránh xảy ra khủng hoảng truyền thông, xử lý hậu quả. Bên cạnh đó, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cho rằng, phải đầu tư xây dựng được đội ngũ cán bộ làm truyền thông trẻ, chuyên nghiệp, tâm huyết, có bản lĩnh chính trị vững vàng cùng với hạ tầng cơ sở vật chất đủ mạnh như mô hình Trung tâm báo chí gắn liền với sự quản lý của Sở Thông tin và Truyền thông hoặc Ban Tuyên giáo Thành ủy để có thể hoạt động trong mọi hoàn cảnh.
Song song đó, báo chí phải chấp hành nghiêm Luật Tiếp cận thông tin 2016 khi tiếp cận các văn bản của cơ quan nhà nước, nhất là phải tiếp cận có điều kiện những văn bản trao đổi, tờ trình xin ý kiến chưa được cấp thẩm quyền thông qua; không nên hạn chế, hoặc giấu thông tin, nhất là với những vấn đề báo chí, mạng xã hội quan tâm, có dấu hiệu trở thành điểm nóng, phải thông tin càng sớm, càng tốt, trên tinh thần trực diện, công khai và chuyên nghiệp. Việc phòng, chống đại dịch COVID-19 phải là sự nghiệp của toàn dân.
Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và đạo đức
Nhấn mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ, đạo đức là vấn đề đặc biệt quan trọng, nhất là trong bối cảnh bùng nổ truyền thông mạng xã hội như hiện nay, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Thị Thu Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cho rằng, các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông cần đưa nội dung về “Pháp luật và Đào đức báo chí truyền thông” trở thành học phần bắt buộc trong khung chương trình đào tạo, đặc biệt ở bậc cử nhân và thạc sỹ báo chí; cần gia tăng thời lượng thích đáng cho học phần này, đồng thời, nâng cao chất lượng, đổi mới phương pháp giảng dạy... Theo đó, cần xây dựng các chương trình tập huấn ngắn hạn về nâng cao kiến thức pháp luật và đạo đức báo chí truyền thông bên cạnh các khóa tập huấn nghiệp vụ.
Đồng thời, các cơ quan báo chí cần tăng cường quản lý, bồi dưỡng, đào tạo phóng viên, không chỉ về chuyên môn, nghiệp vụ, mà còn cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp, xem đây là công việc thường xuyên, lâu dài. Việc tuyển dụng cần chú ý, bên cạnh các nội dung kiểm tra về năng khiếu báo chí, về kỹ năng nghiệp vụ, cần có các nội dung kiểm tra về đạo đức và pháp luật báo chí.
Bên cạnh đó, các cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí cần tổ chức, sắp xếp lại cho hợp lý hệ thống báo chí; xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân vi phạm luật pháp và đạo đức báo chí; nâng cao chất lượng và đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo trong thông tin, tuyên truyền; có cơ chế nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả kiểm soát, xử lý những thông tin sai lệch, tin giả trên mạng xã hội.
Cùng với việc đẩy mạnh tư tưởng đạo đức người làm báo trong bối cảnh hiện nay, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Thị Thu Hương cho rằng cần lồng ghép trong các học phần trong trường phổ thông để trang bị cho học sinh, sinh viên kỹ năng tự bảo vệ thông tin cá nhân, cách thức chắt lọc, tiếp nhận và truyền tải thông tin; nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức, trách nhiệm, đạo đức truyền thông khi tham gia các nền tảng truyền thông xã hội cho mọi công dân…
Không hợp nhất cơ học, cộng dồn các cơ quan báo chí
Chia sẻ kinh nghiệm đổi mới mô hình tổ chức, sắp xếp lại cơ quan báo chí, Giám đốc, Tổng Biên tập Đài Phát thanh -Truyền hình và Báo Bình Phước Nguyễn Thị Minh Nhâm cho biết, Bình Phước là tỉnh thứ hai trong cả nước thực hiện mô hình hợp nhất cơ quan báo chí cấp tỉnh sau Quảng Ninh, trở thành cơ quan báo chí đa phương tiện ở địa phương. Những khó khăn, áp lực, rào cản đến từ yêu cầu sắp xếp lại tổ chức bộ máy; thay đổi tư duy, thói quen tác nghiệp của phóng viên, biên tập viên theo mô hình tòa soạn hội tụ; cơ sở hạ tầng kỹ thuật lạc hậu, thiếu thốn; doanh thu quảng cáo sụt giảm… “Tuy nhiên với tinh thần “cứ đi rồi sẽ đến”, chúng tôi luôn lạc quan hướng về phía trước tin là mình sẽ làm được, không gì là không thể”, bà Nhâm chia sẻ.
Với phương châm “Chú trọng báo nói, đổi mới báo hình, cải tiến báo in, bứt phá báo điện tử”, tất cả 4 phòng nội dung (Thời sự, Chuyên mục - Chuyên đề, Bạn đọc Tư liệu Công tác xã hội, Thư ký biên tập) đều có trách nhiệm thực hiện 4 loại hình báo chí. Các phóng viên, biên tập viên đều phải thực hiện 4 loại hình báo chí, đồng thời vẫn có những phóng viên chuyên sâu 1-2 loại hình báo chí, ưu tiên viết cho những tuyến bài chính luận, phản biện.
Đến nay, Đài Phát thanh-Truyền hình và Báo Bình Phước có khoảng hơn 80% phóng viên, biên tập viên ra hiện trường có thể tác nghiệp cho cả 4 loại hình báo chí; có sự đột phá, mới lạ, không còn lối mòn, có sự cạnh tranh giữa các loại hình báo chí và từng phóng viên, biên tập viên. Số lượng tin, bài cũng tăng lên 40%, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước đã làm tốt vai trò truyền thông chủ động, định hướng những chủ trương, chính sách, định hướng của tỉnh trên mặt trận tư tưởng, xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh... Đặc biệt, khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh lần thứ tư, 100% chương trình, thông tin trên 4 loại hình báo chí và các hạ tầng số đều tập trung tuyên truyền phòng, chống dịch, ưu tiên tin tức và khoa giáo, trung bình mỗi tuần có khoảng 3.000 tin, bài.
Đài Phát thanh -Truyền hình và Báo Bình Phước thực hiện đúng chủ trương: Không hợp nhất cơ học, cộng dồn các cơ quan báo chí, mà hòa trộn tất cả các nhiệm vụ chính trị, cách thức hoạt động của các loại hình báo chí và công tác tổ chức cán bộ. Hợp nhất để tổng hợp sức mạnh, để tạo ra mô hình mới, cách làm mới, đem lại hiệu quả truyền thông, không đơn thuần chỉ là việc tinh gọn bộ máy tổ chức. Việc hợp nhất đã tiết kiệm được chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật và con người, nâng cao được hiệu quả đầu tư, tận dụng tối đa nguồn nhân lực và tài nguyên thông tin.
Chia sẻ kinh nghiệm, bà Nguyễn Thị Minh Nhâm nhấn mạnh cần có sự ổn định tư tưởng và tạo sự đồng thuận của toàn thể viên chức, người lao động; phát huy vai trò trung tâm quy tụ của người đứng đầu; theo sát chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, các cơ quan định hướng, quản lý báo chí, bám sát hoạt động của địa phương; chú trọng bố trí cán bộ có đủ năng lực chuyên môn, năng lực quản lý, uy tín; sắp xếp vị trí việc làm phù hợp với năng lực, kinh nghiệm; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng để đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên có kỹ năng làm báo đa phương tiện, làm được nhiều loại hình báo chí; quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, thu nhập cho viên chức, người lao động; tạo môi trường làm việc khoa học, dân chủ, cởi mở, khuyến khích, cổ vũ đổi mới, sáng tạo, cạnh tranh lành mạnh…