Tết Nguyên đán là dịp cao điểm để Đảng, Nhà nước quan tâm chăm lo cho người dân, đặc biệt là người có công và gia đình chính sách. Nhân dịp này, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã giải đáp nhiều vấn đề liên quan đến việc chăm lo Tết cho người nghèo, gia đình người có công, cũng như lương, thưởng Tết cho người lao động. Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN |
*Kịp thời chuyển quà Tết đến các đối tượng chính sách
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nêu rõ: Việc chăm lo Tết cho mọi người dân, đặc biệt là đối tượng người có công, người nghèo luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Đối với người có công, nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, Chủ tịch nước đã có quyết định tặng quà với hai mức: 200 nghìn đồng/người và 400 nghìn đồng/người. Quyết định này kèm theo kinh phí đã được chuyển tới các địa phương. Cùng với quà của Chủ tịch nước, các cơ quan chức năng liên quan và các địa phương cũng chủ động kinh phí tặng quà cho người có công.
Về đối tượng người nghèo, Chính phủ đã quy định có hai mức: Hỗ trợ gạo và hỗ trợ tiền tùy điều kiện, hoàn cảnh của từng đối tượng. Cùng với đó, các địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng đã huy động thêm sự đóng góp để tất cả người nghèo đều được đón Tết.
Bộ trưởng nêu rõ: Trong quá trình thực hiện, quà của Chủ tịch sẽ đến với người có công trước Tết. Đối với người nghèo, gạo hỗ trợ có hai loại: Hỗ trợ ăn Tết và hỗ trợ giáp hạt. Những trường hợp hỗ trợ chưa đến được với người nghèo trước Tết có thể là do địa phương đó hỗ trợ gạo dịp giáp hạt hoặc chưa kịp triển khai trước Tết. Từ phản ánh của người dân, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã cho kiểm tra và chỉ đạo các địa phương cần chủ động, kịp thời chuyển quà Tết đến các đối tượng được hưởng.
*Kịp thời lên phương án thưởng Tết cho người lao độngVới trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về lương, thưởng Tết, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định: Đến thời điểm này, trên 80% doanh nghiệp đã có thưởng Tết Dương lịch cho người lao động. Đối với Tết cổ truyền dân tộc, phần đông các doanh nghiệp đã có kế hoạch thưởng cho người lao động. Thời gian Tết còn một tháng nữa nên một số doanh nghiệp đã có mức thưởng cụ thể cho người lao động. Kiểm tra và xem xét báo cáo của các địa phương cho thấy, mặc dù năm 2014 có nhiều khó khăn nhưng phần lớn các doanh nghiệp đều có phương án thưởng Tết. Đây là sự cố gắng của các doanh nghiệp cần ghi nhận. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp còn khó khăn, Bộ sẽ cho rà soát vấn đề này. Nếu có một bộ phận doanh nghiệp còn khó khăn, không thể thưởng Tết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo báo cáo với địa phương để hỗ trợ cho người lao động.
Bộ trưởng cho rằng thưởng Tết là khoản khuyến khích, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp đã có phương án cụ thể. Theo quy định, người lao động có quyền giám sát, kiểm tra việc thực hiện của các doanh nghiệp. Tại một số nơi, người lao động nếu chưa thấy thưởng Tết có thể kiểm tra lại hợp đồng lao động từ đầu năm xem doanh nghiệp mà mình đang làm việc cam kết có khoản thưởng cho người lao động và có công khai không. Nếu quy chế thưởng của doanh nghiệp ban hành có nội dung này, người lao động cần báo với công đoàn cơ sở để công đoàn đôn đốc doanh nghiệp thực hiện. Nếu doanh nghiệp đã có quy chế đầu năm mà không thực hiện, người lao động cần báo Sở, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương để có điều kiện can thiệp, thực hiện đúng quy chế của doanh nghiệp về lương, thưởng trong hợp đồng của doanh nghiệp đối với người lao động.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các khu công nghiệp nắm tình hình thưởng Tết. Theo báo cáo của các địa phương, tình hình thưởng Tết năm 2015 tăng 15% so với năm 2014. Như vậy, tình hình chung, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động được nâng lên.
*Bảo đảm quyền lợi của lao động đi làm việc ở nước ngoài
Trước phản ánh của một số người lao động bị ngược đãi khi đi xuất khẩu lao động tại Trung Đông, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhận định: Trung Đông là một thị trường lao động tốt. Việt Nam đã có khoảng 16.000 lao động sang làm việc tại đây, trong đó có khoảng 4 nghìn lao động giúp việc gia đình, do 50 doanh nghiệp đưa sang làm việc tại đây. Khi doanh nghiệp đưa người lao động sang cần giới thiệu, hướng dẫn người lao động về phong tục tập quán, văn hóa, điều kiện sinh hoạt của thị trường đó. Thị trường Trung Đông có quy định riêng so với các thị trường khác nên có trường hợp doanh nghiệp đưa người lao động đi nhưng chưa chuẩn bị kỹ cho người lao động, dẫn đến một số lao động nữ khi sang làm việc tại đây không thể thích ứng được phải bỏ về. Theo quy định, người lao động khi sang thị trường lao động Trung Đông, nhất là lao động giúp việc gia đình, trong vòng 3 tháng, nếu tự ý bỏ hợp đồng, người lao động phải tự mua vé về nước. Trên cơ sở phản ánh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Ả Rập Xê út giải quyết vấn đề này.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền lưu ý các doanh nghiệp đưa người lao động sang thị trường Trung Đông cần hướng dẫn kỹ cho người lao động về điều kiện, tập quán văn hóa để người lao động hiểu.
Bộ trưởng cho biết: Cùng với việc cho phép doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiến hành kiểm tra, đối với các doanh nghiệp thực hiện không đúng hợp đồng, Bộ sẽ không cho phép thực hiện việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Qua thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện thấy doanh nghiệp vi phạm, không hướng dẫn kỹ cho người lao động; lấy số lượng mà không đặt chất lượng, hiệu quả công việc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ xem xét để đình chỉ công việc.
Về triển vọng công tác xuất khẩu lao động năm 2015, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Các thị trường chính của Việt Nam hiện nay vẫn là Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Ả rập Xê út. Năm 2015, cùng với việc đưa lao động đi giúp việc tại Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Hàn Quốc, bộ sẽ xuất khẩu lao động tay nghề cao đi Nhật, Đức làm hộ lý, y tá.
Một trong các thị trường khác là Thái Lan. Trước đây, Việt Nam chưa có hợp đồng chính thức để bảo vệ người lao động tại Thái Lan mặc dù có hàng trăm nghìn lao động đang làm việc tại các tỉnh biên giới của nước này. Năm 2015, Chính phủ hai nước đã đồng ý phối hợp trong công tác xuất khẩu lao động.
Đài Loan cũng là thị trường có một thời gian Việt Nam phải dừng việc xuất khẩu lao động. Đến nay, theo ký kết mới, những vấn đề còn vướng mắc sẽ được khơi thông. Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền hy vọng sẽ đạt được 100 nghìn lao động xuất khẩu trong năm 2015.
Phúc Hằng (TTXVN)