Trong khuôn khổ “Ngày hội Đối tác Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Australia" diễn ra ngày 30/6 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đã trao đổi với báo chí về tầm quan trọng của công cuộc phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam cũng như những hiệu quả trong hợp tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Australia.
Ông có thể chia sẻ về tầm quan trọng và cần thiết của công cuộc phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam?
Việt Nam đã xác định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững. Những định hướng này đã được xác định rất rõ trong các văn kiện Đại hội Đảng, các nghị quyết Trung ương; sau đó được cụ thể hóa tại các chiến lược của Chính phủ, thông qua hành lang pháp lý, điều luật, nghị định và thông tư.
Việt Nam đã qua giai đoạn tăng trưởng dựa trên lao động giá rẻ và nguồn tài nguyên thiên nhiên và hiện đã đạt ngưỡng của quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp. Tuy nhiên, để vượt qua được bẫy thu nhập trung bình thấp, như nhiều bài học kinh nghiệm trên thế giới, chúng ta phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong giai đoạn hiện nay, thúc đẩy đổi mới sáng tạo chính là làm sao đưa được những kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ vào cuộc sống, vào sản xuất kinh doanh, tạo ra những sản phẩm mới, dịch vụ mới, làm gia tăng giá trị hàng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng cuộc sống người dân. Đó là con đường tất yếu Việt Nam phải triển khai trong thời gian tới để phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững.
Để cụ thể hóa đường lối chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, trong thời gian dài, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với nhiều tổ chức, cơ quan của Chính phủ nước ta cũng như các nước trên thế giới để tìm hiểu những bài học kinh nghiệm trong ứng phó, cập nhật chính sách mới nhất, bước phát triển cập nhật nhất để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học. Có thể kể đến những chương trình hợp tác với Phần Lan, Ngân hàng thế giới; gần đây là chương trình hợp tác với Australia.
Thông qua những dự án hợp tác này, ngành Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm, từ đó xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, những đề án để hiện thực hóa bằng các dự án cụ thể; từ đó, nâng cao năng lực xây dựng, nghiên cứu phát triển cộng đồng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, hình thành được một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong tổng thể hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia giai đoạn hiện nay.
Ông đánh giá như thế nào về những hỗ trợ, hợp tác của Chính phủ Australia thông qua chương trình Aus4Innovation đối với công cuộc chuyển đổi số, tăng tốc phát triển Khoa học và Công nghệ, đáp ứng đòi hỏi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam?
Cùng với sự hợp tác hỗ trợ của Australia, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai các nội dung xoay quanh lĩnh vực đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số một cách bài bản và toàn diện, từ xây dựng chiến lược đến các hoạt động cụ thể. Theo đó, năm 2018, Bộ đã thực hiện nghiên cứu, thực hiện Báo cáo: “Tương lai nền kinh tế số Việt Nam hướng tới đến năm 2030 và 2045”. Đây là Báo cáo mở đầu cho việc xác định chiến lược phát triển về kinh tế số của Việt Nam. Sau Báo cáo này, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ nhiều bộ, ngành, đã và đang phát triển mạnh mẽ lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, Bộ cũng thực hiện một số báo cáo đánh giá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội. Những báo cáo, nghiên cứu, đánh giá này giúp đưa ra định hướng, gợi ý về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, tham mưu cho việc xây dựng các văn kiện Đại hội Đảng, xây dựng Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 và nhiều chiến lược hành động khác.
Bước hành động tiếp theo, với những kinh nghiệm học hỏi được từ Australia, các đơn vị thuộc Bộ đã có hành động cụ thể như kết nối, xây dựng các câu lạc bộ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thiết kế sổ tay thương mại hóa hướng dẫn các viện nghiên cứu, trường đại học các bước thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, đưa được vào cuộc sống, kết nối được với doanh nghiệp, người dân.
Một bước hợp tác cụ thể hơn, Chính phủ hai nước đã tài trợ các dự án đổi mới sáng tạo kết nối giữa Việt Nam và Australia trên nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp bền vững đến hỗ trợ y tế ở các vùng sâu, vùng xa; đào tạo, tư vấn y tế khu vực vùng sâu, vùng xa, những dự án công nghệ cao… tất cả đều được thực hiện theo hướng bài bản và toàn diện.
Thời gian tới, cùng với các chuyên gia Australia và nhiều đầu mối hợp tác quốc tế khác, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ cụ thể hóa, hoàn thiện, đẩy mạnh hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam; đồng thời, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý; xây dựng và hoàn thiện Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) để bao quát được những nội hàm mới cũng như đưa nội hàm về quản lý nhà nước trong đổi mới sáng tạo.
Ông có thể cho biết một số những điểm sáng Việt Nam học hỏi được từ kinh nghiệm đổi mới sáng tạo nổi bật của Australia?
Thông qua quá trình hợp tác giữa Việt Nam và Australia trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chúng tôi đã học được rất nhiều bài học chia sẻ kinh nghiệm đến từ các chuyên gia, các tổ chức của Australia, đặc biệt là nội dung thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học cũng như thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở nhiều cấp độ. Theo đó, đổi mới sáng tạo không chỉ ở cấp quốc gia, các cấp, ngành, mà còn ở cấp vùng, cấp địa phương, đến từ doanh nghiệp và người dân, các hợp tác xã, câu lạc bộ.
Điển hình như việc thiết kế sổ tay hướng dẫn về thương mại hóa, với việc tạo thông tin nền cho người dân, doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu, chỉ cần thực hiện các bước như hướng dẫn của sổ tay thương mại hóa là có thể tạo ra một kế hoạch thương mại hóa cho sản phẩm của mình. Đây chính là bài học đến từ Australia. Còn một số bài học nữa cũng đến từ đất nước này như: Việc phát triển thị trường khoa học công nghệ; việc triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo một cách có trách nhiệm…
Đặc biệt, ở lĩnh vực phát triển nông nghiệp bền vững, Australia đã và đang chuyển giao cho Việt Nam những công nghệ tạo sinh kế cụ thể cho người dân như: Tạo ra giống tôm mới, giống hải sâm năng suất cao…
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!