Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cần triển khai quyết liệt, toàn diện, thường xuyên và liên tục
Theo ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Cần Thơ, trong những năm qua công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuy nhiên cần nhìn nhận thực tế rằng, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm. Việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt và thực hiện một số nghị quyết còn chậm, chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao; thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số tổ chức Đảng còn chưa nghiêm. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị còn hạn chế. Một số tổ chức Đảng, một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; thực hiện kỷ cương, kỷ luật của Đảng chưa nghiêm, chưa thật sự sâu sát thực tế, cơ sở.
Bên cạnh đó, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn xảy ra… Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng nói chung và cán bộ, đảng viên nói riêng.
Theo ông Phạm Văn Hiểu, trong nhiều nội dung quan trọng được bàn, thảo luận và quyết định tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, ông đặc biệt quan tâm, đánh giá cao các chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Trong thời gian tới, để tiếp tục lãnh đạo thực hiện thắng lợi công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, theo ông Hiểu công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, thường xuyên và liên tục; phải tiến hành đồng bộ và quyết liệt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa.
Cụ thể như tiếp tục tập trung vào 4 nhóm nhiệu vụ, giải pháp mà Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã đề ra; đồng thời bổ sung thêm 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp vừa mới được Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thảo luận, thông qua. Đó là xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm. Trong đó phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thường xuyên củng cố, tăng cường đoàn kết trong Đảng và hệ thống chính trị; thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng, thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Đặc biệt, cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải tích cực phòng ngừa và chủ động đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu… Cán bộ, đảng viên phải thực hiện trách nhiệm nêu gương theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu...
Chức vụ càng cao thì càng phải được giám sát chặt chẽ
Theo Đại tá Trần Hùng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Cần Thơ, nhiều năm gần đây, Đảng đã quan tâm coi trọng đúng mức, mạnh dạn, thẳng thắn trong giám sát, kiểm tra, đấu tranh, xử lý kiên quyết các sai phạm, vi phạm của các tổ chức, cá nhân nên vai trò và uy tín của Đảng đối với nhân dân ngày càng nâng cao. Nhân dân tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng ta, quan tâm hơn đối với Đảng, tạo sự đồng thuận đối với cả hệ thống chính trị. Cái mới của Hội nghị Trung ương 4 lần này là khuyến khích cán bộ sáng tạo, đổi mới, dám làm, dám chịu trách nhiệm đồng thời sẽ có giải pháp quy định rõ và đi đôi với khuyến khích thì cần có cơ chế ràng buộc. Để công tác xây dựng Đảng được tốt hơn, theo Đại tá Trần Hùng cần quan tâm một số yếu tố:
Về công tác đào tạo lý luận chính trị, cần có bổ sung gắn với thực tiễn với sự phát triển của tư duy và sự phát triển của xã hội. Hiện nay một số vấn đề trong cuộc sống thì lý luận chưa phù hợp và thường đi chậm hơn so với sự phát triển vốn có, cho nên khi cần soi rọi, giải quyết một vấn đề nào đó thường rơi vào lăng kính chủ quan.
Về công tác cán bộ, việc đào tạo, phát hiện xây dựng nguồn cần theo sát, giám sát kỹ sự phát triển từng giai đoạn của một con người cụ thể; tổ chức người giới thiệu và được quyền bổ nhiệm cũng phải gắn với chịu trách nhiệm sự phát triển của cán bộ đó (lâu nay ta thường nói người đứng đầu) nhưng nếu có sai phạm thường né tránh đùng đẩy trách nhiệm thuộc tập thể.
Về công tác giám sát và kiểm tra, phải phát huy được vai trò của Chi bộ, nơi công tác, địa phương nơi cư trú. Theo Đại tá Trần Hùng, cán bộ càng lớn, giữ trọng trách càng cao thì cần được giám sát chặt chẽ hơn; cán bộ làm công tác liên quan đến vật chất, kinh phí, tiền bạc, kinh tế... cần giám sát thường xuyên hơn và những người chống tham nhũng, tiêu cực phải được bảo vệ.
Mặt khác, đẩy mạnh hơn nữa xây dựng Đảng, xây dựng rèn luyện cán bộ, đảng viên về văn hóa con người, văn hóa Đảng. Hiện nay, sự suy thoái về văn hóa, đạo đức, lối sống là một vấn nạn trong một nhóm người, diễn ra trong cuộc sống hàng ngày và được che đậy bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong lãnh đạo, trong công việc chưa được coi trọng, chưa được giải quyết một cách thấu đáo, thường thì cấp trên không thích những người có cá tính, không thích nghe những lời góp ý trái chiều. Hiện tượng xu nịnh trong cuộc sống chưa được đẩy lùi, xu nịnh sẽ triệt tiêu công tác đấu tranh và xây dựng.