Triển khai văn bản điện tử tốt sẽ tiết kiệm được khoảng 1.200 tỷ đồng/năm

Chiều 28/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng chủ trì họp với các bộ, ngành, cơ quan về tình hình triển khai nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác chủ trì làm việc. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Văn bản điện tử ở một số bộ đạt cao

Trình bày báo cáo, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) cho biết, trong triển khai nhiệm vụ đã được các bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc triển khai. Nhiều nhiệm vụ đang được triển khai với thời hạn 2 năm (2019-2020) hoặc tiếp tục triển khai trong giai đoạn 2021-2025 (đây là nhóm nhiệm vụ được xác định là đang triển khai nhưng chưa hoàn thành hoặc trong hạn). Tuy nhiên, cũng còn một số nhiệm vụ được giao các bộ, ngành không hoàn thành đúng thời hạn.

Ông Ngô Hải Phan cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao 25 nhiệm vụ (4 nhiệm vụ được chuyển giao từ 9/2019). Trong đó, 9 nhiệm vụ hoàn thành, không có nhiệm vụ quá hạn, 4 nhiệm vụ trong hạn; còn lại 16 nhiệm vụ chưa hoàn thành (9 quá hạn, 7 trong hạn). Bộ Công an được giao 5 nhiệm vụ, trong đó có 1 nhiệm vụ hoàn thành, 1 nhiệm vụ mới chỉ hoàn thành 1/3 công việc (do nhiệm vụ này bao gồm việc xây dựng 3 văn bản), còn lại 3 nhiệm vụ chưa hoàn thành. Bộ Tài chính được giao cụ thể 4 nhiệm vụ, trong đó có 1 nhiệm vụ hoàn thành, 3 nhiệm vụ chưa hoàn thành.

Trong số 10 nhiệm vụ được giao chung cho các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính đã hoàn thành 2 nhiệm vụ, còn lại 8 nhiệm vụ chưa hoàn thành. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao cụ thể 5 nhiệm vụ, trong đó có 2 nhiệm vụ hoàn thành, còn lại 3 nhiệm vụ chưa hoàn thành. Bộ Y tế được giao 2 nhiệm vụ, trong đó 2 nhiệm vụ chưa hoàn thành. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao 3 nhiệm vụ, trong đó 3 nhiệm vụ chưa hoàn thành.

Cũng theo báo cáo, số lượng văn bản điện tử có ký số từ ngày 12/3/2019 đến ngày 31/11/2020 được gửi, nhận tại một số bộ rất cao. Tiêu biểu như các Bộ: Công Thương, Tài chính, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước.

"Tuy nhiên, có cơ quan có số lượng và tỉ lệ văn bản điện tử có ký số cao khi gửi, nhận với bên ngoài, nhưng việc gửi, nhận trong nội bộ lại rất thấp" - báo cáo cho biết. 

Tỷ lệ các vụ, cục và tương đương thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xử lý văn bản, hồ sơ công việc (trừ hồ sơ mật) trên môi trường mạng là 80%. Nhiều bộ đã đạt trước thời hạn (tháng 6/2020) với tỷ lệ cao như Bộ Giáo dục và Đào tạo đạt 100%; Ngân hàng Nhà nước đạt 100%; Bộ Thông tin và Truyền thông là 98,9%.

Làm tốt sẽ tiết kiệm được khoảng 1.200 tỷ đồng/năm

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng nhấn mạnh, với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng là không để nhiệm vụ nào không hoàn thành, đặc biệt trong thời điểm đang tập trung phòng chống dịch COVID-19 thì vấn đề rất quan trọng là cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử, tập trung cung cấp dịch vụ công đến người dân, doanh nghiệp.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

"Chúng ta phải cải cách tốt để tạo dư địa tăng trưởng trong thời điểm năm nay khó khăn vì đang tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, năm 2019 và 2 tháng đầu năm 2020, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng và sự chung tay của các bộ, địa phương, kết quả ban đầu là đáng khích lệ. Trong đó 3 sản phẩm: Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet), Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước được bình chọn là những sự kiện công nghệ thông tin tiêu biểu trong năm 2019.

Công tác xây dựng, rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh cũng được các bộ tham gia mạnh mẽ. Trong đó, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, lộ trình và cách làm đang được Bộ hoàn thiện; chất lượng giải quyết thủ tục hành chính đã được các địa phương quan tâm chỉ đạo và đã có những phản hồi tích cực trong nhân dân. 

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị, những nhiệm vụ được ghi trong Nghị quyết 17/NQ-CP, các bộ, cơ quan phải thực hiện nghiêm túc, đặc biệt là những nhiệm vụ liên quan kết nối chia sẻ dữ liệu, định danh xác thực điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử... Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị những bộ, cơ quan có nhiệm vụ đang thực hiện chậm, cần đẩy mạnh thực hiện với mục tiêu không nhiệm vụ nào không thực hiện và không để nhiệm vụ nào quá hạn.

Về gửi nhận văn bản điện tử, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết đây là quyết tâm của Thủ tướng. "Nếu làm tốt sẽ giảm chi phí, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm được khoảng 1.200 tỷ đồng/năm, vì vậy đề nghị các bộ, cơ quan phải quyết tâm để đến tháng 6/2020 gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp" - ông Dũng nhấn mạnh.

Về thực hiện dịch vụ công, ở thời điểm dịch bệnh hiện nay, Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh phải đẩy mạnh thực hiện đưa dịch vụ công lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Xuân Tùng (TTXVN)
Bộ Nội vụ thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử không kèm bản giấy
Bộ Nội vụ thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử không kèm bản giấy

Bộ Nội vụ vừa có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về danh mục văn bản điện tử không gửi kèm bản giấy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN