Triển lãm trưng bày, giới thiệu 85 tư liệu và hình ảnh với 5 nội dung chính gồm: Vị trí, vai trò lịch sử của Đà Nẵng và cuộc kháng chiến chống Liên quân Pháp - Tây Ban Nha (1858 - 1860); Chủ trương phòng thủ Đà Nẵng của triều đình Huế; Âm mưu, ý đồ chiến thuật của thực dân Pháp, diễn biến chiến trận Đà Nẵng 1858 - 1860; Cuộc rút lui của quân Pháp khỏi Đà Nẵng sau cuộc chiến 1858 - 1860; Tri ân công trạng của các Danh tướng và nghĩa sỹ đã hy sinh vì đất nước.
Triển lãm nhằm nêu bật vai trò, vị trí lịch sử của Đà Nẵng trong cuộc kháng chiến chống Liên quân Pháp - Tây Ban Nha (1858 - 1860). Trong những ngày tháng 9 cách đây 160 năm, tiếng súng đại bác trên 16 chiến hạm của đội quân viễn chinh phương Tây đã nổ trên cửa biển Đà Nẵng, mở màn cuộc chiến tranh thực dân xâm lược và đô hộ Việt Nam.
Cũng từ đây, lịch sử đã trao cho Đà Nẵng một sứ mệnh và thử thách lớn lao là thay mặt nhân dân cả nước và cùng nhân dân cả nước chống lại liên quân Pháp - Tây Ban Nha trong các đợt tấn công vào những năm 1858 - 1860.
Với sứ mệnh đó, quân dân Đà Nẵng dưới sự chỉ huy lần lượt của các danh tướng Đào Trí, Lê Đình Lý... và đặc biệt là danh tướng Nguyễn Tri Phương đã cầm chân và gây thiệt hại nặng cho liên quân Pháp - Tây Ban Nha, khiến âm mưu “đánh nhanh thắng nhanh” của quân đội viễn chinh Pháp thất bại. Với sự chiến đấu dũng cảm của quân dân Đà Nẵng, sự đồng tâm ủng hộ của nhân dân cả nước, quân xâm lược Pháp bị chặn đứng tại đây.
Ông Trần Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ cho biết dù 160 năm đã trôi qua nhưng hào khí những ngày đầu kháng Pháp vẫn luôn là trang sử vàng của dân tộc và cuộc chiến đấu “dưới chân thành Điện Hải” mãi là niềm tự hào của quân dân Đà Nẵng.
Triển lãm nhằm tuyên truyền, làm nổi bật ý nghĩa chiến thắng lịch sử của quân và dân Đà Nẵng trong buổi đầu kháng Pháp (1858 - 1860), đồng thời phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn","Đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc Việt Nam.
Triển lãm diễn ra đến hết ngày 2/9.